CSVN – Chuyến xe sau Tết từ Nam Định trở lại Gia Lai này chở biết bao con người với những ước mơ hoài bão khác nhau nhưng ở đó có một điểm chung là tình cảm với quê hương lúc nào cũng sâu đậm. Người ta có thể chấp nhận được mọi sự mệt mỏi khi di chuyển để được về sum họp với gia đình.
Tôi vào làm công nhân cao su được hơn 8 năm, từ 2009 cho tới hiện tại, niềm vui nỗi buồn trong nghề cũng đã trải qua, gian khổ nào cũng không đáng ngại bằng những trăn trở hiện tại về việc có nên tiếp tục gắn bó với nghề mà mình đã chọn hay không? Các bạn ạ! Có lẽ nào sở thích và quan điểm của mình lại thay đổi theo thời gian?
Tôi sinh ra ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cả năm quanh quẩn với cây lúa, cây ngô. Thế rồi cuộc sống khó khăn quá, nhà lại đông anh em, lớn lên tôi với mấy anh chị chạy tứ tán mỗi người mỗi nơi mong muốn tìm kiếm một công việc nuôi sống bản thân mình. Tôi vào Gia Lai, ban đầu đi làm thuê, ai mượn gì làm lấy, loay hoay một hồi, kinh qua đủ thứ nghề nhưng chả đâu vào đâu cả, sau xin vào làm công nhân cao su cho ổn định. Ban đầu mình chỉ nghĩ đơn giản làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng càng làm càng thấy nghề cạo mủ cao su hợp với mình, vất vả đấy nhưng cũng vui đấy.
Lúc Tết về, mẹ tôi bảo: Bây giờ người ta chuyển hết về quê làm công ty rồi, con cũng lo mà tính đi, khu công nghiệp tuy xa nhà nhưng có xe đưa đón, cuối tuần lại được ở nhà thêm thắt vào cây lúa, cây khoai cũng đỡ hơn đi làm ăn xa, Tết nhất không phải nhấp nhổm lo gồng gánh về nhà.
Lời nói của mẹ làm tôi suy nghĩ, thì cũng đành là làm gần nhà thì ai mà chả muốn, nhưng làm nghề gì thì lại liên quan đến khả năng và sở thích của từng người. Tuy làm khu công nghiệp, nắng không đến mặt mưa không đến đầu, nhưng phải làm ca kíp thay đổi liên tục, đã vậy còn phải chạy theo dây chuyền, cứ phải thoăn thoắt theo guồng máy, chuyên môn hóa cũng có cái mệt riêng của nó. Làm công nhân khai thác mủ cao su, tuy vườn cây nhận khoán là tài sản của công ty nhưng nó gần gũi và thân thiết với mình quanh năm suốt tháng, ngoài lúc cán bộ kiểm tra ra, người tương tác với vườn cây chủ yếu là mình.
Cường độ lao động mình có thể chủ động điều tiết được, lúc nào mệt quá thì làm chậm lại, lúc nào khỏe làm bù lại để đảm bảo sản lượng giao khoán, miễn là thực hiện đúng quy trình kỹ thuật công ty đã đề ra, không phải thấp thỏm lo đốc công với quản đốc thúc giục chạy hàng như làm trong các dây chuyền công nghiệp.
Hơn nữa làm công nhân cao su nếu có điều kiện về đất đai có thể kết hợp làm vườn hoặc chăn nuôi được, cũng có thể nhận khoán vườn cây cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản để trồng xen canh hoa màu, nâng cao thu nhập, dần ổn định và phát triển cuộc sống.
Suy nghĩ trăn trở mãi, cuối cùng tôi thuyết phục gia đình, vẫn quyết tâm gắn bó với nghề khai thác mủ cao su. Ở vườn cây tôi như được sống với chính mình, ở đây có trời, có mây, có cây, có lá, có cả những vì sao lấp lánh trong đêm tối nữa.
Theo tôi xu hướng di chuyển đi xa để có việc làm ưng ý là phù hợp với sự phát triển khi mà nguồn lao động và việc làm phân bố không đều nhau, khoảng cách xa với quê nhà có thể khắc phục được bởi giao thông và thông tin liên lạc ngày càng thuận lợi. Cây cao su có nguồn gốc từ Nam Mỹ vẫn có thể đi xa đến đây được thì tại sao mình lại không?
MAI VĂN CƯỜNG
(Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông – Ghi lại lời kể của một công nhân cao su)
Related posts:
- “Không được ngồi chờ khách hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào”
- Gặp người công nhân cao su dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc
- Những cuộc đấu tranh tự phát
- Anh công nhân đa tài ở cao su Dầu Tiếng
- "Chiến sĩ áo trắng" trong lòng người lao động
- Nghĩa vụ và trách nhiệm
- Níu chân bởi tình cây, tình người
- Người "có duyên" với danh hiệu Bàn tay vàng
- Anh Trịnh Văn Thông – Tổ 6, Nông trường 1, Cao su Phú Riềng: Dự kiến vượt sản lượng 3 tấn
- "Nên nghiên cứu sản phẩm mới để công nghiệp hóa nông nghiệp"