CSVN – Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn gắn với “thần tích” Tước Điểm Đại Vương. Tương truyền có một số người dân đi qua đền thờ vị tôn thần thì gặp 2 con trâu húc nhau rồi chạy xuống biển, từ đó dân địa phương mở hội chọi trâu đúng vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm, vào thời điểm này là mùa mưa bão của Bắc Bộ nên người dân coi đây là thời điểm Thủy thần Đồ Sơn hiển linh.
Cũng có “huyền tích” khá ly kỳ gắn với chuyện một cô thôn nữ xinh đẹp tên Đế, được gả cho vua Thủy tề, bãi biển nơi Thủy tề đón nàng về cung từ đó có rất nhiều tôm cá, nên dân chài tổ chức chọi trâu chọn con thắng làm lễ vật hiến tế Thủy thần. Làng nào có trâu thắng cuộc được độc chiếm khai thác bãi cá cho đến mùa chọi trâu sang năm.
Còn có sự tích rằng cô gái nghèo tên Đế lỡ có thai với Thủy tề nên bị dân làng phạt vạ, quan địa phương “xử” đem nàng ra biển dìm đến chết, cô gái chết trong oan ức và đớn đau tột cùng. Nàng hiển linh với bão giông dữ dội, nên dân làng lập đền thờ Bà Đế, từ đó bãi biển sóng yên biển lặng, lắm lộc trời, bà con tổ chức chọi trâu tuyển trâu thắng mang ra biển cúng Bà. Cũng có chuyện không kém ly kỳ do ngày xưa làng chài Đồ Sơn đi biển hay bị cá kình tấn công vừa không đánh bắt được sản vật vừa bị cá kình ăn thịt mất người.
Dân làng lập đàn cầu thần linh phù hộ và hứa sẽ mổ trâu, lợn cúng tế thần linh. Sau hai tháng vào 1 đêm mưa gió sấm chớp rầm trời, sáng ra thấy xác cá kình chết, từ đó dân làng không bị cá kình quấy phá nữa nên họ mang trâu đến lễ thần ở đền Nghè, khi lễ xong hai con trâu đứt dây mũi chọi nhau quyết liệt, mọi người cho rằng thần linh thích xem trâu chọi nên hàng năm tổ chức hội chọi trâu, coi đó là ngày đại sự truyền thống của dân vạn chài Đồ Sơn…
Có thể thấy đây là một loại lễ hội khá đặc sắc của cư dân miền biển, nó giao thoa giữa nông nghiệp và ngư nghiệp thờ cúng thủy thần. Sau lễ chọi trâu là hiến sinh trâu với mong muốn mưa thuận gió hòa để dễ mưu sinh ra biển. Lễ hội vừa tưởng nhớ công ơn các vị thần linh, duy trì kỷ cương làng xã cùng ý thức đoàn kết cộng đồng, vì vậy trâu thắng thường được làng dâng thần linh đầu – đuôi – 4 chân, còn thịt được bán hoặc chia cho mọi người ăn để lấy sự may mắn mạnh khỏe suốt năm. Vì vậy mà năm 2000 lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước công nhận là 1 trong 15 lễ hội lớn đặc sắc của cả nước.
Từ đây, Đồ Sơn – Hải Phòng trở thành trung tâm chọi trâu mang tầm cỡ cả nước, nhìn khán đài hàng chục ngàn người xem hội đổ về từ khắp các tỉnh thành cả nước, nhiều công ty du lịch mở riêng tour này từ 2-3 ngày, cũng từ đó “kích cầu” khá ngoạn mục. Đặc biệt người dân tìm mua thịt trâu thắng khá đắt, có khi lên tới vài triệu đồng/kg mà vẫn cố tìm mua để ăn lấy may mắn. Rất nhiều bài thuốc khuyên dùng thịt trâu phòng trị không ít loại bệnh hiệu quả.
Cũng vì thế nhiều địa phương cũng tổ chức lễ hội chọi trâu, sau này Bộ văn hóa quy định chỉ có Đồ Sơn – Hải Phòng mới được tổ chức lễ hội này. Từ ngàn đời nay lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã thành một biểu tượng văn hóa lễ hội đặc sắc, không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là bề dày truyền thống văn hóa nông nghiệp ven biển của người Việt, nên dù có qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử thì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn trường tồn:
“Dù ai đi đâu, về đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”.
MINH ANH
Related posts:
- "Kết nối tin yêu - Vẹn tròn hạnh phúc"
- Ném pao - trò chơi độc đáo của người Mông Tây Bắc
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Lời tự sự của cây cao su già ở Dầu Giây
- Tự hào mùa thu độc lập
- Tưng bừng khai mạc hội diễn khu vực II
- Đi để trưởng thành
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Độc đáo cồng chiêng nữ
- Hình ảnh con trâu trong ca dao, tục ngữ