CSVN – 28/10, ngày này cách đây 85 năm (28/10/1929) tại đồn điền cao su Phú Riềng đã diễn ra sự kiện lịch sử – sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây là mốc lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng VN có sự lãnh đạo của Đảng – Đảng của giai cấp công nhân (CN) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (tiền thân của Đảng lúc bấy giờ là Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội).
Từ những người làm phu cho các đồn điền cao su của bọn tư bản Pháp – chủ nghĩa thực dân, chịu biết bao sự bóc lột với các cuộc đình công, đấu tranh tự phát đòi dân sinh, dân chủ; các cuộc đấu tranh của những người làm phu cao su có định hướng, có mục tiêu lý tưởng rõ ràng. Đó là cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc và sự kiện lịch sử ngày 28/10/1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng ngày nay đã trở thành ngày truyền thống của CN cao su VN.
Dù gian khổ, dù thăng trầm nhưng các thế hệ công nhân cao su Việt Nam luôn giữ được truyền thống tốt đẹp.
Trước hết đó là truyền thống về lòng yêu nước. Trong những năm chiến tranh ác liệt, thời kỳ chống Pháp cũng như thời kỳ chống Mỹ, lực lượng công nhân ở các đồn điền cao su hầu hết đều tham gia hoạt động cách mạng, là cơ sở đáng tin cậy của cách mạng. Họ chiến đấu dũng cảm và có không ít người đã mãi mãi nằm lại chiến trường miền Đông Nam Bộ này, vùng đất mà giờ đây có bạt ngàn rừng cao su và nó góp phần làm giàu cho đất nước; đó là những anh hùng liệt sỹ xuất thân từ những người làm cao su. Vì vậy lịch sử ngành cao su Việt Nam, luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành Cao su VN được thành lập và được xác định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Đội ngũ cán bộ, CN từ trong kháng chiến trở về, trong đó có nhiều người trước đây là CN làm thuê cho các đồn điền cao su của chủ tư sản và đội ngũ cán bộ kỹ sư, CN kỹ thuật từ miền Bắc, miền Trung tăng cường vào để hình thành lực lượng CN cao su của chế độ mới, chế độ mà giờ đây họ là người làm chủ chứ không phải là người làm thuê.
Thực hiện chủ trương khôi phục lại các đồn điền cao su của chủ tư sản và mở rộng diện tích trồng mới từ miền Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên với quyết tâm xây dựng một ngành kinh tế mạnh, lực lượng CN cao su phải vào cuộc đấu tranh mới, cuộc đấu tranh không kém phần ác liệt. Đó là rà phá bom mìn còn lại sau chiến tranh, chiến đấu với bọn Fulrô trên địa bàn Tây Nguyên và các phần tử phản động khác còn ẩn náu trong rừng, kế cả đấu tranh với bao gian khổ thiếu thốn của thời kỳ đầu sau giải phóng… Và cũng có không ít người đã ra đi vì bom mìn, vì những cơn sốt rét ác tính nơi rừng thiêng nước độc. Một lần nữa người CN cao su mãi mãi nằm lại trên vùng đất “rừng thiêng nước độc” mà giờ đây đã bao phủ bạt ngàn cao su. Họ không được vinh danh là những anh hùng liệt sỹ trong trận chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng họ sẽ được nhớ mãi và ghi danh là những người CN dũng cảm vì sự nghiệp cao su trong lịch sử của ngành Cao su VN.
Truyền thống tốt đẹp thứ hai là truyền thống yêu ngành, tâm huyết xây dựng ngành. Đây là ý nguyện của bao thế hệ cao su từ người lãnh đạo đến người lao động. Từ những ngày đầu khó khăn gian khổ, người CN phải trải qua bao thử thách kể cả tính mạng của mình để khai hoang mở đất, xây dựng nền móng vững chắc cho ngành cao su, một ngành không những mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước mà còn góp phần làm cuộc cách mạng xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, góp phần giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng… Để có được cây cao su đứng phải đánh đổi biết bao mồ hôi kể cả tính mạng của các thế hệ CN trước đó.
Quá trình phát triển là quá trình phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, có thời điểm tưởng chừng như bế tắc đó là giai đoạn từ cuối những năm 80 đến đầu những năm 90 khi mà nguồn vốn đầu tư không còn, giá bán mủ cao su thấp hơn giá thành, lương CN trả chậm, đời sống CN gặp nhiều khó khăn, cùng lúc lại có một số quan điểm của các Bộ, Ngành trình Chính phủ đề nghị tư nhân hóa cao su (nghĩa là ngành cao su không tồn tại). Biết bao điều băn khoăn trăn trở, biết bao sự tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành nhưng với tâm huyết những người lãnh đạo ngành cao su lúc bấy giờ bình tĩnh, đoàn kết và quyết đoán tìm các giải pháp và bước đi thích hợp, từng bước tháo gỡ khó khăn dần ổn định sản xuất, ổn định đời sống cho người lao động, chứng minh ngành cao su tồn tại là có hiệu quả cho đất nước. Và thực sự hôm nay ngành cao su đang tồn tại, phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Thành quả của ngành Cao su ngày nay (Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN) cũng là thành quả của những cống hiến của các thế hệ công nhân trước đây. Nhà thơ Tố Hữu có câu:
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”
Là người được về công tác trong ngành cao su gần 25 năm, tôi rất tự hào với truyền thống tốt đẹp của ngành Cao su VN và rất tự hào với thế hệ CN cao su ngày nay. Tự hào với thế hệ CN cao su hôm nay bởi vì: Họ vẫn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, kế thừa những mặt mà các thế hệ trước đây làm tốt và tránh được những mặt mà các thế hệ trước đây làm chưa tốt; Ngoài ra công tác quản lý khoa học, hiệu quả, trình độ người lao động được nâng cao; Xây dựng ngành trở thành một Tập đoàn kinh tế ngang tầm với những đơn vị kinh tế mạnh của đất nước.
Trước mắt hiện nay tình hình có khó khăn, đây là tính quy luật của thương trường, ngành kinh tế bao giờ chúng ta cũng phải lường trước để có giải pháp thích hợp, tôi tin rằng ban lãnh đạo hôm nay sẽ phát huy được truyền thống của thế hệ trước: bình tĩnh, đoàn kết và quyết đoán trước tình hình này.
Năm nay Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN tổ chức kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Cao su VN, đây là việc làm đáng trân trọng nhằm ý thức cho thế hệ CN hôm nay ôn lại lịch sử tốt đẹp của ngành, của giai cấp CN cao su. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm chỉ là một vế về hình thức. Về nội dung nên chăng cần giáo dục sâu hơn để người CN hôm nay học tập gương của người CN các thế hệ trước luôn yêu ngành, quyết tâm xây dựng ngành dù khó khăn hay thuận lợi, không vì lợi ích cá nhân trước mắt khi tình hình biến động khó khăn, CN rời bỏ vườn cây, xin nghỉ việc, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của đơn vị, của ngành.
Lê Mười (Nguyên Phó TGĐ TCT CS VN)
Related posts:
- “Phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi giúp tôi trưởng thành hơn”
- "Tâm lý vững, quyết tâm cao"
- Mưa và mùa cạo mủ
- Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su
- Tự hào 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- Bình tĩnh, tự tin, quyết tâm cao nhất
- Các đồn điền cao su mở rộng diện tích
- Nữ công nhân "ba đảm đang"
- Khó khăn khắc phục mình ơi!