CSVN – TP.HCM bước vào trạng thái bình thường mới, cuộc sống đang dần hối hả trở lại. Các điểm tham quan, du lịch cũng mở cửa. Khu vực Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà (quận 1) đã lác đác khách tham quan. Đó là niềm vui trở lại với người thợ ảnh già hàng ngày chờ khách mưu sinh sau khoảng thời gian nghỉ dịch.
Thợ chụp ảnh dạo – cái nghề của hoài niệm
Những ai hay đi ngang khu vực Bưu điện Thành phố chắc hẳn đều biết đến một người thợ chụp ảnh lớn tuổi, đó là ông Nguyễn Văn Diên (80 tuổi), với tuổi nghề hơn 30 năm.
Cứ vào khoảng 8-10 giờ sáng, 15 – 17 giờ chiều, ông Diên đều có mặt tại đây, tìm khách, mưu sinh với chiếc máy ảnh cũ kỹ. Ông Diên cho biết: “Tôi quê ở Bình Định, ngày xưa làm đủ thứ nghề từ sửa xe, phụ quán, làm ruộng thuê…và cuối cùng học nhiếp ảnh ở Hội Nhiếp ảnh TP.HCM rồi chọn nghề chụp ảnh mưu sinh. Ban đầu tôi nhận chụp đám cưới, đám tang rồi đi khắp nơi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Phú Quốc, Côn Đảo, những địa điểm nổi tiếng để chụp ảnh cho khách du lịch”.
Theo nghề hơn 30 năm, ông Diên trải qua bao thăng trầm. Thời điểm những năm 2000, khi điện thoại thông minh chưa thịnh hành, những thợ chụp ảnh dạo như ông có thu nhập rất ổn. Với chiếc máy ảnh, máy in ảnh và vài thứ phụ kiện linh tinh ông có thể nuôi cả gia đình.
Nhưng nghề nào cũng có thời vàng son của nó. Ông Diên suy tư: “Hiện nay, điện thoại thông minh với nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh đẹp rất được giới trẻ ưa chuộng. Những thợ ảnh dạo như tôi dần dần bị đào thải, bỏ nghề. Cho dù có yêu nghề đến mấy thì cũng phải có tiền mới tồn tại được. Những người thợ trẻ họ còn sức khỏe, có thể kiếm công việc khác, chứ như tôi, ở cái tuổi gần đất xa trời không làm nổi việc nặng nhọc, phải tiếp tục ôm máy mưu sinh”.
Vẫn cố bám nghề
Ông Diên có vợ và 5 người con. Vợ ông mất đã lâu, con cái tản đi mưu sinh khắp xứ, cuộc sống cũng rất khó khăn nên ông chọn tự thân tồn tại. Lớn tuổi, sức khỏe yếu, ông chọn khu vực Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà làm điểm dừng.
Nói về cuộc mưu sinh, ông Diên chỉ biết lắc đầu, thở dài: “Có ngày tôi chụp được 2 -3 tấm, mỗi tấm 20 ngàn đồng, trừ tiền giấy in ảnh, còn lại chỉ đủ đổ xăng. Cũng có những hôm tôi phải ôm máy, không có một đồng, phải đi xin cơm từ thiện”.
Rồi dịch Covid ập đến, không có du khách, khách địa phương chỉ còn lác đác. Không đủ tiền chi tiêu, tuổi già ốm đau, không có tiền thuốc thang, thiếu nợ nhiều, ông Diên đành rao bán chiếc xe Dream gắn bó mấy chục năm.
Ông Diên bùi ngùi: “Lúc đó túng thiếu quá tôi mới để bảng bán xe. May sao có người thương tình, chia sẻ hoàn cảnh tôi lên mạng xã hội. Nhiều người đã ghé đến ủng hộ chụp ảnh, hỗ trợ tiền. Nhờ vậy tôi có tiền trả nợ và giữ lại được chiếc xe làm phương tiện đi lại”.
TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp trở lại, mỗi ngày cũng có vài người ghé chụp ảnh ủng hộ, ông cũng có đồng ra đồng vào và ít tiền mua thuốc. Với cái tuổi gần đất xa trời, lắm lúc những cơn đau khớp hành hạ, ông không đi nổi, đậu chiếc xe sát bờ tường rồi ngồi trơ trọi ở gốc cây trước Bưu điện Thành phố chờ đợi.
Khi được hỏi sao ông lại chọn khu vực Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà để mưu sinh? Ông Diên chia sẻ trong xúc động: “Đây là địa điểm đẹp, có nhà thờ để tôi cầu nguyện mỗi buổi sớm mai. Tôi cầu mong sao mình có sức khỏe tốt vì không ai chăm lo, lỡ ốm đau, bệnh tật sẽ rất khó khăn. Còn nếu như hết duyên với cuộc sống, xin tạo hóa hãy mang tôi đi sau một giấc ngủ dài, yên bình”.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Người “giữ lửa" cho dệt thổ cẩm Glar
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- 117 gia đình sẽ được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 85 năm
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Mời tham gia cuộc thi ảnh “Cao su là một cộng đồng” của IRSG
- Ngủ ngon
- Khai mạc Hội diễn Khu vực III
- Giới trẻ quá lố trên mạng xã hội
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- Cao su Lai Châu II đạt giải nhất Hội diễn Khu vực I