Một giám đốc nông trường đam mê sáng tạo

CSVN – Xuất thân trong một gia đình làm nông, từ nhỏ đã gắn bó cao su nên anh tự nhận mình là người đam mê cây cao su. Chính niềm đam mê ấy đã tạo cho anh động lực và đạt được những thành công nhất định trong công việc. Anh là Nguyễn Văn Tài – Bí thư Chi bộ, Giám đốc NT Bến Củi – Công ty CPCS Tây Ninh.
Giám đốc NT Bến Củi Nguyễn Văn Tài giới thiệu sáng kiến cải tạo xe vận chuyển mủ thành xe chữa cháy
Giám đốc NT Bến Củi Nguyễn Văn Tài giới thiệu sáng kiến cải tạo xe vận chuyển mủ thành xe chữa cháy
Tác giả nhiều sáng kiến có giá trị

Với mong muốn xây dựng được vườn cây đạt chất lượng tốt, có năng suất và sản lượng cao nhất, là người làm công tác quản lý ở một nông trường đứng đầu thuộc Công ty CPCS Tây Ninh, anh Nguyễn Văn Tài, luôn trăn trở, tìm những giải pháp tối ưu nhất. Thực tiễn công việc là môi trường rèn luyện lý tưởng để anh thỏa sức thực hiện đam mê sáng tạo.

Mùa khô 2016 rất khốc liệt, nắng nóng kéo dài có thể gây ra những nguy cơ cho vườn cây. Cấp trên có những chỉ đạo quyết liệt cho công tác phòng chống cháy. Trước đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, anh Nguyễn Văn Tài đã nảy sinh sáng kiến “Cải tiến xe vận chuyển mủ thành xe chữa cháy vườn cây cao su”.

Trên cơ sở nông trường có sẵn 4 xe vận chuyển mủ, cùng lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, anh Tài và cộng sự đã cải tiến xe chở mủ thành xe chữa cháy rất cơ động và hiệu quả. Sáng kiến được triển khai áp dụng tại nông trường đã góp phần giúp đơn vị tiết kiệm 800 triệu đồng so với đầu tư trang bị xe chữa cháy mới. Ngoài ra, còn tiết kiệm hơn 100 triệu đồng do giảm bớt chi phí trực gác lửa trong mùa khô 2016. Cũng xuất phát từ niềm đam mê cây cao su, trước đó, năm 2005, anh Tài thực hiện sáng kiến “Kỹ thuật tạo tán trên vườn cây KTCB”.

Với những hiệu quả thiết thực mang lại, sáng kiến này đã được VRG đưa vào Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2012. “Sáng kiến tạo tán giúp cho cây phát triển, bộ lá cân đối, tán nhẹ, vững chắc ít bị ngã đổ. Tạo tán giúp duy trì mật độ vườn cây khai thác. Cây có tán hợp ký, thân vững hơn, tạo năng suất cá thể đồng đều, nâng cao năng suất vườn cây”, anh Tài chia sẻ.

Ngoài 2 sáng kiến trên, anh Nguyễn Văn Tài còn là “cha đẻ” của nhiều sáng kiến có giá trị khác. Trong đó, phải kể đến sáng kiến “Cải tiến công cụ trang bị, khai thác hết tiềm năng, sản lượng trên vườn cây nhóm III và vườn cây cạo tận thu”. Sáng kiến này đã giúp NT Bến Củi quản lý vườn cây 11 năm liền đạt năng suất 2 tấn/ha và được các cấp khen thưởng.

Không ngừng sáng tạo để có giải pháp mới

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư nông nghiệp năm 1988 anh Nguyễn Văn Tài về làm việc tại NT Bến Củi. Qua 28 năm “đồng cam, cộng khổ” trong công việc, anh am hiểu từng lô cao su, từng mảnh đất, gốc cây tại Bến Củi. “28 năm công tác đã giúp mình chiêm nghiệm lại những gì đã làm được và chưa được. Thời gian trôi qua, cái không đúng giảm dần và cái đúng đến nhiều hơn”, anh Tài đúc kết.

Theo anh Tài, với mong muốn để lại cho thế hệ sau “di sản” là những vườn cây chất lượng tốt, có năng suất, sản lượng cao, dù ngành gặp khó khăn nhưng vẫn sống được thì phải không ngừng sáng tạo, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là áp dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Trong điều kiện ngành gặp khó khăn, suất đầu tư giảm, tình hình biến động lao động trở nên phổ biến thì chúng ta phải có giải pháp ứng phó. Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu chăm sóc KTCB như bón phân, làm cỏ, phun thuốc… phải tích cực đưa máy móc vào thay thế lao động thủ công để giảm thâm dụng lao động.

Anh Tài cho rằng, sáng kiến, sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thay đổi phương thức sản xuất. Vì vậy, trong thời gian tới, bản thân anh cũng tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, tìm ra những giải pháp mới để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, mong muốn được kết nối, phối hợp với những người có niềm đam mê sáng tạo nhằm tạo ra những sáng kiến, giải pháp đạt hiệu quả cao hơn, giúp ngành cao su phát triển ổn định và bền vững

Bài, ảnh: Anh Quân