CSVN Xuân – Trong năm 2015, các đơn vị thành viên thuộc VRG đã chủ động xây dựng mô hình xen canh trong vườn cây cao su KTCB. Nhiều mô hình xen canh đem lại lợi nhuận cao, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất tư, đồng thời góp phần ổn định đời sống NLĐ.
Từ cây lâm nghiệp…
Với mục đích trồng thử nghiệm các loại cây lâm nghiệp để chọn lựa loại cây phù hợp có độ dẻo dai, chống chịu gió bão tốt hơn, từ tháng 8/2012, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã trồng thí nghiệm xen canh keo lai trên 23,76 ha cao su tại Lô 176 Nông trường 7, mật độ 500 – 512 cây/ ha. Mô hình trồng hàng kép, 2 hàng cao su, 2 hàng keo lai. Bên cạnh cây keo lai, năm 2013 công ty cũng tiến hành trồng thử nghiệm tràm bông vàng và giá tị trên diện tích 11,69 ha tại Nông trường 4. Xét về điều kiện tự nhiên của vùng và đặc tính sinh thái của cây lâm nghiệp thì đây là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng keo lai và tràm bông vàng.
Năm 2015, công ty đã triển khai mô hình trồng cao su xen cây lâm nghiệp với diện tích 321,68 ha, chủ yếu là trồng cây keo lai. Chi phí đầu tư cho 1 ha keo lai trồng xen với cao su là 15.755 ngàn đồng. Trữ lượng gỗ sau bốn năm trồng là 107,4 ster, doanh thu xấp xỉ 42 triệu đồng/ha. Lợi nhuận dự án mang lại sau khi trừ chi phí trồng, chăm sóc, cưa cắt và vận chuyển, lợi nhuận thu được trên 1 ha keo lai xấp xỉ 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng xen lúa giữa các đường luồng để tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.
…đến các loại cây hoa màu, lương thực
Đối với chủ trương trồng xen canh, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã khảo sát tình hình thực tế tại các nông trường để lựa chọn loại cây xen canh thích hợp. Tổng diện tích trồng xen canh năm 2015 của công ty đạt 1.161,2 ha. Trong đó, bắp 183 ha, dưa hấu 53,3 ha, đậu 163 ha, mè 286 ha, keo lai 22,9 ha, bo bo 453 ha. Hiện nay, công ty vẫn đang trồng thí điểm các loại cây tại nông trường, dự kiến đến khi thu hoạch, công ty sẽ tổng kết hiệu quả mô hình trồng xen và lựa chọn loại cây có hiệu quả nhất để tiếp tục trồng vào năm 2016.
Nguồn vốn thực hiện đầu tư trồng xen từ Quỹ phúc lợi, công ty cho công nhân vay không tính lãi và các nguồn khác như: vốn xoay vòng; quỹ trợ vốn; phong trào giúp nhau bằng cây con giống… Việc vận động trồng xen góp phần giúp công ty giảm chi phí chăm sóc trên hàng cây và giảm chi phí trồng, chăm sóc cây thảm phủ cho các vườn trồng năm 1 và năm 2.
Với lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long gặp nhiều thuận lợi khi thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Năm 2015 vừa qua, công ty đã trồng xen các loại cây công nghiệp và hoa màu trên diện tích 502,56 ha, bao gồm: dó bầu 124,05 ha, tràm bông vàng và keo lai 61 ha, cây hoa màu như bắp, bí, đậu phộng, chuối 317,51 ha. Chủ trương trồng xen được NLĐ hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều công nhân nhận trồng bắp, lúa, đậu phộng trong diện tích nhận khoán chăm sóc cao su trồng mới. Sau 2 tháng đến kỳ thu hoạch 1 hecta bắp nếp cho 1,5 tấn, trừ các chi phí, NLĐ lãi bình quân 3 triệu đồng/ha.
Lãnh đạo Cao su Đồng Nai đã có chủ trương cho CNLĐ trồng xen canh cây hoa màu trên vườn cây KTCB để giúp NLĐ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, từ những năm sau ngày giải phóng. Ngày trước hầu hết cây xen canh trong vườn cây là các loại cây họ đậu, lúa… Năm 2015, thực hiện chủ trương của VRG, TCT Cao su Đồng Nai đã triển khai mô hình trồng xen trên diện tích 1.233 ha gồm: mía 947 ha, cà phê 52,4 ha, gáo vàng 54,5 ha, gòn 66 ha, tum 51 ha, chuối 26,3 ha, ngoài ra còn có một số diện tích trồng bắp, nghệ, sả…
Và cây dược liệu ở miền Trung
Ông Nguyễn Duy Thạnh – Phó phòng Kế hoạch – Xây dựng cơ bản, Bí thư Đoàn TN Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, hiện nay Đoàn Thanh niên được giao phát triển trồng xen canh cây dược liệu trong vườn cao su KTCB để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đem lại thu nhập cho NLĐ. Kế hoạch thời gian tới là phát triển 50 ha cây cà gai leo; khoảng 100.000 cây sâm ba kích và 100 ha cây sả để phục vụ sản xuất tinh dầu. Hiện nay, Đoàn TN công ty đã trồng được 25.000 cây cà gai leo, tương đương 5 ha và 15.000 cây ba kích tại 3 nông trường.
“Sau 5 tháng triển khai, bước đầu chúng tôi đã thu hồi được vốn đầu tư lập vườn ươm nhờ bán cây giống. Chúng tôi đã xuất bán được 60.000 cây giống cà gai leo, với giá 2.500 đồng/cây và bán 8.000 cây giống ba kích, với giá 15.000 đồng/cây. Hiện các bạn Đoàn viên đang tiếp tục sản xuất cây giống để phục vụ nhu cầu của thị trường”, ông Thạnh cho hay.
Theo phân tích của ĐTN công ty, cây ba kích tím và cà gai leo là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, thời gian thu hoạch không quá dài. Cà gai leo khoảng 6 tháng sau khi trồng, còn ba kích tím khoảng 3,5 năm. Hai loại dược liệu này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Quảng Nam và nhu cầu tiêu thụ của thị trường là rất lớn.
“Phát triển thành công 1 ha cây cà gai leo có thể mang lại lợi nhuận từ 250 – 300 triệu đồng/ha trong năm trồng đầu tiên, sau khi trừ các khoản chi phí. Từ năm thứ hai, lợi nhuận sẽ cao hơn do không tốn chi phí đầu tư cây giống và công trồng. Còn cây ba kích giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Sau 3,5 năm trồng, chăm sóc và thu hoạch, lợi nhuận đạt được tối thiểu khoảng 2,7 tỷ đồng/ha. Các loại thảo dược chúng tôi đang triển khai là các loại đặc trưng vùng miền cao, hàm lượng dược chất rất cao, nên việc tiêu thụ thuận lợi. Đã có nhiều công ty dược liệu nhận bao tiêu sản phẩm nên không lo về đầu ra”, ông Thạnh chia sẻ.
Theo ông Trần Minh Hùng – Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ Công ty Cao su Nam Giang – Quảng Nam, từ năm 2008 đến nay, công ty có truyền thống tạo điều kiện để CNLĐ phát triển trồng xen canh trên vườn cây để gia tăng thu nhập. Các loại cây xen canh chủ yếu là dứa, bắp, đậu, mè, lúa và các loại cây dược liệu như sâm ba kích trồng tại Tây Giang. Ngoài ra, công ty còn khuyến khích CN xây dựng kinh tế trang trại, kinh tế vườn.
“Năm 2015, Công đoàn công ty thực hiện thí điểm trích nguồn quỹ tạm ứng cho Công đoàn bộ phận NTCS Tây Giang, Tây Giang II với số tiền 40 triệu đồng để tạo nguồn vốn vận động CNLĐ đào bẫy bắt con cúi lúi cắn rễ cây cao su và làm dịch vụ trung gian thu mua và tiêu thụ. Việc làm trên đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo thêm thu nhập cho CNLĐ, đồng thời hạn chế cúi lúi xâm hại vườn cây công ty”, ông Hùng cho hay.
Phan Thắng – Minh Nhiên
Related posts:
- Lợi nhuận 7 tháng đầu năm đạt 3.434 tỷ đồng
- Tập trung hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm
- Kết nối nguồn cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su có chứng chỉ PEFC
- VRG thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương
- Tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo phát triển cao su Điện Biên
- Cao su Mang Yang công bố nhân sự mới
- "Cơ hội từ CPTPP và kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững"
- Gia Lai tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp cao su
- Đồng chí Thái Bảo Tri giữ chức Bí thư Đảng ủy Cao su Quảng Nam
- Trao sổ hưu cho 5 cán bộ các phòng ban