CSVN – Thật bất ngờ khi anh Vũ Kim Cương – Người đạt giải nhất Cuộc thi viết Tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam chỉ mới công tác trong ngành cao su (Công ty TNHH MTV CS Kon Tum) vỏn vẹn 6 năm – một con số khá khiêm tốn để hiểu biết về cây cao su, về công ty và về ngành cao su Việt Nam. Nhưng anh đã làm mọi người xúc động về truyền thống hào hùng của ngành qua những trang viết bằng sự nhiệt thành, tâm huyết.
Sưu tầm hình ảnh ròng rã 2 tháng trời
Anh cho biết: “Tôi hết sức bất ngờ khi nghe mình đạt giải nhất, bởi tôi nghĩ rằng sự hiểu biết về ngành cao su của mình chưa nhiều như những anh chị em khác, những đơn vị lớn ở miền Đông với bề dày truyền thống, lịch sử và những con người hiểu biết sâu sắc sẽ có điều kiện viết những bài xuất sắc”.
Tuy nhiên, nhờ tâm huyết với ngành và quá trình đầu tư thích đáng cho công việc, cùng với sự hỗ trợ của anh em đồng nghiệp, bạn bè và gia đình, đã giúp anh có một bài viết xuất sắc.
Anh chia sẻ: “Sau khi có chủ trương của VRG về cuộc thi này, bản thân tôi và anh em trong phòng thi đua văn thể đều xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi. Dù là đợt sinh hoạt sâu rộng, nhưng tôi vẫn xác định đã làm thì phải làm hết khả năng của mình. Về nhà cùng thảo luận với vợ đầu tư, xây dựng ý tưởng. Đồng thời, nhờ anh em làm báo ở Kon Tum cho ít hình ảnh của công ty thời xa xưa, nhất là đã tìm được nguồn tư liệu dồi dào từ Tạp chí Cao su VN và đặc biệt nguồn cảm hứng đến từ bà Phạm Thị Liên – người được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen là người phụ nữ đẹp nhất, đã tạo nên một bài viết chất lượng như thế”.
Để hoàn thiện bài dự thi, Vũ Kim Cương đã phải ròng rã sưu tầm và tham khảo rồi chọn lọc suốt 2 tháng trời từ kho tư liệu lịch sử hào hùng của cả ngành cao su. Anh bày tỏ: “Như mọi người đã biết, cây cao su đã du nhập vào Việt Nam được 117 năm và mốc lịch sử của ngành cao su đã được 85 năm. Với bề dày lịch sử như thế để tập hợp thành một bài dự thi khoảng 2.000 từ là điều hết sức khó khăn. Bài viết ban đầu của tôi lên gần 100 trang cả ảnh, nhưng mỗi lần đọc tôi lại rút ngắn được một ít để phù hợp với thể lệ cuộc thi”.
Chọn cao su làm bến đỗ của sự nghiệp
Để bài viết thực sự sinh động và có chất thực tế hơn, Vũ Kim Cương đã nhiều lần đi cơ sở gặp gỡ những người trẻ, những công nhân lâu năm và cả những người đầu tiên lên vùng đất Kon Tum xây dựng cho công ty hôm nay để có những tư liệu về cây cao su, về lịch sử của công ty, từ đó bổ sung chất đời thường cho bài dự thi.
Cung cấp đôi nét về bản thân, anh thật lòng chia sẻ: “Tôi sinh vào tháng 9 năm 1974 tại Tư Nghĩa – Quảng Ngãi, trong một gia đình nghèo nên biết rất rõ về giá trị của công lao động do chính mình làm ra. Thời điểm chuyển từ Tỉnh đoàn Kon Tum sang Công ty Cao su Kon Tum, tôi đang là thường vụ Tỉnh đoàn nhưng tôi đã chọn cao su để làm bến đỗ cho sự nghiệp, đó là sự lựa chọn của tôi vì đó là lẽ sống của tôi, là cuộc sống của tôi”.
Những chia sẻ bên ngoài bài dự thi của Vũ Kim Cương thật đáng trân trọng. Bởi ngoài việc làm lặng lẽ, sự yêu nghề tha thiết cùng suy tư trăn trở, những việc làm và khát khao cống hiến của một Đảng viên trẻ, đã làm thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề với truyền thống hào hùng của ngành cao su Việt Nam qua những trang viết.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG khu vực V: "Anh cả" tranh tài
- Phụ nữ quân đội đoàn kết, sáng tạo
- Ấm áp quà quê
- Một hồn thơ trĩu nặng sẻ chia, ân tình
- Đảm bảo chuỗi sự kiện thành công tốt đẹp
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Triển khai sớm, đồng bộ và chặt chẽ chuỗi sự kiện 85 năm
- 20/10 - Vui như nữ Sa Thầy
- Làng quê đang biến mất