Tự hào truyền thống, vững bước vươn xa

CSVN – Ngành cao su đang trong thời điểm gặp nhiều khó khăn bủa vây, nhưng trên những nẻo đường lô, người công nhân vẫn cần mẫn một nắng hai sương gắn bó với vườn cây, với từng đường cạo. Bản tính chịu thương chịu khó vốn có của người công nhân cao su cùng với truyền thống hào hùng qua nhiều thế hệ đang tiếp tục được vun đắp, góp sức cùng toàn ngành một lần nữa vượt khó.

BÀI 1: Cháy mãi ngọn lửa truyền thống gia đình

Anh Trần Văn Long – công nhân khai thác mủ thuộc tổ 5 liên tổ 2 NT Cao su Thuận Phú, Cao su Đồng Phú là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề cao su. Với anh Long, truyền thống gia đình vừa là niềm vinh dự tự hào, vừa khích lệ bản thân nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống.

Với truyền thống gia đình và nỗ lực của mình, anh Long đạt nhiều kết quả xuất sắc trong công việc.
Những năm tháng đáng nhớ

Trời Đồng Phú một buổi trưa vắng lặng, từ Nông trường Thuận Phú, chúng tôi được chỉ dẫn tới căn nhà khang trang trong con hẻm nhỏ cách nông trường 5km. Đây là nhà anh Trần Văn Long, một trong những gia đình tiêu biểu ở xã Thuận Phú, bởi cả ba thế hệ cùng làm nghề cao su tiếp nối nghề với lòng nhiệt thành và tâm huyết. Vừa dừng xe, cô Trần Thị Thanh (mẹ của anh Trần Văn Long) dáng vẻ hiền lành từ trong nhà bước ra, giọng niềm nở chào, mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ xung quanh trồng nhiều cây xanh và hoa rực rỡ khiến chúng tôi cảm thấy bình yên đến lạ.

Cô Thanh hồ hởi chia sẻ về những năm tháng đã đi qua. Dường như cả một bầu trời ký ức ùa về. Trong trí nhớ của cô Thanh, ông nội anh Long (ông Trần Văn Dược sinh năm 1936 – đã mất) là người yêu nghề cao su, tận tình với công việc. Thế hệ con của cô cũng tiếp nối truyền thống theo nghiệp cao su và luôn mang lại niềm tự hào xúc động cho cô.

Lật từng ký ức, cô Thanh kể: “Ba chồng cô tức ông nội của anh Long ngày xưa từ quê vào đây làm kinh tế mới năm 1980. Hồi trước ở đây còn nhiều rừng, đất chưa khai hoang cũng chưa có nhiều cây cao su như bây giờ. Chủ yếu là đi cạo mủ cao su cho Pháp. Làm cho Pháp một thời gian ông nội anh Long mới bắt đầu tự đi trồng mới cao su và tự làm riêng. Ông là người đầu tiên của gia đình chọn nghề cao su và gắn bó với cao su cả một đời người”.

“Đến thế hệ của cô, chú cũng làm cao su được mười mấy năm hơn. Ngày xưa làm cao su cũng có nhiều cái khác hơn bây giờ. Như thời của cô chú thì có phần vất vả hơn đôi chút. Mình vừa trồng mới vừa cạo mà mức lương chưa được ổn định lắm. Nhưng càng về sau này thì mọi thứ dần tốt hơn, cuộc sống công nhân cũng đỡ chật vật. Cũng nhờ cao su mà cô chăm lo được cho gia đình, cho các con ăn học. Các con cô học xong lại thích làm việc gần nhà, nói với cô muốn theo nghề của cha mẹ nên thành ra nhà cô đúng là ba đời làm cao su”, cô Thanh cười hiền nói.

Dành cả một thời tuổi trẻ say mê, nhiệt huyết với cao su, khi về hưu người công nhân ngành cao su ấy cũng không khỏi bùi ngùi. “Đi làm cao su chứ nhiều cái vui lắm con, tới giờ cô vẫn còn nhớ những buổi sinh hoạt tập thể, những kỳ tăng lương hay anh em cùng tham gia các cuộc thi tại công ty, tổ chức ăn uống chung với nhau vui lắm. Có nhiều lúc cô nhớ nông trường, nhớ đồng nghiệp, nhớ công việc từng gắn bó đến da diết”, cô Thanh chia sẻ.

Châm thêm ly trà mời khách, cha anh Long tâm sự: “Tôi rất vui và tự hào với truyền thống làm nghề cao su của gia đình. Dù nhiều lúc cuộc sống có vất vả, trải qua không ít thăng trầm nhưng ngọn lửa nghề truyền thống luôn cháy bỏng và nối tiếp từ thế hệ ông bà sang thế hệ con cháu. Tôi cũng rất xúc động khi con của tôi cũng lựa chọn tiếp nối thế hệ gia đình, cùng theo nghề cao su”.

Vốn con nhà nông, làm nông nghiệp quen rồi, nên khi về hưu cô chú cũng dành một mảnh vườn nhỏ trồng thêm cây ăn quả để gia tăng thu nhập kinh tế gia đình và có một gánh nhỏ bán đồ ăn sáng ngoài chợ. “Tuổi già làm cho đỡ nhớ nghề”, ông nói.

Ông bà Thanh hạnh phúc khi cả 3 người con tiếp nối nghề cao su với lòng đầy nhiệt thành và tâm huyết
Tre già măng mọc

Cũng như ông nội và cha mẹ của mình, anh Trần Văn Long – Công nhân khai thác mủ thuộc tổ 5 liên tổ 2 NT Cao su Thuận Phú, Cao su Đồng Phú là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề cao su. Với anh Long, truyền thống gia đình vừa là niềm vinh dự tự hào, vừa khích lệ bản thân nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống.

“Trong tâm trí tôi cây cao su nó rất thân thương và gần gũi. Lúc nhỏ tôi hay theo mẹ vào lô chơi, tuổi thơ gắn liền với vườn cao su, hồi nhỏ hay cùng các bạn chơi trò chơi dân gian trong lô như bắn bi, trốn tìm. Lớn lên một chút thì chơi bóng chuyền với anh chị em trong tổ. Cây cao su là chủ lực đem lại thu nhập chính cho gia đình tôi, nhờ cao su mà tôi khôn lớn và bây giờ tôi cũng muốn góp sức mình, tiếp tục gắn bó với cao su như ông cha tôi đã từng”, anh Long nói.

“Đến nay tôi đã làm việc cạo mủ cao su được 13 năm. Công việc này như thói quen ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Cứ mỗi sáng tôi đều thức dậy sớm để đi cạo và trút mủ đến trưa tôi lại về nhà, phụ giúp vợ chăm lo cho các con. 13 năm gắn bó, tôi chưa có giây phút nào cảm thấy hối hận với sự lựa chọn này. Tôi cảm thấy đó là một niềm vui, niềm hạnh phúc khi theo nghề cao su”, anh chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, anh Long đã đạt nhiều giải thưởng như: Bằng khen xuất sắc của VRG năm 2014, danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2017, giấy khen của Công ty CP Cao su Đồng Phú hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, 2019,…

Anh Long tâm sự: “Tôi chọn nghề cao su, bởi ngọn lửa truyền thống gia đình vẫn cháy trong tôi. Điều mà gia đình chúng tôi nhận được trong suốt các thế hệ cùng gắn bó với nghề là sự ổn định, nghĩa tình. Đây chính là động lực to lớn để chúng tôi cùng nhau phấn đấu vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Nếu sau này các con của tôi theo nghề cao su thì rất đáng trân quý, tuy nhiên tôi không áp đặt bất cứ điều gì cho con cái. Tôi cũng như ông bà của cháu, cũng sẽ tiếp tục truyền đam mê và tâm huyết với nghề đến các con. Nếu các con thấy được giá trị, ý nghĩa của nghề cao su thì các con sẽ theo nghề chính vì sự yêu thích cũng giống như tôi”.

HẰNG NY – Ảnh: HOÀNG KHẢI

(xem tiếp kỳ sau)