CSVN – Từ ngày 14 – 16/11, TGĐ VRG Huỳnh Văn Bảo đã có chuyến làm việc với các công ty cao su Cụm I Campuchia. Năm 2019, các đơn vị đã đoàn kết khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra.
Vườn cây tốt, sản lượng cao
Cụm I Campuchia gồm 8 công ty: Chư Sê – Kampong Thom (C.R.C.K 2); Bean Heack; Bà Rịa – Kampong Thom; Phước Hòa – Kampong Thom; Tân Biên – Kampong Thom; MeKong – Kampong Thom; Tây Ninh – Siêm Riệp và C.R.C.K Chư Păh.
Trong chuyến công tác, TGĐ VRG đã làm việc tại nhà máy chế biến của các công ty: Chư Sê – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom và Phước Hòa – Kampong Thom. Ngày 16/11, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG và đoàn công tác các Ban chuyên môn của Tập đoàn đã làm việc với Cụm I, tại Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Cao su Chư Sê – Kampong Thom, Cụm trưởng Cụm I đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh Cụm I đến ngày 15/11 và phương hướng nhiệm vụ cuối năm 2019.
Tổng diện tích các đơn vị đang quản lý là 52.765,44 ha. Trong đó vườn cây KTCB là 22.318,68 ha và vườn cây khai thác là 30.446,76 ha (chiếm 58% tổng diện tích cao su tại Campuchia). Sản lượng kế hoạch VRG giao 36.200 tấn. Tính đến ngày 15/11, sản lượng thực hiện là 30.942,55 tấn (đạt 85,48 %); sản lượng chế biến là 28.170 tấn (đạt 80,5%); sản lượng tiêu thụ là 25.513 tấn (đạt 68,5%).
Tổng số lao động hiện tại của các công ty là 7.345 người. Trong đó lao động gián tiếp 655 người (Việt Nam 520 người, Campuchia 135 người) chiếm 8,92%; lao động trực tiếp 6.690 người, chiếm 91,08%. Mặc dù tiết giảm chi phí suất đầu tư, lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh chưa cao nhưng các đơn vị vẫn cố gắng đảm bảo mức thu nhập từ tiền lương cho NLĐ. Công nhân trực tiếp sản xuất bình quân từ 200 – 250 USD/tháng. Gián tiếp phụ trợ sản xuất bình quân lương 14,6 triệu đồng/tháng.
Các đơn vị đã làm tốt công tác giải quyết các chế độ chính sách theo quy định, như: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hộ lao động, đào tạo nghề, khám sức khỏe… theo pháp luật Việt Nam và Campuchia. Làm tốt chính sách an sinh xã hội như xây dựng nhà ở công nhân với đầy đủ nhu cầu sinh hoạt; xây dựng trường học cho con em công nhân; xây dựng trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu để thu hút và giúp người công nhân yên tâm, gắn bó lâu dài với công ty.
Nhiều giải pháp đồng bộ và xuyên suốt
Đạt được kết quả trên nhờ các công ty đã nỗ lực, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và xuyên suốt, như: Thực hành tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư, tinh gọn bộ máy, hạ giá thành sản xuất, nhiều đãi ngộ thu hút CNLĐ… Đồng thời, với kinh nghiệm tích lũy được, các đơn vị đã đoàn kết khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành chương trình, kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Về nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2019, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Cao su Chư Sê – Kampong Thom, Cụm trưởng Cụm I, cho biết: “Các đơn vị tích cực làm tốt công tác phòng chống cháy vườn cây, đảm bảo vườn cây được an toàn tuyệt đối trong mùa khô sắp tới. Chăm sóc tốt 318,68 ha vườn cây KTCB. Tiếp tục hoàn thành kế hoạch khai thác mủ cao su cuối năm 2019 với diện tích vườn cây khai thác 30.446,76 ha, sản lượng kế hoạch 36.200 tấn. Năng suất bình quân 1,19 tấn/ha. Nâng cao chất lượng, làm tốt công tác tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBCNV, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả làm việc góp phần hoàn thành kế hoạch”.
Vấn đề biến động lao động luôn là khó khăn chung của các đơn vị. Lao động trực tiếp người Campuchia do thói quen, phong tục tập quán, những dịp lễ Tết kéo dài ngày của người Khmer nên lực lượng lao động trực tiếp thường không ổn định, gây khó khăn. Lực lượng lao động gián tiếp người Việt Nam sau 3 – 5 năm công tác xa nhà đều có nguyện vọng trở về gia đình.
Vì vậy, trong thời gian tới, khi diện tích mở cạo tăng cao, để đảm bảo duy trì nguồn lao động tối thiểu cho việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất của đơn vị, các Công ty luôn chủ động, tích cực tìm nguồn cung cấp lao động để kịp thời thu tuyển, đào tạo, bố trí thay thế.
Những vướng mắc cần VRG hỗ trợ tháo gỡ
Tại buổi làm việc, 8 công ty Cụm I đã báo cáo tình hình hoạt động và nêu các kiến nghị đến lãnh đạo VRG. Cụ thể như sau: Về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn xem xét làm việc với Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Thương mại Campuchia để có hướng tháo gỡ giải quyết bởi các công ty đã thực hiện đúng các thủ tục và đã nộp đầy đủ các hồ sơ, văn bản làm căn cứ chứng nhận nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết quả.
Về hồ sơ pháp lý đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án bước hoàn thiện, hiện đã có chứng nhận của Bộ Môi trường chấp nhận báo cáo ĐTM bước hoàn thiện của các công ty, kiến nghị Ban K có ý kiến với Văn phòng Đại diện tác động với đơn vị tư vấn và Bộ Môi trường sớm giao hồ sơ cho các công ty để đảm bảo tính pháp lý đầy đủ và có cơ sở triển khai các cam kết ĐTM với Bộ Môi trường. Về thủ tục xuất khẩu cao su (CO), do dự án các công ty cách xa Thủ đô Phnompenh, nơi thực hiện các thủ tục xuất khẩu nên việc xuất khẩu cao su còn nhiều hạn chế. Các công ty kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn trao đổi với Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Campuchia để có chủ trương, cơ chế giao việc về các tỉnh để công việc đi lại giao dịch được tốt hơn.
Kiến nghị Lãnh đạo Tập đoàn, Thường trực Ban K và Văn phòng đại diện thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng của Campuchia, Lãnh đạo tỉnh Kampong Thom, Công an tỉnh Kampong Thom trong việc hỗ trợ lực lượng an ninh cho các công ty, giúp các công ty trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đề phòng mất cắp mủ trong những tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo và các tệ nạn xã hội khác có thể xảy ra.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ban VRG đã chia sẻ, trao đổi về công tác chuyên môn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Cụm I. Kết luận buổi làm việc, TGĐ VRG Huỳnh Văn Bảo đánh giá cao những nỗ lực, khắc phục khó khăn, đoàn kết thực hiện hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chăm lo cho đời sống NLĐ của các công ty Cụm I Campuchia.
“Các công ty đã làm tốt chính sách an sinh xã hội, đời sống của công nhân từng bước được nâng cao, qua đó tạo hiệu ứng tích cực mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng nơi công ty trú đóng, được chính quyền nước sở tại đánh giá cao. Cụm I cần tiếp tục nỗ lực thi đua nước rút toàn diện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra”, ông Bảo phát biểu.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Cao su Dầu Tiếng phấn đấu lợi nhuận năm 2021 trên 237 tỷ đồng
- “Các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác quản lý rừng bền vững của VRG”
- Cao su Dầu Tiếng tổng kết công tác bảo vệ tài sản
- Thu nhập bình quân người lao động Cao su Hòa Bình trên 8,5 triệu đồng/người/tháng
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp công bố các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng 5 năm...
- Điểm mới trong bộ đề thi lý thuyết Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ năm 2014
- Cao su Tây Ninh: Đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải
- "Kiểm soát viên còn phải tham gia quản lý, hiến kế"
- Lãnh đạo VRG thăm, chúc Tết tỉnh Kiên Giang
- Năng suất vườn cây Cao su Phú Riềng đạt 2,25 tấn/ha