Làm thế nào để xây dựng tổ Công đoàn vững mạnh?

CSVN – Một yếu tố then chốt để xây dựng tổ CĐ vững mạnh, thu hút được Đoàn viên tham gia nhiệt tình là nội dung và phương pháp sinh hoạt tổ. Vậy cách thức, nội dung sinh hoạt tại tổ CĐ như thế nào cho phong phú, sinh động, lôi cuốn Đoàn viên CĐ tham gia?
 Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động,  cán bộ CĐ phải luôn sâu sát, biết lắng nghe và trao đổi.  Ảnh: Tùng Châu
Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động,cán bộ CĐ phải luôn sâu sát, biết lắng nghe và trao đổi. Ảnh: Tùng Châu
Làm thế nào để nắm bắt tâm tư người lao động?

Nội dung sinh hoạt tại tổ CĐ khá đa dạng, phong phú, nhưng tựu trung vào 3 chức năng của CĐ: bảo vệ quyền lợi, tham gia quản lý, tuyên truyền giáo dục, đều phải thực hiện ngay từ cấp tổ.

Bằng cách nào mà người cán bộ nắm bắt được tâm tư người lao động? Ai cũng biết việc tuyên truyền giáo dục là việc làm thường xuyên cần thiết, nhưng tuyên truyền giáo dục như thế nào cho có hiệu quả người nói thu hút người nghe dễ hiểu, dễ làm?

Theo tôi vấn đề là ở chỗ phương pháp. Với cách làm từ trước đến nay, khi họp tổ CĐ, người tổ trưởng chủ yếu chỉ cung cấp thông tin, phổ biến những gì do BCH CĐ đưa ra, kiểm tra lại công tác đã qua… Về nội dung nói chung là không sai, nhưng do cách nói một chiều làm cho người nghe trở nên thụ động. Một phần do mệt mỏi sau giờ làm việc trong ngày nên các cuộc họp cứ tiếp diễn theo định kỳ đã vô tình tạo ra bầu không khí nhàm chán, lấy lệ, ai cũng ngại phát biểu, mau mau “nhất trí”.

Do vậy, cuộc họp tổ khó thu hút được Đoàn viên, trong khi Đoàn viên của chúng ta là những người lao động mộc mạc chân chất, dễ gần gũi, cởi mở nhất. Nếu từ đơn vị tổ nơi thực hiện các chủ trương công tác mà không phát huy được sức mạnh tập thể, thì chúng ta sẽ lấy sức mạnh từ đâu? Nếu mọi người không nêu được ý kiến của mình thì làm sao thực hiện được dân chủ?

Phải biết lắng nghe và trao đổi

Như vậy, để tổ CĐ trở thành nơi sinh hoạt có ý nghĩa, sinh động thu hút Đoàn viên tham gia, chúng ta nên thử áp dụng phương pháp: Lắng nghe và trao đổi.  Trước đây chúng ta thường chú ý nói sao hay để người ta nghe, nay bổ sung thêm cách nghe sao cho người ta nói. Nghe tâm tư nguyện vọng, nghe những khó khăn trong làm việc, trong thực hiện nhiệm vụ, nghe phản ánh đời sống, điều kiện làm việc, nghe khó khăn chia sẻ cùng tìm cách tháo gỡ, nghe tin vui chuyện mừng để khuyến khích biểu dương, để phát hiện người thật việc thật, đề nghị khen thưởng.

Nếu chân thành lắng nghe, chúng ta sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ các CĐ viên vì họ chính là người lao động chung vai gánh vác, giải quyết công việc tại bộ phận mình. Do vậy trước khi nghe tổ trưởng tìm cách khơi gợi vấn đề, biết cách đặt câu hỏi cho mọi người, để họ có dịp nói về những vấn đề họ đang quan tâm.

Biết lắng nghe là chúng ta đã thiết lập được thông tin hai chiều, nắm được tình hình cụ thể, chúng ta sẽ cùng trao đổi thảo luận để tìm cách giải quyết. Vì hơn ai hết, chúng ta hiểu mọi khó khăn vướng mắc chỉ có thể giải quyết được khi có sự cộng tác của tập thể tổ.

Chúng ta có thể đề xuất ý kiến lên cấp trên là để xin ý kiến chủ trương, đề nghị tạo điều kiện và tham mưu cho cấp trên có quyết định cho tập thể thực hiện. Có như vậy mọi người sẽ cảm thông với nhau hơn, cùng chia sẻ những khó khăn, từ đó tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa mọi người lại được nhân lên.

Sự thành công của một cuộc sinh hoạt là nhờ vào sự đóng góp ý kiến của nhiều người, là sự trao đổi cách làm, kinh nghiệm, có thể từ những mẩu chuyện vui, có thể từ một việc nào đó, bắt nguồn từ thực tế lao động, đời sống của Đoàn viên. Người tổ trưởng phải khéo léo đặt câu hỏi và điều khiển sao cho mọi người cùng tham gia ý kiến, để tổ viên không chỉ ngồi nghe theo chiếu lệ. Và khi đã quen với sinh hoạt, mọi người không chỉ phát biểu mà cùng hát, cùng kể chuyện… thì tổ CĐ không còn đơn điệu, khô khan nữa.

Trong thực tế cuộc sống, ai cũng có nhu cầu được chia sẻ, được thư giãn sau những giờ lao động căng thẳng. Ai cũng thích đến những nơi mà mình được tôn trọng, được hỏi ý kiến, được tham gia và nhất là khi một quyết định mà trong đó có sự đóng góp của mình thì quyết định đó chắc chắn sẽ được thực hiện bằng một sức mạnh của quyết tâm và tinh thần trách nhiệm rất cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CĐ là tổ chức tập huấn đào tạo cán bộ CĐ. Đây là việc làm thường xuyên, lâu dài. Trong thực tế chúng ta là những cán bộ CĐ vẫn vừa học, vừa làm, cần tiếp thu cái mới bổ sung cho vốn kinh nghiệm của mình.

Văn Thủy (CĐ CS Bình Long)