CSVN – Năm 2020, TCT nhận được chứng nhận VFCS/ PEFC – FM cho diện tích 8.600 ha và PEFC – CoC cho 2 nhà máy chế biến (công suất trên 45.000 tấn /năm) của tổ chức Chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC. Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT đã có những chia sẻ về quá trình thực hiện của đơn vị để được PEFC cấp chứng nhận bền vững.
– Thưa ông, trước khi nhận được chứng nhận bền vững của VFCS/PEFC, TCT gặp khó khăn gì trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và trên thị trường thế giới?
Ông Đỗ Minh Tuấn: TCT hiện quản lý trên 35.000 ha, trong đó diện tích rừng cao su trên 33.000 ha. Sản lượng khai thác hàng năm trên 30.000 tấn cao su thiên nhiên, sản lượng thu mua tiểu điền khoảng 7.000 tấn cao su. Tiêu thụ đạt 36.400 tấn, xuất khẩu trực tiếp chiếm trên 50%. Thị trường gồm các nước: Nhật, Đức, Bắc Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ… và các khách hàng trong nước.
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm của TCT có chất lượng cao, phù hợp theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, được chứng nhận thương hiệu “Cao su Việt Nam”. Do đó, nhận được sự tín nhiệm cao của các khách hàng trong và ngoài nước. TCT hiện áp dụng các hệ thống quản lý bao gồm: ISO 9001; ISO 14001; ISO 45001; ISO/IEC 17025 và Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (QLRBV) VFCS/ PEFC – FM và Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC – CoC. TCT cũng đã đạt được top 100 doanh nghiệp bền vững năm 2019, 2020.
TCT đã gặp nhiều khó khăn khi nhận được chứng nhận VFCS/PEFC, cụ thể như: Một số quy trình trong sản xuất cao su chưa bền vững, còn gây tác động tiêu cực đến môi trường như: xói mòn đất, xử lý chất thải chưa triệt để; Giải pháp quản lý nội bộ chưa đạt hiệu quả cao, năng suất lao động còn hạn chế; Quá trình xuất khẩu các sản phẩm vào các nước Mỹ, Nhật, khối EU… gặp khó khăn liên quan đến rào cản thương mại, kỹ thuật. Khách hành yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo chuỗi hành trình sản phẩm, TCT phải công bố các chính sách về an sinh, xã hội, bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận cho sản phẩm được quản lý và sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế…
Bên cạnh đó, TCT phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên về giá thành, hiệu quả SXKD, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là uy tín thương mại.
– Những chứng nhận bền vững mà TCT nhận được đã giúp ích cho đơn vị như thế nào để vượt qua những trở ngại mà ông đề cập đến ở trên?
Ông Đỗ Minh Tuấn: Chứng nhận bền vững đã giúp ích cho TCT vượt qua những trở ngại nêu trên như sau: Bộ máy quản lý được sắp xếp tinh gọn, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. NLĐ được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất, góp phần cải thiện đời sống và thu nhập; Năng suất, chất lượng vườn cây được đồng đều, ổn định, cơ giới hóa, tự động hóa trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao khả năng thích ứng với giá thấp; Sản lượng thu mua, chế biến gia tăng, chất lượng sản phẩm nâng cao, gắn kết với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới có hiệu quả; Phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư.
Với những lợi ích đó, năm 2021, TCT tiếp tục mở rộng diện tích chứng nhận cho 2.300 ha và 1 nhà máy chế biến (công suất trên 10.000 tấn/năm).
– Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình có được những chứng nhận đó và VFCS/PEFC đã hỗ trợ TCT như thế nào để đơn vị đạt được các chứng nhận bền vững?
Ông Đỗ Minh Tuấn: Trong quá trình thực hiện, TCT có nhiều thuận lợi như: TCT đã và đang áp dụng có hiệu quả các hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn ISO về quản lý chất lượng (ISO 9001), về môi trường (ISO 14001), về xã hội (ISO 45001); Đơn vị đã tuân thủ tốt theo các quy định của pháp luật trong SXKD và một số vấn đề liên quan đến quản lý rừng như quản lý đất đai, môi trường, lao động.
Tuy nhiên, TCT cũng gặp không ít những khó khăn. Thứ nhất, về mặt chủ quan: Do hiểu biết trước đây về lâm nghiệp nói chung và QLRBV nói riêng của CB.CNV TCT còn hạn chế nên một số hoạt động sản xuất, quản lý rừng còn chưa phù hợp với các yêu cầu trong Bộ tiêu chuẩn QLRBV. Nhất là các vấn đề liên quan đến duy trì năng suất rừng bền vững, các vấn đề trong bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học… Việc thay đổi nhận thức, điều chỉnh các quy trình quản lý kỹ thuật cũng gây bỡ ngỡ cho CB.CNV trong thời gian đầu.
Về khách quan: Do diện tích rừng TCT quản lý có quy mô lớn, nằm rải rác trên nhiều đơn vị hành chính và giáp ranh với nhiều cộng đồng dân cư, nên hoạt động SXKD có liên quan tới nhiều bên. Để hài hòa lợi ích các bên liên quan và có trách nhiệm môi trường, xã hội như các yêu cầu trong Bộ tiêu chuẩn đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính lớn, có kế hoạch giải quyết trong thời gian dài, không thể giải quyết sớm được.
Từ tình hình thực tế đó, TCT đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn (Viện nghiên cứu Lâm sinh, Công ty quản lý Lương) đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức cho NLĐ về QLRBV, CCR, Chuỗi hành trình sản phẩm. Xây dựng Phương án QLRBV cho toàn bộ diện tích rừng của TCT quản lý. Đồng thời cập nhật, điều chỉnh hệ thống các quy trình quản lý, kỹ thuật và giám sát đánh giá cho phù hợp với các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn. Thời gian từ lúc triển khai thực hiện, các công tác chuẩn bị đến đánh giá, cấp chứng chỉ là 8 tháng.
Khi thực hiện chương trình, TCT nhận được sự hỗ trợ của VRG trong việc kết nối với các đơn vị tư vấn có năng lực tốt trong tư vấn về thực hiện QLRBV và Chứng chỉ rừng CCR. Song song đó, các vấn đề vướng mắc, chưa hiểu rõ, liên quan đến quy định của VFCS/PEFC thì đều được tổ chức hướng dẫn nhiệt tình thông qua các cuộc trao đổi trực tiếp, hội thảo…
– Lợi ích lớn nhất những chứng nhận này mang lại cho doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Minh Tuấn: TCT đạt được nhiều lợi ích trên tất cả các lĩnh vực khi nhận được chứng chỉ do PEFC cấp.
Về mặt xã hội: Nhận thức và năng lực về QLRBV của NLĐ trong đơn vị và cộng đồng khu vực xung quanh được nâng cao; Đảm bảo phát triển, kinh doanh cao su tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ của doanh nghiệp; Tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển của doanh nghiệp không ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của cộng đồng; Tạo công ăn việc làm ổn định hơn 4.300 NLĐ; Thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng; Giữ gìn an ninh trật tự, phát triển mối quan hệ tốt với địa phương. Về mặt môi trường: Giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường: Giảm thiểu biến đổi khí hậu; Bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn; Tạo cảnh quan môi trường xanh, không gây tác hại đến hệ sinh thái khác; Góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Về mặt kinh tế: Tiếp cận, mở rộng thị trường thuận lợi, bền vững, đáp ứng nhu cầu cần nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên có chứng nhận; Nâng cao thương hiệu của TCT trên thị trường trong và ngoài nước; Doanh thu hàng năm tăng trưởng bền vững.
– Theo ông, vì sao các công ty trong chuỗi cung ứng của ngành cao su nên có những chứng nhận này?
Ông Đỗ Minh Tuấn: Vì điều đó phù hợp với xu thế chung của thế giới và định hướng phát triển bền vững của Việt Nam; Phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của VRG; Đảm bảo phát triển rừng cao su bền vững, ổn định; Góp phần nâng cao đời sống cho NLĐ và cộng đồng dân cư địa phương; Giảm thiểu các tác động, rủi ro về môi trường và xã hội; Đáp ứng yêu cầu của thị trường về sản phẩm mủ cao su và gỗ cao su có chứng nhận bền vững.
– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
MINH TUỆ (thực hiện)
Related posts:
- Chung lưng đấu cật
- Cao su Lai Châu II chăm lo tốt đời sống lao động đồng bào dân tộc thiểu số
- Cao su Việt Lào: Nhiều giải pháp đảm bảo hiệu quả cao
- Chi bộ Cơ khí Cao su: Lấy vai trò xung kích, tiên phong của Đảng viên làm đòn bẩy phát triển
- Linh hoạt trong công tác tuyển dụng lao động
- Ánh sáng mới nơi buôn làng
- Cao su Quasa - Geruco phấn đấu khai thác 8.600 tấn mủ năm 2024
- "Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chăm lo tốt đời sống người lao động để hoàn thành vượt mức kế hoạc...
- Cao su Bà Rịa tham gia lễ ra quân huấn luyện quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Cao su Bình Long quyết tâm đạt thành tích cao tại hội thi cấp ngành