CSVN – Sau 6 năm làm nông trại hữu cơ với vô vàn khó khăn, anh vẫn kiên trì theo đuổi. Anh tin, với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, chắc chắn sẽ thành công.
“Những khó khăn, thất bại ấy là học phí phải trả, dù có cao nhưng sẽ không uổng phí. Bởi những kiến thức, kinh nghiệm tôi đã tích lũy mấy năm qua sẽ giúp những người đi sau”. Đó là chia sẻ của kỹ sư cầu đường Bùi Thái Sơn, sinh năm 1982, chủ nông trang Nature farm, ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, Bình Phước, nhân vật chính trong câu chuyện.
Điều tôi nể nhất ở anh là “quyết không lùi bước” trước khó khăn. Và đằng sau cái quyết tâm ấy, là một mục tiêu lớn hơn: Chia sẻ kinh nghiệm và giúp người nông dân chuyển đổi, canh tác hữu cơ ngay tại khu vườn của họ.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
“Nghe nói Sơn học Đại học Xây dựng, có bằng kỹ sư cầu đường, sao lại làm nông nghiệp?”, tôi mở đầu câu chuyện.
Sơn kể: “Em học cầu đường nhưng lại thích kinh doanh hơn nên sau đó học thêm về quản trị kinh doanh. Khi em lên thăm vườn cao su thanh lý của gia đình, thấy nhiều mô hình trồng cây ăn trái xung quanh, nên sau khi tham khảo một số vườn, em về bắt chước làm. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, toàn bộ diện tích cao su của gia đình tới 30 – 40ha, em đầu tư làm hết. Nhưng tại đây, hàng ngày em tận mắt nhìn thấy những chủ vườn phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học tràn lan, rồi đến khi thu hoạch, họ bán hết chứ không dám ăn sản phẩm do chính mình làm ra, thì thấy không ổn. Và bắt đầu tìm tòi, thay đổi quy trình canh tác, để trước mắt là đảm bảo sức khỏe cho mình, sau đó là cho cộng đồng”.
“Tay ngang, lại mới làm mà đầu tư lớn như vậy, có liều không?”, tôi hỏi. Sơn trầm ngâm: “Vì diện tích lớn nên chi phí đầu tư rất lớn. Sau một thời gian theo đuổi, nguồn lực tài chính cạn dần, trong khi chưa chuẩn bị về nguồn lực quản trị, đầu ra sản phẩm… nên sau đó em phải thu hẹp diện tích xuống còn 5ha để giảm chi phí”.
“Vậy 5ha này chắc là thành công?”, tôi hỏi tiếp. Sơn lắc đầu: “Đến thời điểm này thành quả lớn nhất là em tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm, kiến thức về canh tác hữu cơ, chứ nông trại thì chưa thành công. Vì thành công phải căn cứ vào chất lượng, năng suất sản phẩm, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao. Hiện các sản phẩm của nông trại gồm cam, ổi, bưởi, chuối, đu đủ, nhãn… có chất lượng cao, nhưng mẫu mã thì chưa tốt, sản lượng, đầu ra cũng còn bấp bênh”.
Các sản phẩm trái cây sạch của Nature Farm đã được nhiều cửa hàng organic ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương bán, được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa đáng kể.
“Sau hơn 5 năm mà lợi nhuận không đáng kể, nguyên nhân từ đâu? Liệu có phải do mình còn thiếu cái gì đó, chẳng hạn kiến thức chuyên môn không?”, tôi hỏi. “Kiến thức để thực hiện một quy trình canh tác hữu cơ thì em đã nắm tương đối, hiểu được đặc tính những cây mình trồng. Về nguyên nhân dẫn đến chưa có lợi nhuận, một trong số đó là vấn đề đầu ra còn bấp bênh. Vì mình canh tác thuận tự nhiên, các loại cây sinh trưởng hoàn toàn không có sự can thiệp gì nên mùa vụ thu hoạch cũng cố định. Đến vụ thu hoạch thì sản lượng quá nhiều, đầu ra chưa ổn định nên tiêu thụ không hết. Đến khi hết vụ thu hoạch thì sản lượng lại quá ít, không đủ tiêu thụ. Hoặc nhiều khi ảnh hưởng thời thiết, nắng hạn, sản lượng cũng giảm, không có đủ nguồn hàng cung cấp cho đối tác vừa gây dựng. Đến khi có hàng, lại phải tìm đối tác mới, mất thời gian. Một khó khăn nữa là do em ở xa (Sài Gòn), trang trại thuê người làm 100%. Mình không có mặt thường xuyên nên đó cũng là một nguyên nhân khiến mô hình chưa đạt hiệu quả cao”, Sơn đáp.
Hạnh phúc khi ngắm màu xanh Nature farm
Cho dù chưa mang lại lợi nhuận như mong muốn, nhưng đó chưa phải tất cả. Bởi từ một mảnh đất cằn cỗn, nay đang ngày càng giàu dinh dưỡng, tơi xốp, trong đất có rất nhiều côn trùng và vi sinh vật sinh sống. Bằng chứng là cây trồng khỏe mạnh, cỏ mọc um tùm. Và từ một mảnh đất chứa đầy dư lượng hóa chất, nay nó đã sạch hoàn toàn. Các loại cây trồng được canh tác hoàn toàn theo tự nhiên, không sử dụng bất cứ sự hỗ trợ nào về phân bón, thuốc trừ sâu. “Bây giờ nhìn màu xanh của trang trại, thấy hạnh phúc lắm”, Sơn tự hào.
“Làm lâu mà chưa có lợi nhuận, Sơn có nản, có muốn bỏ cuộc”, tôi hỏi. “Không đâu. Em tay ngang làm nông nghiệp, tự mày mò từ con số 0, chưa thành công cũng đúng thôi. Quan trọng là trong quá trình làm, mình rút ra được những bài học kinh nghiệm”, Sơn thú thật.
“Những bài học đó là gì?”, tôi hỏi. Sơn kể một mạch: “Bài học kinh nghiệm em học được nhiều lắm. Nghĩa là bây giờ nếu làm một mô hình khác từ đầu, đảm bảo không phải rút kinh nghiệm nữa, mà thành công ngay.
Những bài học kinh nghiệm thì nhiều, nói cả ngày không hết. Ví như vấn đề đất chẳng hạn. Làm hữu cơ, trước hết phải làm cho đất tốt lên trước. Không dùng phân hóa học mà đất xấu thì làm sao cây phát triển? Trang trại này ban đầu vốn là đất sỏi cơm, loại đất cằn cỗi pha nhiều sỏi nhỏ, rất xấu. Chưa kể trước đó trồng cao su, bị hút kiệt dinh dưỡng rồi. Vậy mà vừa cắt cao su đi, đã trồng ngay cây ăn trái, rau củ xuống, rồi chẳng phân tro gì, nên hầu hết các loại cây trồng đều èo uột.
Vì thế, làm hữu cơ không nên chọn đất quá xấu. Trường hợp không còn lựa chọn khác, chỉ có đất xấu, thì phải cải tạo đất trước bằng cách trồng các loại cây sinh khối, nhằm bảo vệ đất, chống xói mòn và tạo dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, cây trồng nhằm mục đích cải tạo đất phải là cây đa tác dụng, sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, dễ tính, có bộ rễ khỏe để phá vỡ đất rắn và khai thác dinh dưỡng từ sâu trong lòng đất, đồng thời phải dễ kiểm soát.
Một kinh nghiệm khác cũng rất quan trọng, đó là trồng cây ăn trái hữu cơ phải nghiên cứu kỹ việc chọn cây trồng. Vì cây ăn trái thời gian sinh trưởng dài, nếu trồng sai thì phải mất vài năm mới sửa sai được chứ không thể nhổ bỏ trồng lại ngay như rau củ. Và mỗi lần sai phải khắc phục rất lâu và tốn kém.
Ngoài ra, làm bất cứ công việc gì cũng vậy, khi mới bắt đầu, làm ít, làm chậm, để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa giảm thiểu rủi ro, thiệt hại nếu không hiệu quả.
Riêng đối với cây trồng, người làm bắt buộc phải có kiến thức, nếu không cũng khó thành công. Ví dụ cây ăn trái như bưởi, ổi chẳng hạn, khi ra trái, nhìn sức cây, tuổi cây để lặt bỏ bớt trái. Chỉ để lại lượng trái vừa tầm cho cây nuôi. Còn nếu trái nhiều mà để nguyên, thì cây không đủ dinh dưỡng nuôi, trái vừa không phát triển được, vừa kém chất lượng”.
Sơn bảo, canh tác hóa học chỉ cần định kỳ bón phân, thiếu cái gì bổ sung cái đó, có thể dùng các chế phẩm để kích thích tăng trưởng cho cây. Còn canh tác hữu cơ thì ngược lại, mình phải nương theo cây, bón phân cũng phải bón đúng liều lượng, đúng lúc. Đặc biệt là vấn đề sâu bệnh, trồng hóa học thì đơn giản, thấy sâu bệnh hại thì phun xịt, còn hữu cơ, mình không dùng thuốc, mà phải nghiên cứu làm sao để cây ít thiệt hại do sâu bệnh nhất, mà nhiều khi mình chưa kịp nghĩ ra cách xử lý thì đã bị thiệt hại. ngay cả cách xử lý sâu bệnh đối với cây rồng hữu cơ cũng không triệt để như canh tác hóa học được.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Áp dụng cơ giới hóa yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Đặc tính cao su latex không có ammonia và hàm lượng protein cực thấp (Kỳ cuối)
- Giải pháp sử dụng mái che mưa lâu dài
- Phương pháp tạo tán vườn cây KTCB tại Công ty CPCS Tây Ninh
- Cao su Phú Riềng: Hiệu quả kinh tế từ những sáng kiến
- Quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành 245.000 tấn mủ
- Thước "thông minh" chia mặt cạo
- "Đẩy mạnh kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số"
- Khu vực Tây Nguyên: Đặc thù địa hình gây khó cơ giới hóa
- Siu Phôn làm “dân vận khéo”