Ném pao – trò chơi độc đáo của người Mông Tây Bắc

CSVN – Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi/ Nào em có tình, nào anh có tình/ Đừng để pao rơi xuống đất…”.

Ném pao ngày Tết

Ném pao là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và ở Sơn La nói riêng. Ném pao thường được tổ chức trong ngày Tết, ngày lễ, các lễ hội truyền thống, những dịp vui của bản. Quả pao được xem là sự gửi gắm ước vọng hạnh phúc của tình yêu đôi lứa.

Đến bản vùng cao của Sơn La những ngày giáp Tết, dưới những tán đào đang bung nở sắc hồng phai, không khí Tết tràn ngập trong mỗi nếp nhà. Những phụ nữ đang mải miết khâu những đường chỉ cuối cùng cho bộ váy mới. Và ai cũng không quên chuẩn bị cho mình quả pao nhiều màu sắc. Để làm quả pao (lu po), chị em thường khâu nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh, bởi theo quan niệm của người Mông, hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Khi khâu vải phải cuộn thật chặt, sau đó lấy miếng vải to khác khâu bọc lại, khâu bọc bên ngoài 2-3 lần, khi nào thấy căng tròn mới được. Quả pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản, nhỏ và thường có màu đen.

Người đàn ông dân tộc Mông “đi tìm vợ”, tiêu chuẩn đầu tiên của họ là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, cầm quả pao không cứng hoặc mềm quá. Một người phụ nữ Mông đảm đang thì phải biết làm quả pao tốt.

Trong những ngày Tết, ném pao thường diễn ra ở những bãi đất trống. Người chơi chia làm hai bên nam – nữ, đứng đối diện nhau. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Cứ thế, quả pao bay qua bay lại, mang theo cả ánh mắt, nụ cười mà đôi trai gái gửi trao nhau. Nếu người con trai mến một cô gái thì giữ quả pao lấy cớ cầm đến nhà, hay tìm gặp cô gái để bày tỏ tình cảm.

Trò chơi ném pao đơn giản, nhưng với nét độc đáo riêng có, tính kết nối cộng đồng cao và có giá trị tinh thần lớn trong đời sống xã hội, ném pao đã và đang được đồng bào dân tộc Mông lưu giữ, bảo tồn.

NGỌC THUẤN