Khi đi xa thấy mình bỗng lớn!

CSVN – Vâng, tôi thật sự “lớn” hơn về sự trải nghiệm, “lớn” trong suy nghĩ và “lớn” hơn rất nhiều về sự đồng cảm, chia sẻ những khó khăn của người lao động trực tiếp trên những cánh rừng cao su đang “khát giá” vào những ngày giáp Tết Bính Thân.
Ảnh: Ngô Thị Thu Ba
Ảnh: Ngô Thị Thu Ba

Tôi đến với ngành khi tuổi đời không còn trẻ, nhưng khát vọng đi xa luôn cháy bỏng và thôi thúc trong tôi. Lần đầu tiên, khi được giao nhiệm vụ đi công tác dài ngày về cơ sở vào những ngày giáp Tết và nơi tôi sẽ đến: Cao su Bình Thuận. Có lẽ cảm giác khó diễn tả thành lời: Hồi hộp, nôn nao và lo lắng đan xen…

Xe bán tải Fortunor đưa đoàn công tác đến miền Đông trong khí trời mát mẻ của bình minh ló dạng, hai bên đường những cánh rừng cao su đang trong kỳ rụng lá để tích nhựa sang Xuân còn ướt đẫm sương đêm cứ trải dài tít tắp. Anh lái xe nói với đoàn: “Sự đời có nhiều nghịch lý, niềm vui của người này lại là nỗi buồn của kẻ khác”. Rồi anh cười xòa, tôi vẫn chưa hiểu ẩn ý trong lời nói, bởi đang mê mải nhìn qua cửa kính tận hưởng không khí trong lành và bay bổng với ý tưởng miên man…

Thật sự, điều tôi chưa nghĩ đến đó chính là thân phận của từng cây cao su xù xì, già cỗi kia là nay mai chúng bị cưa cắt, thanh lý. Và đằng sau những khung cảnh đẹp như tranh của mùa cao su rụng lá, điểm đến của bao cặp đôi hạnh phúc trong bộ ảnh cưới thi vị, của bao thước phim đẹp, bao nốt nhạc thăng hoa… “Dưới cái nhìn của người nghệ sĩ, mùa cao su rụng lá là cái đẹp của nghệ thuật, còn đối với công nhân lao động – người thợ cạo thì đó là nỗi buồn bởi thu nhập sẽ không có”. Anh lái xe cười buồn, quay mặt sang nói nhỏ. Câu chuyện về cây cao su, về cuộc sống người lao động trong thời giá mủ thấp kéo dài…

Nắng miền Đông gắt gỏng đến kỳ lạ, cái nóng cứ hầm hập phả vào mặt. Nhưng có lẽ, “nóng” nhất vẫn là không khí của hội thi gói bánh chưng, bánh tét lần thứ nhất đang sắp diễn ra tại công ty. Tiếng nói cười rộn rã, những khuôn mặt rám nắng, những phần quà Tết được chuyển lên những chuyến xe để về các nông trường cứ hối hả. Tôi cảm nhận niềm vui của người lao động qua ánh mắt, nụ cười và những cái xiết tay thật chặt. “Vui và phấn khởi lắm chị ạ, lần đầu tiên công đoàn công ty tổ chức gói bánh – một sân chơi thật ý nghĩa”, chị Oanh NT Thuận Đức nói với tôi.

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng CBCNV Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận trong chuyến công tác.
Tác giả (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng CBCNV Công ty
TNHH MTV Cao su Bình Thuận trong chuyến công tác.

Điều làm tôi thật sự ngạc nhiên đó là tấm chân tình, tinh thần lạc quan của người lao động trong thời điểm cực kỳ khó khăn đối với ngành cao su khi giá mủ chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo đoàn công tác của Công đoàn công ty, tôi được về các nông trường, xuyên qua những cánh rừng cao su đang kỳ rụng lá để về các đội sản xuất, thấu hiểu sâu sắc công việc của người lao động và cả nỗi xúc động lớn lao khi nhận những phần quà Tết của công ty trao tặng. “Tết này, thế là ấm rồi”, đó là chia sẻ của chị công nhân ở NT Gia Huynh khi nhận quà. Câu nói chân chất, mộc mạc và bàn tay thô ráp của chị làm tôi xúc động đến ứa nước mắt.

Nếu không có chuyến đi này, làm sao tôi có thể có những phút giây nồng ấm sẻ chia những khó khăn của người lao động, làm sao tôi có thể cảm nhận niềm vui sau những khuôn mặt rám nắng kia là bao nỗi lo toan. Và làm sao tôi biết được những bàn tay chai sần ấy đã từng mong đón những tờ Tạp chí của ngành để chờ thông tin “giá mủ khởi sắc”…

Bữa cơm trưa tại khu làm việc của NT Gia Huynh là những món ăn “cây nhà lá vườn”, câu chuyện trong bữa ăn toàn là chuyện vui, niềm lạc quan của những cán bộ trẻ gắn bó với nghiệp và cả cái ước ao gần 300 ha cao su suy kiệt hiện tại sẽ có những tín hiệu tốt đẹp trong năm mới của anh giám đốc trẻ quê tận Bến Tre…

Nhà thơ Chế Lan Viên đã tinh tế khi khám phá quy luật tình cảm của trái tim: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Vâng, Bình Thuận với những Thuận Tân, Gia Huynh, Sông Giêng, Thuận Đức… Tất cả trong tôi là nỗi nhớ, xốn xang câu hát niềm tin “Bạn ơi, ta hát hát lên vì ngày mai…”, nao nao với ly rượu nồng có pha nước lọc mà anh Tổ trưởng Tổ 11 trong buổi mừng công trao “ăn gian đi chị, có sao đâu”, ngọt ngào với nải chuối sạch “quà của rừng” mà chị công nhân NT Gia Huynh dúi vội trong buổi chia tay…

Tôi còn nợ với công nhân ở nơi này nhiều lắm. Nhất định rồi, sẽ có ngày trở lại với những trang viết về dòng nhựa trắng tuôn chảy, nụ cười và niềm vui của người lao động với thông tin giá mủ đang phục hồi… Chào một mùa cạo mới! Bao cảm xúc xốn xang… Bình Thuận ơi!

Nguyễn Lý