Chuyện ở nông trường cao su An Lộc

CSVNO – Cái mà Nông trường An Lộc làm được trong một năm một thời gian rất ngắn là đáng kinh ngạc.

Công đoàn Cao su VN khen thưởng cho nông trường

Nằm trong chương trình đi thăm hỏi, động viên, tặng quà công nhân lao động toàn ngành nhân 4 tháng thi đua nước rút năm 2022. Chúng tôi chọn tổ, nông trường về trước kế hoạch đầu tiên để khởi đầu cho chuyến đi. Tôi cùng anh em Công đoàn Cao su chọn cao su Lộc Ninh (nơi mà có 2 tổ và 1 Nông trường đã về kế hoạch trước 60 ngày) để đi thăm, đó là tổ 3 Nông trường 6 và tổ 1 Nông trường 7. Đang tặng quà và nói chuyện với anh em công nhân thì điện thoại tôi rung lên. Đầu máy bên kia giọng anh Tổng Giám đốc Cao su Đồng Nai -Đỗ Minh Tuấn vang lên:

  • Ngày mai bận gì thì bận anh phải sắp xếp về dự mừng công về trước kế hoạch năm của Nông trường An Lộc. Năm ngoái đứng cuối, năm nay về đầu.

Tôi viện dẫn nhiều lý do lịch công tác đã xếp từ trước song một thoáng sắp xếp lại tôi đồng ý và hỏi lại:

  • An Lộc có gì đặc biệt không anh?
  • Anh cứ xuống đi ngày mai sẽ biết. Nhiều chuyện có thật và thú vị, bất ngờ.

Sáng ngày 8/11 tôi dự Hội thảo của Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức nội dung rất hay: “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững”. 11 giờ trưa chúng tôi lên đường về với An Lộc. An Lộc – Suối Tre một địa danh nổi tiếng của Đồng Nai từ năm 1906 khi người Pháp trồng cây cao su đầu tiên lập nên đồn điền. Đến nay các công trình kiến trúc thời Pháp vẫn còn đó vững vàng thanh thoát, kiêu sa dẫu đã hơn 100 năm tồn tại. Theo anh Tuấn – Tổng Giám đốc nói: – Đây là “bàn thờ” của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Các thế hệ công nhân, lãnh đạo anh hùng của Đồng Nai từng sống, chiến đấu, xây dựng từ đây.

Vùng đất đỏ ba dan màu mỡ nằm sát đường Quốc lộ 1A, phường Suối Tre thuộc Thành phố Long Khánh. An Lộc Suối Tre như một cô gái còn trinh nguyên với rừng cây cổ thụ nằm dưới bãi cỏ xanh rì với hồ Suối Tre nước trong veo. Nơi đây là trường học, bệnh viện, chùa chiền, khu văn hóa, thể thao, nhà truyền thống, hội trường và những biệt thự vườn kiểu Pháp xưa và nay. Trụ sở nông trường ở đây vẻ trầm mặc dưới tán cây .

Chuyện thứ nhất: Thăng trầm.

Trước đây Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có 12 nông trường và các đơn vị phụ thuộc. Nay sau khi sắp xếp, sáp nhập còn 10 nông trường. Xếp theo thứ tự tên theo an pha bê thì An Lộc được xếp đầu tiên. Lần đầu tiên năm 2022 được xếp đầu tiên theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Từ thuở ấy (1906), cây cao su được người Pháp trồng thành công ở Dầu Giây và thành lập đồn điền ở đây. Cái tên An Lộc – Suối Tre nằm trong dòng chảy lịch sử đó. Chỉ tính từ năm 1975 đến nay, 47 năm cao su Đồng Nai thì nông trường An Lộc được thành lập đầu tiên với bề dày truyền thống và thành tích vô cùng ngưỡng mộ: Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Lao động hạng 1,2,3. Các thế hệ công nhân nông trường đã đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng nông trường tạo nên những dấu ấn và giá trị trường tồn không phai mờ. Song lịch sử vẫn còn ghi lại những thăng trầm trong quá trình tồn tại và phát triển.

Thực trạng của những năm ảm đạm đó là: Trình trạng công nhân nghỉ việc vào làm các khu công nghiệp mới mở, tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, vô kỷ luật, thích thì ra lô cạo, không thích thì tự do nghỉ bất kể nắng hay mưa hay mùa vụ. Năng suất lao động kém, thu nhập thấp. Năng suất vườn cây trong 10 năm trước đây chỉ đạt 1,46 tấn. Năm 2021 đạt 1,51 tấn. Mật độ vườn cây 36 cây/ha, chăm sóc kém, sâu bệnh nhiều. Tình trạng mất cắp mủ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng. Địa bàn vườn cây bị chia cắt bởi nhiều khu dân cư, đường giao thông, khu công nghiệp. Các yếu tố tiêu cực xã hội đã tác động mạnh đến tổ chức sản xuất, bảo vệ vườn cây, sản phẩm và công tác quản lý. Năm 2019 sáp nhập với nông trường Dầu Giây quy mô lớn, tính phức tạp, khó khăn tăng lên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ thuật dẫu có nhiều cố gắng nhưng không vực dậy được An Lộc trong một thời gian dài và đã tụt hậu đứng thứ chót.

Chuyện thứ 2: Đổi mới – Đột phá – Chuyển mình.

Thành ngữ xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Với An Lộc thì “Thiên thời, địa lợi nhưng nhân chưa hòa”. Phải chăng “Mưu sự tại nhân”. Tìm ra căn bệnh trầm kha để chữa trị bằng nhiều liều thuốc: Đúng bệnh – Đúng thuốc. Thuốc đắng giã tật.

Đó là yếu tố con người, tâm và chí, tư duy cải tạo thực tiễn. Đổi mới – Đột phá và quyết tâm chính trị.

Anh Đỗ Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tâm tình:

  • Bao nhiêu câu hỏi tại sao cứ ám ảnh trước thực tại Tổng Công ty và các nông trường. Với An Lộc vẫn câu hỏi ấy và anh tự trả lời: Không để An Lộc tụt hậu, phải xứng đáng với các thế hệ công nhân ở đây và đột phá đầu tiên là con người. Anh chủ động bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc cử anh Nguyễn Thành Khương – Trưởng phòng bảo vệ – Thanh tra với nhiều thành tích và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ về làm Giám đốc Nông trường An Lộc. Ngày nhận quyết định anh Khương kể lại với bao lo toan và câu căn dặn, giao nhiệm vụ và đầy quyết đoán của anh Tuấn: “Một đi không trở lại”. Anh hiểu rằng đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phải giành thắng lợi. Còn bằng không. Hết vốn. Không có đường về.

Công việc đầu tiên là ổn định tổ chức sau khi sáp nhập 2 nông trường, anh em ngồi lại với nhau đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Đánh giá đúng thực trạng của nông trường, tìm ra nguyên nhân yếu kém, trì trệ. Giải pháp đầu tiên là ổn định tư tưởng công nhân, tổ chức lại sản xuất trên vườn cây. Xử lý nghiêm tình trạng vô kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động 80 công nhân lao động trực tiếp không còn tha thiết gắn bó với nông trường. Chủ động ra Hà Giang tuyển lao động bù vào lao động bị thiếu hụt, luân chuyển đội ngũ cán bộ cấp tổ. Tập trung củng cố vườn cây từ chăm sóc, bón phân, bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm tệ nạn phá hoại vườn cây, ăn cắp sản phẩm từ trong nội bộ công nhân và ngoài xã hội. Tổ chức lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, phát động phong trào của quần chúng, phân bổ phần cây giao khoán, chế độ cạo hợp lý. Đề xuất với lãnh đạo Tổng Công ty khen thưởng động viên kịp thời. Sau 3 tháng tình hình chuyển biến rõ rệt. Công nhân, cán bộ yên tâm công tác, khí thế làm ăn sôi nổi trở lại…

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 với nhiều quyết tâm, tất cả vào cuộc với sự đoàn kết thống nhất cao. Và đây là kết quả đạt được đáng kinh ngạc: Tổng diện tích quản lý khai thác: 1.417,5 ha; lao động: 180 người; kế hoạch sản lượng năm 2022: 1.750 tấn; sản lượng thực hiện 7/11/2022 là 1.756 tấn; dự kiến đến 31/12/2022: 2.211 tấn; đạt 126,3%. Năng suất vườn cây: 1.914 kg/ha; Năng suất lao động: 13.000 kg/người. So với năm trước: năng suất vườn cây bình quân tăng 401 kg/ha, tỷ lệ tăng 26%. Năng suất bình quân 1 lao động tăng 2.556 kg tăng 24,3%. Điều đáng nói là từ năm 2012 – 2017 năng suất vườn cây chỉ đạt 1,42 tấn. Năm 2011 đạt 1,51 tấn, 10 năm năng suất bình quân 1,46 tấn.

Theo Tổng Giám đốc Đỗ Minh Tuấn đánh giá đó mới chuyện đáng nói, 47 năm Tổng công ty Cao su Đồng Nai mới có 1 nông trường về trước kế hoạch: 56 ngày. Vậy ra nguyên nhân đã được tìm ra. Tất cả do con người, do quản lý và tổ chức sản xuất. Tiềm năng đất đai, vườn cây vốn có, chỉ có con người và cách thức khai thác sáng tạo hiệu quả. Song, cái mà Nông trường An Lộc làm được trong một năm một thời gian rất ngắn là đáng kinh ngạc. Chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện mà giám đốc Khương chưa nói và cần tìm hiểu kỹ hơn.

Tôi lấy điện thoại gọi cho Khương hẹn hôm khác đi Nông trường. Khương vui vẻ nhận lời và nói: “Anh em mới làm được 1 năm song còn nhiều yếu kém, hạn chế lắm anh, không phải ngày một ngày hai làm được anh, cần phải có thời gian ổn định và phát triển bền vững. Em chưa có kinh nghiệm quản lý, vừa làm vừa học. Anh em đoàn kết chung sức chung lòng, công nhân tin tưởng và hưởng ứng là làm được”. Và tôi cũng tin như thế.  

LINH ĐAN