Cân nhắc khi chọn giống tái canh

CSVN – Khi thanh lý vườn cây, nếu quyết định tiếp tục trồng mới, bà con cao su tiểu điền cần cân nhắc việc chọn giống sao cho phù hợp để tránh tình trạng phải thường xuyên đối mặt với các loại dịch bệnh trên cây cao su, càng làm cho việc canh tác cây cao su có thêm khó khăn…
Cao su trồng không đúng kỹ thuật, giống không thích hợp sẽ cho khai thác mủ kém
Cao su trồng không đúng kỹ thuật, giống không thích hợp sẽ cho khai thác mủ kém
Có nên tiếp tục trồng mới?

Đứng trước tình hình giá mủ có chiều hướng đi xuống quá thấp, nhiều vườn cao su bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác đang được chủ vườn, phần lớn là diện tích cao su tiểu điền, tính toán thanh lý để trồng mới hoặc chuyển đổi canh tác loại cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn. Thực tế cho thấy việc thanh lý vườn cao su của các nhà vườn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chị Ngọc Mai, một chủ vườn cao su tại huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), cho biết gia đình chị có khoảng 6 ha cao su cạo được gần 15 năm. Mùa cạo vừa rồi vườn cao su của chị bắt đầu có dấu hiệu giảm sản lượng nên chị định cho chặt bán gỗ để trồng mới với lý do giá gỗ cao su hiện đang tương đối cao (khoảng 140-160 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, hiện chị Ngọc Mai vẫn đang cân nhắc suy nghĩ vì chưa biết nên thanh lý chuyển đổi cây trồng hay tiếp tục trồng mới cao su để khai thác tiếp.

Tương tự là hộ của anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), gia đình anh có vườn cao su 4 ha đã cho thu hoạch hơn chục năm nay, nhưng do trồng không đúng kỹ thuật nên cây phát triển không đều và thường xuất hiện các loại bệnh. Hiện anh đang tính đến khả năng thanh lý vườn cây để trồng mới nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tái canh phải chọn giống phù hợp, chăm sóc tốt

So với các vườn cao su quốc doanh, vườn cao su tiểu điền thường có sản lượng mủ cạo và thời gian khai thác thấp hơn. Thời gian cho mủ của vườn cao su tiểu điền chỉ đạt khoảng 14 – 15 năm so với trên 20 năm của cao su quốc doanh. Theo các tài liệu khoa học, nếu vườn cao su được chăm sóc kỹ và có chế độ khai thác hợp lý thì có thể cho thu hoạch trong 20 năm. Tuy nhiên, với những người trồng cao tiểu điền như trường hợp chị Ngọc Mai, anh Dũng, do trồng theo phong trào, không có sự lựa chọn kỹ về giống, vườn cây không được chăm sóc kỹ, bên cạnh đó là chế độ cạo chưa hợp lý đã rút ngắn thời gian cho mủ của vườn cây.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Khi chọn giống cao su, nên liên hệ với Viện Nghiên cứu Cao su VN để được hướng dẫn cụ thể về việc chọn lựa giống phù hợp. Đầu tư phân bón phải theo đúng quy trình, theo đúng độ tuổi cây khai thác; quan tâm xử lý bệnh kịp thời trên vườn cây sẽ giúp cho cây cao su cho năng suất mủ cao ổn định và khả năng khai thác lâu dài.[/stextbox]

Không nói đến những hộ chặt bỏ cây cao su với mục đích khác, riêng đối với các chủ vườn cao su quyết định thanh lý vườn cây nhằm trồng mới, điều quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống. Tiêu chuẩn giống được chọn của hầu hết các chủ vườn trồng mới là phải phù hợp với thổ nhưỡng, có năng suất ổn định và có thể tự đề kháng được các loại dịch bệnh. Các giống cao su được trồng phổ biến hiện nay tại các vườn cao su tiểu điền là PB 235, PB 255, PB 260, RRIV 4…

Đối với diện tích cao su trồng mới thì chủ yếu là giống RRIV 4 bởi đây là giống cao su cho năng suất mủ rất cao. Tuy nhiên, nhược điểm của giống cao su này là ít có khả năng chống chịu gió nên rất dễ gãy đổ, lại mẫn cảm với một số loại bệnh. Do nắm được nhược điểm của một số giống cao su, ở một số địa phương, các cơ quan hữu quan cũng đã khuyến cáo nông dân không nên trồng các giống RRIV 2, RRIV 3, RRIV 4 vì đây là các giống cao su dễ nhiễm bệnh rụng lá.

Nguyễn Sinh