CSVN – Khác với mọi năm, ngày 28 Tết Canh Tý 2020, cả gia đình chọn phương án thuê xe để về quê ăn Tết – Vừa tiện trong việc di chuyển, vừa “né” bia rượu và có dịp tận hưởng không khí ngày cuối năm của người dân miệt vườn sông nước Cửu Long.
Đường về miền Tây thông thoáng
Tôi trở thành tài xế trong chuyến đưa vợ con về quê ngoại ăn Tết. Rút kinh nghiệm cho lần về quê ăn Tết năm 2019, khi cả nhà chọn phương án đi xe giường nằm Phương Trang từ Tp. Hồ Chí Minh về Rạch Giá – khoảng cách hơn 280 cây số mà đi hết… 14 tiếng đồng hồ. Nhớ lại còn đổ cả mồ hôi hột, đứa con hơn một tuổi cứ “khóc thét” mệt lả bởi kẹt xe, kẹt phà, ùn ứ dọc tuyến đường Quốc lộ 1A.
Tôi nhờ “tiền trạm” qua điện thoại, và chọn đường tránh Quốc lộ N2 qua Đồng Tháp. Ra khỏi Tp.HCM, từng chuyến xe hối hả của những người đi làm ăn xa như chạy đua với thời gian để kịp về quê khi xuân về Tết đến.
Trên các tuyến đường về miền Tây ngày giáp Tết, phương tiện cá nhân là lựa chọn số 1 của những sinh viên, những cặp vợ chồng trẻ từ miền Tây lên Sài Gòn, Bình Dương làm việc. Đường về quê đông vui như hội, trật tự và đi theo từng tốp, trên xe thồ thêm những bó hoa, hộp bánh, thùng bia và cả túi hành lý cồng kềnh…
Nhìn qua cửa kính, quán xá hai bên đường trở thành điểm dừng chân cho hành trình về quê ngày cuối năm. Mệt, thì đã có võng để “ngả lưng” nghỉ rồi đi tiếp; Khát, thì đã có những điểm phát nước suối và khăn lạnh miễn phí dọc đường; không quen đường, đã có những đội quân tình nguyện – những người dân hồn hậu, tốt bụng, đứng các ngã ba, ngã tư chỉ đường ….
Sắc Xuân vùng nông thôn mới.
Ông bà xưa thường bảo: “Qua sông thì phải lụy đò”, nhưng đường về miền Tây hôm nay, bắc qua sông là những chiếc cầu dây văng hoành tráng, liên tục được xây dựng giúp kết nối giao thông, tạo nên nét đẹp, văn minh cho vùng đất sông nước hiền hòa, vựa lúa trù phú của đất nước.
Qua Cầu Cao Lãnh dài hơn 2 km bắc qua sông Tiền nối liền Tp. Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), đây là chiếc cầu trọng điểm nằm trong Dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu long, kéo các tỉnh miền Tây “xích lại” gần nhau.
Đi trong mênh mang bao cảm xúc thân thương, ngắm nhìn sông nước, vườn cây trái xanh um, trĩu quả… Đứa con gái chồm lên nhìn qua của kính cứ hét to: “Đẹp quá! Đẹp quá!”. Quá đẹp, thế mới biết, đi qua biết bao vùng đất, bao quốc gia vẫn thấy quê mình nơi đâu cũng đẹp, bất chợt, tôi cất vang câu hát:“Nghe nói Cà Mau xa lắm/Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới/Về để nói với nhau mấy lời”…
Mồng 3 Tết, có người bạn rủ vào khu giải trí câu cá, ngắm mai vàng ở tận Tà Keo Ngọn (xã Phi Thông) cách Tp. Rạch Giá tầm hơn 15 cây số. Ngày trước, khi nhắc đến xã Phi Thông là người ta nghỉ ngay đến vùng xa, vùng sâu, đường giao thông cách trở bởi kênh rạch chằng chịt, và ai bị điều động vào làm việc tại đây đều được coi như bị …“lưu đày”.
“Yên tâm đi, xe hơi chạy vào đến tận nơi…” – Tiếng của cô bạn hào hứng từ điện thoại. Thế là, háo hức đi để trải nghiệm. Dọc theo đường Xuyên Á, qua cầu Rạch Giá 1, theo đường bê tông do người dân làm, xe lăn bánh chay dọc kênh ông Năm Liêu, đi qua 6 cây cầu sắt vững chãi, xe tôi đến ấp Tà Keo Ngọn. Xã Phi Thông được công nhận là xã Nông thôn mới ngày 3/8/2015. Người dân nơi đây đã “thoát nghèo” bằng việc nuôi chim yến, trồng lúa giống cao sản và tự cung, tự cấp bằng chăn nuôi, trồng trọt… Dọc hai bên đường, nhà xây kiên cố san sát, những hàng rào bao bọc thật đẹp. Mai vàng nở vàng rực trước hiên nhà, cờ Tổ quốc bay phấp phới…
Ghé vào nhà một người dân ven đường, ngắm những cây mai cổ thụ vàng rực, xin chụp vài kiểu ảnh “để đưa mai” về phố. Anh Út Nhỏ (chủ nhà) cười hiền khô: “Cứ chụp thoải mái, hổng có sao!”. Nhận bao lì xì, anh chân chất cho biết: “Có người biết “chơi” mai, trả cả trăm triệu cho mỗi gốc nhưng anh không bán vì … để ngắm chơi và để có “không khí” Tết”.
Câu chuyện đầu năm của người dân Tà Keo Ngọn thật rôm rả, họ hào hứng hưởng ứng Nghị định 100 của Chính phủ, không còn cảnh trăm phần trăm “không uống, không về”; phấn khởi về vụ lúa Đông xuân “né mặn” được mùa mà chi phí thấp, “hổng biết vào vụ đông ken có được giá không?”; rồi nhắc nhau đeo khẩu trang vì “dính phải con virus là mệt à nghen!”. Họ còn khoe trồng được rau sạch, ăn cá thả ao nhà và gà thả vườn đảm bảo “hổng lo” dịch bệnh… Chia tay vùng miệt vườn về phố, hành trang mang theo là chuyện làm ăn “thoát nghèo” của bà con vùng sông nước, câu chuyện hiến đất làm đường giao thông và xây cầu cho dân của các tổ chức từ thiện… Với người dân chân chất nơi đây, họ có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và Chính phủ vì trong làm ăn người dân không còn chịu cảnh “qua sông thì phải lụy đò”.
NGUYỄN HỒNG
Related posts:
- Phụ nữ hai giỏi ở Geru Star
- Chung kết bóng chuyền nam Cao su Quảng Trị - Cao su Hà Tĩnh (Clip 2)
- Cụ thể hóa phong trào thi đua thành sáng kiến sản xuất
- Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn tái đắc cử Bí thư Đảng bộ Cao su Hà Tĩnh
- Khai mạc Hội thao Khu vực I - Sơn La
- VRG Khải Hoàn chia cổ tức 110%
- Khi mùa Xuân đến
- 162 vận động viên Cao su Mang Yang tham gia giải bóng chuyền
- Mừng ngày độc lập
- Trồng rau ở Trường Sa