Rèn luyện qua thực tế để trưởng thành trong tương lai

Gặp lại anh Bùi Văn Tập – GĐ Công ty CP Cao su Chư Prông – Stung Treng tại Keo Seima, chúng tôi thấy anh phấn chấn hơn hẳn. Điều này thể hiện trên nét mặt, nụ cười và giọng nói khi trao đổi với mọi người về công việc, tiến độ khai hoang và trồng mới của công ty.
Vượt qua từng chặng đường khó khăn

Anh Tập sinh năm 1962 tại Ninh Bình, là một trong những gia đình đầu tiên vào vùng Chư Prông, Gia Lai lập nghiệp. Khởi nghiệp tại Nông trường Suối Mơ – Công ty Cao su Chư Prông, gần 10 năm với đủ công việc và chức vụ, anh cùng cán bộ và người công nhân trải qua biết bao nhiêu vất vả, khó nhọc để xây dựng nên nông trường.

Sau đó anh nhận nhiệm vụ tại Xí nghiệp cây giống phân bón. Và khi công ty bắt đầu đi vào thanh lý vườn cây, anh được điều động làm Giám đốc xí nghiệp gỗ, với nhiệm vụ làm sao để các nông trường có quỹ đất tái canh đúng tiến độ, đồng thời tìm đầu ra cho nguồn nguyên liệu gỗ đã thanh lý. Đây là việc làm mới nên thuở ban đầu công việc gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, quãng thời gian 3 năm ngắn ngủi ấy, bằng tâm huyết với công việc, kinh nghiệm cũng như năng lực anh đã cố gắng hoàn thành công việc được giao trước khi nhận nhiệm vụ mới khó khăn hơn.

Cuối năm 2009, anh được giao nhiệm vụ cùng với 4 cán bộ sang tỉnh Stung Treng, Campuchia xây dựng dự án phát triển cao su. Những ngày đầu là những ngày thật sự khó khăn, vất vả với anh và các cán bộ khác. Khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ. Những chuyện đơn giản nhất trong sinh hoạt hàng ngày cũng trở nên khó khăn, chưa nói đến việc thuê lao động hay giao dịch, ngoại giao…

Giám đốc Bùi Văn Tập (giữa) giới thiệu cây giống cho Chủ tịch HĐQT công ty Phan Sỹ Bình
Giám đốc Bùi Văn Tập (giữa) giới thiệu cây giống cho Chủ tịch HĐQT công ty Phan Sỹ Bình

Anh chia sẻ: “Lúc mới sang đây, nào ai biết tiếng họ. Chúng tôi phải nhờ văn phòng đại diện của VRG giúp đỡ thuê người phiên dịch, công việc thì nhiều nhưng phiên dịch thì có một, ai cũng cần, nhiều lúc cứ rối cả lên. Cho nên, chúng tôi đành phải nỗ lực hết mức bằng cách học nhanh tiếng địa phương để tự túc chuyện sinh hoạt hàng ngày. Dần rồi cũng nói bập bẹ được ít, nhưng chừng đó cũng giúp chúng tôi rất nhiều vì có thể nói để người công nhân biết cách trồng được cây cao su”.

Trong quá trình phát triển dự án, cũng có những yếu tố khách quan dẫn đến dự án bị chậm tiến độ và phải tìm kiếm vùng đất phù hợp hơn. Với suy nghĩ “nhiều công ty khác làm được thì mình cũng làm được”, anh bàn bạc với HĐQT tiến hành khảo sát tại tỉnh Mondul Kiri và công ty đã chọn Keo Seima làm điểm dừng chân để phát triển trên 5.000 ha.

Quyết tâm trong công việc nhờ hậu phương vững chắc nơi quê nhà

Tiếp tục “chinh chiến” trên vùng đất mới, với nhiều khó khăn gian khổ, nhưng không nản chí bởi anh đã có một hậu phương vững chắc nơi quê nhà. Anh tâm sự: “Tôi may mắn có được một hậu phương vững chắc, rất tuyệt vời. Bởi chưa bao giờ vợ tôi phàn nàn hay than phiền một lời nào khi tôi nhận nhiệm vụ phát triển cao su tại đất nước Chùa Tháp này. Ngược lại còn thường xuyên nhận được những lời động viên, chia sẻ và rất nhiều hành động, cử chỉ mang tính động viên. Chính những điều này đã làm cho tôi mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn trong công việc”.

Trên cương vị mới, anh đã lãnh đạo anh em hoàn thành tốt công việc được giao, đồng thời cũng là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng cho những nhân viên mới khi nhận nhiệm vụ xa quê. Anh thường động viên tinh thần và cũng là người “truyền lửa” cho những Đoàn viên thanh niên mỗi khi sinh hoạt đoàn thể để họ nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, từ đó phát huy năng lực hoàn thành tốt công việc được giao. Chính vì thế, vài chục con người từ Việt Nam qua làm việc chưa một ai dao động tinh thần, bỏ công việc.

Để công ty ngày một vững mạnh hơn, anh không ngần ngại chia sẻ tâm huyết của mình: “Tôi luôn cố gắng để mai này công ty sẽ có một đội ngũ cán bộ, một lực lượng lao động tốt nhất để chèo lái con thuyền đi đến những bến bờ to đẹp hơn, vinh quang hơn. Do vậy, những con người hôm nay phải được rèn luyện qua thực tế mới mong trưởng thành trong tương lai”.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh