(tiếp theo kỳ trước)
Trách nhiệm bị làm chệch hướng
Vào cuối những năm 1920, điều kiện làm việc tồi tệ ở các đồn điền cao su đã trở thành vấn đề làm bối rối các quan chức thuộc địa khi những cuộc biểu tình của công nhân diễn ra liên tục và sự vạch trần của báo chí đã lôi cuốn sự chú ý của dư luận.
Chính sách bảo vệ lao động chỉ là hình thức
Mặc dù các đồn điền có ghi nhận việc đưa phụ công đến những trạm xá của địa phương, thậm chí là tới những bệnh viện ở Biên Hòa hay Sài Gòn, nhưng phương sách đầu tiên vẫn là đưa tới trạm xá ở đồn điền. Đến cuối những năm 1920, các đồn điền bắt đầu cùng góp nguồn lực và xây dựng một vài trung tâm chăm sóc sức khỏe tập trung. Mặc dù không phải là những bệnh viện kiểu mẫu như của công ty Michelin vào cuối thập niên 1930, nhưng các trung tâm y tế này (như trung tâm của đồn điền Suzannah) tiếp nhận cả công nhân từ các đồn điền xung quanh. Thay vì chữa trị, những nơi này, và các y tá điều hành chúng trong những năm 1920, thường gây thêm vấn đề.
Năm 1928, Bùi Bằng Đoàn, một vị quan ở miền Bắc có sự quan tâm đặc biệt đến số phận của những người miền Bắc làm việc ở miền Nam, đã ghi nhận hai lời than oán về sự tàn bạo của y tá ở đồn điền Cây Gáo thuộc Công ty Kỹ nghệ và Lâm nghiệp Biên Hòa, với bốn dấu roi mây vẫn còn nhìn thấy rõ trên thân thể của nạn nhân. Thậm chí, cho đến đầu những năm 1950, gánh nặng từ thử thách của bệnh tật vẫn hiện hữu ở người lao động và trên cơ thể của họ. Các bác sĩ không hỏi công nhân xem họ bị ốm hay khỏe mạnh mà chỉ kiểm tra nhiệt độ, sờ vào đầu rồi kết luận “có” hay “không” bị bệnh, bất kể người lao động cảm thấy thế nào. Việc điều trị thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn ngay sau Thế chiến lần thứ II khi không có bác sĩ ở các đồn điền. Trong suốt thời gian đó, những viên quản lý đồn điền thường chỉ nhìn công nhân để xác định thể trạng của họ trong ngày. Rất hiếm khi họ thấy rằng các phu công quá ốm yếu để có thể làm việc.
Mặc dù phụ nữ người Việt nhận được một số sự bảo vệ, song họ cũng phải đối mặt với những vấn đề. Chẳng hạn, phụ nữ được đề nghị nghỉ hai tháng có trả lương sau khi sinh con – nhiều hơn so với mức mà phụ nữ ở Pháp được hưởng theo quy định của pháp luật. Công việc mà họ được giao cũng thường nhẹ hơn. Nhưng cũng có nhiều điểm bất lợi, chẳng hạn như họ được nhận ít lương thực hơn, bị trả lương thấp hơn và ít nhận được sự bảo vệ về mặt thân thể từ những người đàn ông xung quanh. Mặc dù các đồn điền được đề nghị tuyển dụng 30% công nhân là nữ, nhưng thực tế nam giới hầu như chiếm đa số. Ví dụ, ở đồn điền Cây Gáo của công ty Kỹ nghệ và Lâm nghiệp Biên Hòa, số nhân công được ký hợp đồng bao gồm 866 nam, 86 nữ và 8 trẻ em, cùng với 20 phu công “tự do” đến từ Trung Kỳ.
Về phía mình, công nhân cũng cố gắng giảm nhẹ những tác động từ hoàn cảnh ở đồn điền. Trong thập niên 1910, các cuộc biểu tình của công nhân ở đồn điền liên quan đến những vấn đề như không được trả lương diễn ra dưới những hình thức cũ: các phu công ký tên bằng chữ Hán trong một vòng tròn. Vào thập niên 1920, lao động người Việt đã học cách sử dụng những nguồn do y học cung cấp để đòi quyền lợi dưới chế độ thuộc địa. Những nguồn này bao gồm các báo cáo y tế, trong đó, một số bác sĩ làm việc cho chính quyền nhận thức rằng việc thành lập các đồn điền đã làm lây lan rộng những đợt dịch bệnh sốt rét. Hơn nữa, một cựu quản lý nói rằng các phu công đã đốt nóng những viên đá và áp lên cơ thể họ để tạo ra cảm tưởng về một cơn sốt. Cách làm này có thể đem lại hiệu quả khi các bác sĩ thường xuyên bị thiếu thời gian khi kiểm tra vào lúc điểm danh. Người lao động cũng dùng thuốc của người Việt, hay còn gọi là thuốc nam, và hái nấm trong rừng.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Mùa săn sâu muồng ở cực Bắc Tây Nguyên
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- Được gặp Bác - Kỷ niệm đáng nhớ
- Vườn cao su Lô 9: Minh chứng sống qua hàng thế kỷ
- Độc đáo Bãi Đá Triệu Năm Vừa Phát Hiện Ở Gia Lai
- Hội diễn phải là sân chơi của công nhân cao su
- Nhớ mùa báo Tết Nhâm Tuất
- Buồn vui đời nhạc công không chuyên
- Khi nhịp đập trái tim chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc
- Độc đáo lễ hội trái cây "trên bến dưới thuyền"