Tự hào và phấn đấu vì truyền thống 4 đời công nhân cao su

CSVN – Xuất thân trong gia đình truyền thống công nhân (CN) cao su, chị Nguyễn Thị Hòa – Nguyên Chủ tịch Công đoàn (CĐ) NT Dầu Giây lấy đó làm nền tảng để thôi thúc bản thân phấn đấu, rèn luyện và cống hiến cho TCT để xứng đáng với truyền thống gia đình bao đời dựng xây.
Chị Nguyễn Thị Hòa (thứ 3 từ trái sang) trong lần dự buổi họp mặt 8/3 của TCT CS Đồng Nai.
Chị Nguyễn Thị Hòa (thứ 3 từ trái sang) trong lần dự buổi họp mặt 8/3 của TCT CS Đồng Nai.
35 năm gắn bó

Ông bà ngoại chị ngày trước từ vùng đất Gio Linh, Quảng Trị vào đồn điền cao su Michelin làm phu cao su, rồi đến cha mẹ chị cũng nối gót theo nghề CN cao su. Sau đó, cả gia đình chị chuyển về sinh sống tại Đồng Nai, ba mẹ chị tiếp tục xin vào làm CN tại NT Dầu Giây. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi đang học Trường cấp 3 cao su, chị xin nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. 20 tuổi chị vào làm nhân viên tại NT, có thu nhập một phần chị phụ cha mẹ trang trải cuộc sống, một phần chị tiếp tục con đường học vấn.

Gia đình có 8 anh chị em thì đã có đến 7 người từng gắn bó với cao su. Riêng bản thân chị có 35 năm gắn bó. Trong suốt chặng đường ấy, chị luôn thầm nhủ: “Hiện nay gia đình tôi có 4 thế hệ gắn bó với ngành cao su. Tôi tự hào về giá trị truyền thống đó. Càng tự hào tôi càng phải nhắc nhở bản thân phấn đấu, nỗ lực hơn với công việc, dù ở cương vị nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Suốt thời gian làm việc, công việc của tôi hầu như gắn với các hoạt động phong trào, đoàn thể, có cơ hội gần gũi với CN, người lao động (NLĐ). Hoạt động tổ chức đoàn thể luôn được lãnh đạo TCT quan tâm, nhất là công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, được sự may mắn đó, tôi tự nhắc nhở bản thân mình có trách nhiệm với công việc, gắn bó cho đến khi nghỉ hưu”.

Là chủ tịch CĐ cơ sở, chị có nhiều cơ hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Từ đó, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, vận động CN bám vườn cây, tạo nên khối đoàn kết trong CN lao động, để họ tin tưởng với đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Với sự nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, hơn 18 năm trên cương vị chủ tịch CĐ chưa có “ca khó” nào mà chị không tuyên truyền,vận động được.

Cán bộ Công đoàn phải nhiệt tình, trách nhiệm

Trong thời kỳ giá mủ cao su giảm sâu, lực lượng CN lao động có nhiều biến động do sự dịch chuyển lao động sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, đối với từng trường hợp, tùy vào hoàn cảnh gia đình chị chọn cách thức vận động riêng để giữ chân NLĐ.

Chị chia sẻ: “Khi giá mủ lên cao, thu nhập cao ai cũng phấn khởi, khi giá mủ xuống thấp nhiều người dao động bởi có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng tôi nghĩ làm ở cơ quan nào, công việc nào rồi cũng sẽ có những lúc thăng trầm. Tôi hiểu tâm lý của NLĐ vì có nhiều hoàn cảnh không còn sự lựa chọn nào khác bởi gánh nặng mưu sinh, chính vì thế, đối với mỗi trường hợp tôi chọn những cách tuyên truyền, vận động khác nhau để làm sao NLĐ có thể hiểu và  chia sẻ với khó khăn của ngành, đồng thời đảm bảo thu nhập trang trải cho cuộc sống của họ”.

Trong hoạt động đoàn thể, chị thường xuyên gắn bó với NLĐ, tranh thủ những giờ CN giải lao hoặc thậm chí chiều tối ghé nhà để tuyên truyền, vận động, vì vậy chị cứ đi suốt, gắn bó với công việc nhưng vẫn chưa nghe một lời phàn nàn nào từ gia đình mình. Bởi chị quan niệm phải dung hòa giữa 2 vai, đối với công việc ở cơ quan phải trách nhiệm, đối với gia đình phải làm tròn vai của người vợ, người mẹ. May mắn thay, chị có ông xã và các con luôn ủng hộ công việc của mẹ.

Chị bộc bạch: “Làm cán bộ CĐ ngoài chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo thì cần phải nhiệt tình, sâu sát với NLĐ, nếu thờ ơ sẽ không bao giờ làm được công tác đoàn thể, chính vì vậy phải tâm huyết, trách nhiệm, biết cảm thông chia sẻ và đặc biệt là hiểu được tâm tư nguyên vọng NLĐ”.

Lâm Khanh