CSVN – Nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động từ thiện, tích cực kêu gọi mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người nghèo, đó là những đức tính tốt đẹp của chị Trần Thái Bình – từng là giáo viên văn Trường THPT Trần Phú (Tân Phú), nay công tác tại một trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, quận Bình Tân.
Từ những phần cơm 0 đồng…
Dưới cái nắng oi ả của buổi chiều đầu tháng tư, chúng tôi tìm đến đường Kênh Nước Đen tìm nhà chị Bình. Người dân quanh khu vực này không ai không biết chị Bình với biệt danh thân thương “cô Bé Bự”. Vì họ đã quá quen với hình ảnh chị Bình với những phần cơm 0 đồng phát tận tay người lao động, hay những phần bánh, sữa cho bọn trẻ trong cái xóm nghèo của “thành phố buồn”.
Nói về hành trình làm từ thiện, chị Bình chia sẻ: “Ngày trước, khi là sinh viên trường Đại học Sư phạm, qua những lần tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, tôi rất xúc động khi chứng kiến những em bé vùng cao thiếu ăn, thiếu mặc, thất học bên những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Những hình ảnh đó cứ thôi thúc tôi phải cố gắng làm điều gì đó để giúp đỡ”.
Và “duyên” từ thiện đến trong một lần ba chị bệnh. Mấy ngày chăm ba ở bệnh viện, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, được phát cơm từ thiện, chị nảy sinh ý định sẽ đi phát cơm để đỡ phần nào chi phí cho người bệnh và thân nhân.
Cứ thế, mỗi tháng 4 lần, mỗi lần 400 phần cơm chay được chị Bình phát luân phiên ở Bệnh viện Ung Bướu, Nguyễn Tri Phương, Bình Tân…
Việc tốt là không bao giờ dừng lại mà phải phát triển, chị nghĩ đến những người lao động nghèo, các khu trọ xập xệ, các em nhỏ thiếu thốn. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị đã dồn sức và quyên góp từ những nhà hảo tâm để xây dựng bếp ăn 0 đồng tại nhà, chuyên phục vụ người nghèo, lực lượng trực chốt phòng chống dịch. Ngoài ra, chị tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm thực phẩm, bánh, sữa cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, các mái ấm tình thương trong khu vực.
…Đến tủ bánh mì miễn phí cho học sinh vùng cao
Với chị Bình, thanh xuân tươi đẹp nhất có lẽ là khoảng thời gian đi Mùa hè xanh ở vùng cao Tây Nguyên. Đó là những buổi vui đùa cùng bọn trẻ sau giờ dạy học, là hình ảnh những đứa trẻ áo rách, đầu trần chân đất với cái bụng rỗng khi đến lớp. Vậy nên, khi hoạt động từ thiện đi vào khuôn khổ, chị viết tiếp ước mơ dang dở đó là làm sao để những em học sinh vùng cao có cái ăn và no bụng trong những giờ học.
Nghĩ là làm. Rồi tủ bánh mì 0 đồng ra đời trong sự vui mừng của học sinh nghèo Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai).
“Tủ bánh mì được xây dựng trên kinh phí cá nhân và của một người bạn cùng sự giúp sức của một thầy giáo trong trường. Sau một thời gian hoạt động, tủ bánh mì đã nhận được sự đóng góp của thầy cô và các mạnh thường quân gần đó”, chị cho biết.
Cứ như vậy, mỗi tuần đều đặn thứ hai, tư và thứ sáu, 200 ổ bánh mì, có hôm thêm xúc xích, sữa được thầy giáo của trường đại diện nhận và phát cho học sinh.
Đến nay, chị Bình và bạn của mình đã mở thêm 2 tủ bánh mì cho học sinh nghèo ở Trường PT Dân tộc Nội trú Đắk Hà, Kon Tum và Trường Mầm non Tá Bạ, Mường Tè, Lai Châu.
Có lẽ việc làm từ thiện đã ngấm sâu vào máu nên dù ở đâu, làm gì, gặp trường hợp nào khó khăn là chị Bình đều cố gắng giúp đỡ. Ngoài phát cơm cho người nghèo và duy trì tủ bánh mì, chị luôn năng nổ vận động, tổ chức các chuyến đi tặng quà cho người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, người già neo đơn.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Cám ơn dòng nhựa trắng đã nuôi lớn ước mơ con!
- Ký ức trường mầm non cao su
- Già làng sở hữu nhiều bộ chiêng quý
- Một hồn thơ trĩu nặng sẻ chia, ân tình
- 1.332 bài dự thi Cuộc thi viết 85 năm
- "Mật mã đặc khu" - Góc nhìn sống động về nhà cách mạng lão thành Phan Kiệm
- Khai mạc hội diễn "Tiếng hát công nhân cao su" khu vực II
- Săn dế cơm trong vườn cao su
- Từ cuộc bùng nổ cao su 1910 đến cuối kế hoạch Stevenson
- Sôi nổi hoạt động văn hóa, thể thao ở Cao su Bình Long