Dấu ấn màu áo lính nơi biên cương

CSVN – Những khu dân cư đông đúc, những con đường trải nhựa và bê tông hóa, hệ thống trường mầm non, điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ gia đình… là dấu ấn nổi bật mà những người khoác áo lính của Công ty 716 (Binh đoàn 15) đã tạo dựng được nơi biên giới huyện Ia H’drai – tỉnh Kon Tum.

Lãnh đạo công ty chào đón những người mới đến làm việc tại đơn vị
Xây dựng thành công 2 nhiệm vụ chiến lược

10 năm về trước, khu vực xã Ia Đal và Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum gần như là một vùng trắng dân. Đây là vùng biên giới với khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại rất khó khăn. Nhưng nay, sau khoảng 10 năm cây cao su bén rễ thì cuộc sống nơi vùng biên giới đã sang trang với những đổi thay bất ngờ mang dấu ấn của những người lính.

Anh Đặng Duẩn – Chủ nhiệm chính trị và anh Hoàng – nhân viên phòng chính trị công ty đưa chúng tôi đi trên 2 chiếc xe gắn máy thăm vườn cây cao su của các Đội 1, 11 rồi Đội 4, 5, 6…để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người công nhân (CN) cao su nơi vùng biên cương.

Qua nắm bắt thông tin, chúng tôi được biết Công ty 716 được hình thành trên cơ sở 2 dự án của Công ty 75 và 79 đều là các thành viên trong binh đoàn. Đến nay, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển công ty đã định hình được một vùng cao su rộng lớn với trên 3.100 ha trải dài trên 2 xã Ia Dal và Ia Tơi của huyện Ia H’drai, dọc theo 60km đường biên giới với Campuchia.

Hiện công ty đang quản lý hơn 1.500 ha cao su khai thác và trên 1.600 ha KTCB, được biên chế thành 12 đội sản xuất với 945 lao động. Việc hình thành các cụm, các điểm dân cư đều được công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Nơi nào có cao su nơi đó có đội sản xuất, có khu dân cư, giao thông, có hệ thống y tế, cơ sở giáo dục…

Với quan điểm “Trồng cao su đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới trước mắt và lâu dài. Vì vậy, công ty đã quy hoạch ổn định các vùng chuyên canh sản xuất cao su, khu định canh, định cư cho nhân dân tại chỗ cũng như người dân nơi khác chuyển đến ngay từ những ngày đầu.

Chị Lê Thị Phượng – CN Đội 10, một trong số những gia đình có mặt từ ngày đầu trồng cây cao su nơi biên giới cho chúng tôi hay: “Cuộc sống của người CN chúng tôi nay đã đổi thay rất nhiều so với những ngày đầu vào đây lập nghiệp, ngoài tiền lương mỗi tháng gần chục triệu đồng thì gia đình chúng tôi còn trồng thêm một số cây hoa màu khác nơi bờ lô, hợp thủy như lạc, bắp, lúa…kết hợp với chăn nuôi thả vườn gà, vịt để cải thiện cuộc sống”.

Chia tay chị Phượng, chúng tôi “bon bon” trên những đoạn đường nhựa, đường bê tông rồi trên những đoạn đường cấp phối qua những chòi gác chống cháy, những lán thu mủ sạch sẽ mà những người CN vẫn xem đó là ngôi nhà thứ 2.

Anh Đặng Duẩn vừa đi vừa chỉ tay vào những ngôi nhà kiên cố khang trang, chỉ cho chúng tôi thấy hệ thống điện lưới được công ty kéo đến từng hộ, anh cho biết: “Ở đây điều kiện còn nhiều khó khăn, nên công ty đã xây dựng cây xăng, tạp hóa để cung cấp nhu yếu phẩm cho CN.

Vào những lúc khó khăn, CN có thể đến đây mua nợ, đến những tháng có thu nhập tốt thì công ty sẽ tiến hành thu lại. Những ngôi nhà được xây dựng làm nơi ở cho người lao động đến định cư trong những ngày đầu, nay công ty đã cấp cho họ, khi có điều kiện sẽ tự làm mới”.

Nhìn cơ sở hạ tầng, cuộc sống ấm no của bà con vùng biên giới chúng tôi hiểu trong suốt quá trình hình thành, Công ty 716 đã gắn chặt được sự phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng trên địa bàn. Nên mỗi cụm dân cư của công ty cũng chính là một làng xã chiến đấu, ở đó mỗi CN, người lao động đều là một chiến sĩ.

Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang chắc chắn sẽ tạo được một thế trận toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Một khu dân cư hình thành trên cánh rừng cao su
Biến vùng đất nghèo khó thành khu dân cư trù phú

Dừng chân ở một lô cao su, chúng tôi gặp một CN đang loay hoay trút thùng mủ vào can để vận chuyển về lán. Hỏi thăm, chị là Vi Thị Hiệp – CN Đội 6, là một trong số những CN có mặt từ ngày đầu tiên.

Tranh thủ nghỉ tay, chị chia sẻ với chúng tôi: “Ngày đầu vào đây làm CN cao su hoang vu lắm, đường đi chưa thông, nhà ở thì tạm bợ, cuộc sống hết sức vất vả. Nhưng nay đã khác nhiều rồi, sau 10 năm làm CN cao su gia đình tôi đã làm được nhà kiên cố, mua được xe máy, sắm được tivi và các vật dụng sinh hoạt khác trong gia đình, con cái được ăn ngon mặc đẹp, được đến trường học chữ. Điều mà lâu nay gia đình tôi chưa dám mơ đến”.

Anh Duẩn đưa chúng tôi đến một điểm trường mầm non của Đội 6 gặp gỡ các cháu và cô giữ trẻ. Nhà trẻ nằm trong khuôn viên của đội, dãy nhà khá khang trang và sạch sẽ, thoáng mát, nơi có khoảng 3 – 5 cô phụ trách, đang giờ ra chơi nên các cháu thỏa thích vui đùa với nhau trên cầu trượt, nhà banh đến những trò chơi khác, nụ cười trẻ thơ hồn nhiên nô đùa cũng đủ biết phần nào sự chăm sóc tận tình của các cô giáo và cuộc sống no đủ của các cháu.

Chị Nguyễn Thị Thiệp – một cô nuôi dạy trẻ ở đây từ năm 2014 cho hay: “Lúc mới vào đây cũng rất lo lắng, bởi tứ bề đều là rừng núi, người thưa đất trống, đi lại khó khăn, nhiều lúc cũng dao động. Nay khu dân cư của Đội 6 đã sầm uất hơn nhiều, cái gì cũng có, từ điện lưới quốc gia, đường nhựa thẳng tắp, các hàng quán ngày càng nhiều hơn, đời sống tinh thần của CN và người dân ở đây đã được cải thiện đáng kể”.

Trên đường về anh Duẩn cho biết thêm: Địa bàn công ty quản lý có 12 khu dân cư như thế này, gắn với 12 đội sản sản xuất. Để CN yên tâm công tác, các điểm giữ trẻ đón các cháu sớm và trả về khi bố mẹ hoàn thành xong công việc lúc chiều tối kể cả thứ 7 và chủ nhật, ngày nào CN đi làm thì các nhà trẻ sẽ hoạt động. Bên cạnh đó, công ty còn có hệ thống y tế ở khắp các đội sản sản xuất để đảm bảo sức khỏe tuyến đầu cho CN và người thân của họ.

Rời những khu dân cư nơi biên cương, chúng   tôi đều có chung một suy nghĩ rằng trong tương lai không xa, chắc chắn những khu dân cư như thế này sẽ sớm trở thành những thị tứ sầm uất hơn. Sự góp sức của những người lính đã và đang làm cho vùng biên vươn lên mạnh mẽ, mang lại đời sống ổn định, phồn vinh và sự đổi thay trên cao nguyên bao la.

VĂN VĨNH