Độc đáo cồng chiêng nữ

CSVN – Bên ánh lửa bập bùng những bước đi uyển chuyển, mềm mại, vừa đánh vừa nhún đôi chân trần, đánh chiêng như múa, duyên dáng và quyến rũ. Cùng với tình yêu, ý thức và trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc, chị em phụ nữ đã chung tay, góp sức gìn giữ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Đội chiêng nữ của đồng bào dân tộc Bahnar

Một ngày cuối thu của năm 2021 có dịp về xã Tơ Tung quê hương của Anh hùng Núp (tỉnh Gia Lai), chúng tôi được chị Đinh Thị Tao – Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng chiêng nữ của xã đưa đến ngôi nhà rông truyền thống của người Bahnar, nơi đây đang có các chị em trong CLB luyện tập. Nhìn các chị biểu diễn, chúng tôi ấn tượng mạnh bởi lối chơi chiêng mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, duyên dáng.

Nhớ về những ngày đầu thành lập, chị Đinh Thị Tao – Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng chiêng nữ chia sẻ: “Theo tập tục của người Bahnar, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng chúng tôi đã nỗ lực thuyết phục già làng với mong muốn mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy di sản văn hóa của người Bahnar. Khi được già làng đồng ý, đội chiêng nữ đã ra đời với đông đảo chị em gồm nhiều độ tuổi”.

“Mỗi tối, cứ đúng 19 giờ, chúng tôi lại có mặt ở nhà rông để tập luyện. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của những người đánh chiêng điệu nghệ như Đinh Jram, Đinh Yep, Đinh Plih,… mà chị em đã thuần thục hết các bài chiêng truyền thống. Đội chiêng nữ cũng chăm chỉ luyện tập nên thường xuyên được mời đi lưu diễn ở các sự kiện, giao lưu văn hóa cồng chiêng trong tỉnh” – chị Tao cho biết thêm.

Tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, đã thành lập 25 câu lạc bộ cồng chiêng nữ với 1.220 thành viên. Trong đó, nổi bật nhất là Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro. Chị Đinh Thị Bay – thành viên trong câu lạc bộ cho hay: “Để làm quen với cồng chiêng, mình dành thời gian luyện tập trong 3 tuần, từ bài chiêng có giai điệu dễ đến bài khó. Nhờ chăm chỉ luyện tập và đam mê mà mình đã đánh thành thạo các bài chiêng như: mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, mừng đám cưới …”.

Không chỉ ở phụ nữ dân tộc Bahnar, phụ nữ dân tộc Jrai ở huyện Chư Păh cũng đam mê biểu diễn cồng chiêng. Dù mới thành lập được hơn 2 năm nhưng đội chiêng nữ làng Ia Gri xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh đã chơi thuần thục nhiều bài chiêng.

ĐỨC THÀNH