Cần chính sách ưu tiên cán bộ trẻ công tác tại Campuchia

CSVN – Để tạo sự an tâm, đãi ngộ và giữ chân cán bộ lao động người Việt tại các dự án Campuchia, cần có một quy chế ưu tiên. Đây là mong mỏi chung của nhiều CB.CNV-LĐ hiện nay.
Cần có quy chế ưu tiên cho CB.CNV người Việt công tác tại Campuchia. Trong ảnh: Cán bộ quản lý người VN chào đón đại biểu về dự Lễ khánh thành Nhà máy Chế biến Công ty CPCS Tân Biên - Kampong Thom.
Cần có quy chế ưu tiên cho CB.CNV người Việt công tác tại Campuchia. Trong ảnh: Cán bộ quản lý người VN chào đón đại biểu về dự Lễ khánh thành Nhà máy Chế biến Công ty CPCS Tân Biên – Kampong Thom.

>> Công tác xa nhà – Nỗi lòng người trong cuộc

>> Cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ công tác ở Lào và Campuchia (Kỳ 3)

>> “Động viên anh em, tạo điều kiện công tác và đời sống gia đình”

Cần chính sách lâu dài, ổn định

Ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom, Cụm trưởng Cụm phát triển cao su số 1 (Cụm Kampong Thom), cho biết hiện nay công tác quy hoạch cán bộ của các công ty tại Campuchia gặp nhiều khó khăn do sự biến động lao động thường xuyên, kể cả lao động cấp quản lý.

“Tâm lý người lao động (NLĐ) e ngại không biết sau thời gian công tác tại Campuchia khi về VN muốn làm việc tại các công ty mẹ hoặc công ty trong ngành có được tuyển dụng tiếp nhận hay có cơ chế ưu tiên gì không. Hiện nay, VRG chưa có quy chế chung về vấn đề này cho các công ty thực hiện nên tâm lý NLĐ không muốn gắn bó lâu dài.

NLĐ sau một thời gian làm việc tại Campuchia muốn quay về để tìm kiếm việc làm tại quê nhà khi điều kiện về độ tuổi còn có thể xin việc. Mặc dù, công việc không phù hợp với chuyên môn hoặc thu nhập không cao họ vẫn chấp nhận trở về hơn là kéo dài thời gian làm việc tại Campuchia, bởi khi về không còn cơ hội tìm việc tại VN. Cán bộ dự kiến quy hoạch cho các chức danh quản lý cũng luôn bị biến động nên khó khăn trong công tác quy hoạch đào tạo và dự kiến nguồn nhân lực cho tương lai của doanh nghiệp”, ông Linh cho hay.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc gần đây giữa lãnh đạo VRG với các CTCS tại Campuchia, ông Đỗ Hữu Phước – Trưởng Ban Xây dựng cơ bản VRG chia sẻ, hiện nay thâm niên công tác tại Campuchia của đa số cán bộ đều đã trên 5 năm, nhiều cán bộ xa nhà lâu ngày, không có thời gian chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Tình hình lương hiện nay do khó khăn chung của ngành nên đã giảm thấp, ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của CBCNV-LĐ.

“Về lâu dài, VRG nên sớm xây dựng quy chế về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp, điều động cán bộ từ VN sang công tác tại Campuchia. Trong đó, cần lưu ý thời gian luân chuyển cán bộ từ 4 – 5 năm công tác, về VN được bố trí sắp xếp công việc phù hợp. Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên đội ngũ cán bộ trẻ sang công tác tại Campuchia nhằm trui rèn về tư tưởng, sự cống hiến và kinh nghiệm quản lý thực tiễn để dần thay thế lớp cán bộ thâm niên hiện nay. Đồng thời, chính sách đối với cán bộ tại Campuchia cần xem xét phải phù hợp với điều kiện thực tiễn nước sở tại, không nên cứng nhắc theo các quy định về bổ nhiệm cán bộ theo quy định tại VN”, ông Phước kiến nghị.

Lực lượng lao động ổn định để thực hiện tốt công tác

Tổng số lao động bình quân tính đến 31/12/2015 tại Campuchia là 8.430 người, trong đó lao động quản lý 1.490 người (VN 906 người, Campuchia 584 người). 5 tháng đầu năm 2016, tổng số lao động quản lý gián tiếp người Việt công tác tại Campuchia xin nghỉ việc là 163 người, chiếm tỷ lệ 18%.

Về mô hình tổ chức, quản lý lao động của các đơn vị tại Campuchia hiện nay thiếu sự đồng nhất và có sự khác biệt giữa các đơn vị có cùng quy mô diện tích, cùng địa bàn đứng chân. Mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty tại Campuchia còn bất cập nên công tác định biên lao động, quy hoạch, bổ nhiệm luân chuyển, điều động cán bộ thiếu sự nhất quán, đồng thời chính sách về lao động, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị cũng thiếu đồng bộ, không kịp thời gây ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của CB.CNV-LĐ.

Theo ông Đỗ Hữu Phước, kể từ năm 2017, VRG chuẩn bị đưa diện tích cao su với quy mô lớn vào khai thác, do vậy các dự án đang cần lực lượng lao động ổn định để đào tạo tay nghề phục vụ công tác khai thác và chế biến. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lao động tại chỗ ở các vùng dự án chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, trong điều kiện lao động không ổn định, năng suất thấp, suất đầu tư trồng và chăm sóc cao su điều chỉnh để tiết kiệm chi phí, trong đó có chi phí nhân công nên việc cân đối, điều tiết việc làm cho CNLĐ trở nên khó khăn.

Anh Quân