CSVN – Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp rất lớn vào doanh thu, lợi nhuận VRG, đặc biệt là khi giá mủ cao su giảm mạnh. Tuy nhiên, các KCN chưa có đầu mối quản lý chung và chưa liên kết chặt chẽ. Vì vậy, cần có sự liên kết, đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa các KCN trong ngành, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ lẫn nhau và đủ sức cạnh tranh.
Liên kết để hỗ trợ nhau
Theo ông Nguyễn Minh Hùng – TGĐ Công ty CP KCN Nam Tân Uyên, cần tập trung, liên kết các KCN trong ngành để có tiếng nói, tạo nên sức mạnh, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể nhằm tiết giảm chi phí tiếp thị, tạo nên hệ thống chuỗi KCN có nhiều vị trí, nhiều giá cả. “Khi nhà đầu tư vào, không chọn KCN này thì cũng sẽ qua KCN khác trong ngành, phù hợp với nhu cầu và quy mô của họ”, ông Hùng nói. Ông Hùng còn đề nghị trong báo cáo hàng tuần, hàng tháng… của VRG, nên bổ sung thêm phần KCN và trên website của VRG có phần riêng cho các KCN.
Đầu tư KCN là một trong 4 ngành nghề chính của VRG. Hiện VRG quản lý 12 KCN với tổng diện tích trên 6.600 ha, trong đó đã lấp đầy giai đoạn 1 với 2.380 ha cho thuê. Tính trong giai đoạn 5 năm gần đây (2011 – 2016), các KCN đã đem lại doanh thu và lợi nhuận rất lớn cho VRG. Tính riêng năm 2016, lợi nhuận các KCN ngang bằng với lợi nhuận cao su.
Trong số 12 KCN thì Công ty CP KCN Nam Tân Uyên được xem là “anh cả”, đi đầu trong các hoạt động. Hiện tại, KCN Nam Tân Uyên có 217 doanh nghiệp thuê đất. Năm 2016, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của KCN này là 8,2% và chia cổ tức 45%.
Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, sắp tới, KCN sẽ mở rộng giai đoạn 3 thêm 600 ha, nâng tổng diện tích lên trên 1.500 ha. Tuy nhiên theo ông Hùng, hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng cộng 28 KCN, cạnh tranh gay gắt với nhau và số lượng KCN sẽ liên tục tăng trong thời gian tới.
“Thu hút được khách hàng đã khó, giữ được khách hàng lâu dài còn khó hơn. Chính vì vậy, chiến lược của KCN Nam Tân Uyên trong thời gian tới chủ yếu chăm sóc khách hàng là chính, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp để họ gắn bó lâu dài với KCN”, ông Hùng thông tin.
Đừng để tự “bơi”
Tân Bình là KCN sinh sau đẻ muộn (thành lập vào năm 2014), nhưng lại có công tác tiếp thị, thu hút đầu tư rất tốt, nên chỉ trong vòng 1 năm đã lấp đầy hơn 60% diện tích cho thuê. Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Kim Nhựt – TGĐ Công ty CP KCN Tân Bình, cho biết: “KCN Tân Bình trực thuộc Công ty CPCS Phước Hòa, chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, KCN đã nhờ phòng kinh doanh, xuất nhập khẩu của công ty quảng bá, tiếp thị KCN cho các khách hàng, đối tác của công ty. Tôi mong rằng trong thời gian tới, Ban Xuất nhập khẩu VRG cũng sẽ lồng ghép các KCN để tiếp thị, quảng bá đến khách hàng trong và ngoài nước của VRG, vì thương hiệu của VRG ở nước ngoài rất tốt”.
Có chung quan điểm với ông Nhựt, ông Thái Minh Quang – TGĐ Công ty CP KCN Hố Nai, chia sẻ: “Từ khi mới thành lập đến nay, hầu như các KCN thuộc VRG đều tự “bơi”, chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu có sự hỗ trợ của VRG, các KCN sẽ hoạt động tốt hơn. Các KCN sẽ tham quan, học tập kinh nghiệm lẫn nhau”.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Chị Lê Thị Thương - công nhân Cao su Phú Riềng được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh
- Cao su Đồng Phú có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật
- VRG sẽ hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 trong quý 1
- Tỉnh Gia Lai sẽ nhanh chóng giải quyết những kiến nghị của VRG
- Đề nghị các đơn vị tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Tạp chí Cao su VN
- Công ty mẹ Tập đoàn phải đảm bảo tăng trưởng 10% trong năm 2017
- Tưng bừng hội thi tay nghề Cao su Sa Thầy
- Cao su Chư Păh mở miệng cạo tại Campuchia
- KCN Rạch Bắp: 278 ha đất thương phẩm giai đoạn 1 được lấp đầy
- Linh hoạt các phương án tổ chức sản xuất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp