CSVN Xuân – Thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nền nông nghiệp nước ta. Với ngành cao su, nhiều giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu đã được cụ thể hóa như các quy trình trồng và chăm sóc cao su ở những vùng sinh thái khác nhau, chọn tạo bộ giống tiến bộ phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù theo khu vực…
Biến đổi khí hậu là gì?
Biến đổi khí hậu (BĐKH) (climate change) là thuật ngữ nói đến sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.
Về nguyên nhân được xếp vào 2 nhóm: Nhóm nguyên nhân khách quan (do sự biến đổi của tự nhiên) bao gồm: sự biến đổi các hoạt động của mặt trời, sự thay đổi quỹ đạo trái đất, sự thay đổi vị trí và quy mô của các châu lục, sự biến đổi của các dạng hải lưu, và sự lưu chuyển trong nội bộ hệ thống khí quyển; Nhóm nguyên nhân chủ quan (do sự tác động của con người) xuất phát từ sự thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, nguồn nước và sự gia tăng lượng phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác từ các hoạt động của con người.
Như vậy, biến đổi khí hậu không chỉ là hậu quả của hiện tượng hiệu ứng nhà kính (sự nóng lên của trái đất) mà còn bởi nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tồn tại mối quan hệ giữa quá trình tăng nhiệt độ trái đất với quá trình tăng nồng độ khí CO2 và các khí nhà kính khác trong khí quyển, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp. Trong suốt gần 1 triệu năm trước cách mạng công nghiệp, hàm lượng khí CO2 trong khí quyển nằm trong khoảng từ 170 đến 280 phần triệu (ppm). Hiện tại, con số này đã tăng cao hơn nhiều và ở mức 387 ppm, chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn nữa. Chính vì vậy, sự gia tăng nồng độ khí CO2 trong khí quyển sẽ làm cho nhiệt độ trái đất tăng và nguyên nhân của vấn đề biến đổi khí hậu là do trái đất không thể hấp thụ được hết lượng khí CO2 và các khí gây hiệu ứng nhà kính khác đang dư thừa trong bầu khí quyển.
Thiệt hại do BĐKH ở Việt Nam và ngành cao su
Thiên tai khí hậu hàng năm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Một số thiệt hại lớn điển hình là cơn bão Ketsana 2009, cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, gây mưa lớn và lũ rất cao trên những con sông ở miền Trung và Tây Nguyên, làm sập 9.770 căn nhà, gây thiệt hại 14. 000 tỷ đồng. Bão Xangsane 2006 làm sập hơn 24 nghìn căn nhà và thiệt hại 10.000 tỷ đồng. Bão Linda đổ bộ vào vùng Nam bộ năm 1997, nơi rất ít khi bị ảnh hưởng của bão ở Việt Nam, làm gần 3.000 người chết và mất tích, phá hủy hơn 100 nghìn căn nhà và thiệt hại hơn 7.200 tỷ đồng. Đối với VRG, trong giai đoạn 2012 – 2018 đã chịu ảnh hưởng lớn do BĐKH. Cơn bão số 1 năm 2012 gây thiệt hại cho các đơn vị vùng Đông Nam bộ khoảng 500 ha cao su. Mùa khô hạn 2015 – 2016 do hiệu ứng ElNino gây chết cây trên diện rộng khoảng 2.000 ha tại các đơn vị khu vực Campuchia, khô hạn kéo dài gây sụt giảm sản lượng toàn Tập đoàn do cạo trễ làm giảm khoảng 10.000 tấn mủ. Năm 2017, cơn bão số 10 gây thiệt hại cho các đơn vị DHMT khoảng 450 ha cao su. Hiện tượng lốc xoáy tại khu vực Lào gây thiệt hại khoảng 850 ha vào năm 2018. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão kéo dài, nhiệt độ tăng cao đã phát sinh dịch bệnh phức tạp như bệnh Corynespora, rụng lá mùa mưa, lở cổ rễ đã ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cao su của VRG.
Ngành cao su thích nghi với BĐKH
Ngành Cao su Việt Nam với truyền thống gần 90 năm hình thành và phát triển, trải qua chiều dài thời gian có những lúc thăng trầm khác nhau. Cây cao su vẫn trụ vững và phát triển ra ngoài vùng truyền thống, đến nay diện tích cao su của Tập đoàn trên 400.000 ha trải dài từ Nam ra Bắc đến tận nước bạn Lào và Campuchia. Sau mỗi đợt bão lốc, hạn hán kéo dài hay những đợt dịch hại bùng phát gây thiệt hại to lớn nhưng cây cao su dần hồi sinh, những cây cao su mới lại mọc lên. Với đức tính cần mẫn tận tụy, một nắng hai sương của người công nhân cao su, đội ngũ quản lý ngày càng chuyên sâu và đặc biệt các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ đã làm nên cơ ngơi ngành cao su ngày thêm lớn mạnh.
Nhiều giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu đã được cụ thể hóa như các quy trình trồng và chăm sóc cao su ở những vùng sinh thái khác nhau, chọn tạo bộ giống tiến bộ phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù theo khu vực, các giải pháp điều hành sản xuất linh hoạt trong giai đoạn giá bán mủ thấp, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập cho người lao động đã được triển khai.
Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt VRG hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đòi hỏi những con người làm cao su càng thêm bản lĩnh, quyết tâm để vượt qua thách thức và đem lại sự phát triển mới bền vững đúng với truyền thống Cao su Việt Nam. Cụ thể hóa thông điệp này, ngày 18/10/2018 HĐQT Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐQTCSVN về chủ trương doanh nghiệp phát triển bền vững. Tin rằng ngành cao su vẫn tiếp tục tiếp tục đổi mới, phát triển đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG
(PHÓ BAN QUẢN LÝ KỸ THUẬT VRG)
Related posts:
- Cao su Phú Riềng xuất sắc toàn diện năm 2020
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kỷ niệm 5 năm thành lập
- Dự kiến xuất bản công trình Lịch sử Cao su Việt Nam vào ngày 19/5
- 6 tháng đầu năm Cao su Chư Pah khai thác trên 2.800 tấn mủ
- Đảng bộ VRG nhận 2 Cờ thi đua xuất sắc của Đảng bộ Khối DNTW
- Suất đầu tư Cao su Bình Long dự kiến 54,9 triệu đồng/ha năm 2016
- Cao su Bà Rịa: Tuyên dương 222 con ngoan trò giỏi
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá 2 CTCS
- Trung tâm Y tế Cao su: Tăng cường chăm lo sức khỏe người lao động
- VRG phấn đấu lợi nhuận năm 2023 đạt 4.855 tỷ đồng