CSVN – Nếu như tại Hội thi Bàn tay vàng (BTV) năm 2016, 2018, vợ chồng anh Huỳnh Công Tráng và chị Phạm Thị Đủ – Cao su Phú Thịnh “thay nhau” đi thi thì tại Hội thi BTV cấp ngành năm nay, hai anh chị đã có cơ hội đồng hành tại một sân chơi lớn.
Theo vợ “về dinh”
“Ê, Cao su Phú Thịnh đang tuyển công nhân khai thác mủ, bạn có muốn vô làm không?”. Đó là lời của một người bạn thân ghé qua hỏi thăm khi anh Huỳnh Công Tráng đang là chủ của một tiệm sửa xe máy nhỏ ở Bù Đăng. Mất một thời gian suy nghĩ anh mới quyết định xin vào làm công nhân Nông trường Cao su Thống Nhất, Cao su Phú Thịnh. Để toàn tâm toàn ý cho công việc mới, anh nhượng lại tiệm sửa xe cho một người quen vì “đã chọn công việc mới là phải cố gắng làm cho tốt hơn”.
Dù cạo mủ cao su là một việc hoàn toàn mới mẻ nhưng chỉ trong thời gian học một tháng ngắn ngủi, anh chủ động rèn luyện thêm tay nghề để làm việc đúng quy trình kỹ thuật trên vườn cây. Vì vậy, tuy là một “tay dao” mới nhưng trình độ tay nghề của anh không hề thua kém người làm nghề lâu năm. Vào làm đầu năm 2016 thì tháng 12 năm đó anh đã nhanh chóng có được “một vé” dự Hội thi BTV cấp ngành và xuất sắc đạt 99 điểm.
Bén duyên với cao su được hai năm thì anh cũng “đỏ” duyên khi lấy được vợ cùng đơn vị, đó là chị Phạm Thị Đủ – Nông trường Đăk Ơ. Hai nông trường cách xa nhau đến 70km, anh chọn về ở gần vợ để “giành” lấy phần đi làm xa cho mình.
Sau đó để vợ chồng được gần nhau, thuận tiện trong công việc, anh xin chuyển hẳn về làm công nhân khai thác ở Nông trường Đăk Ơ.
Cạnh tranh với người nhà để “có vé” dự thi cấp ngành
Năm 2016 anh dự thi Hội thi BTV đạt danh hiệu Kiện tướng, năm 2018 chị dự thi đạt giải ba. Tại hội thi cấp công ty năm nay, cả hai vợ chồng đều là đại diện tiêu biểu của Nông trường Đăk Ơ. Anh chị là một đối thủ “đáng gờm” của các thí sinh khi anh vẫn giữ vững phong độ và “ẵm” luôn giải nhất, còn chị đạt giải ba.
Thành tích đó giúp hai vợ chồng anh chị có mặt trong đội tuyển tập luyện tham gia hội thi cấp ngành. Trước khi trải qua các đợt sát hạch để chọn danh sách cuối cùng, chị quyết tâm: “Dù đã có dịp đi thi cấp ngành năm 2018 nhưng tôi rất muốn đi thi ở trường thi lớn này thêm lần nữa, lần này có thêm ông xã trong đội tuyển nên tôi cũng phải cạnh tranh với chính ông xã mình để có tên chính thức trong danh sách đoàn đại diện công ty đi thi”.
Hội thi cấp ngành được diễn ra vào thời điểm cuối năm, tất cả mọi người đều dồn sức tập trung vào thi đua vượt sản lượng. Đều đặn mỗi ngày, anh chị cùng nhau đi làm, hết giờ cạo hai vợ chồng lại đèo nhau đi luyện thi cùng với đồng đội. Ngoài thời gian tập thực hành trên vườn cây, anh chị hỗ trợ nhau dò bài lý thuyết.
Đến khi công ty cho tập luyện tại Phú Riềng 10 ngày theo chế độ tập trung, anh chị tiếp tục lên đường “ra phố” để tiến thêm một bước nữa đến với hội thi.
Anh chia sẻ: “Tham gia hội thi năm nay tôi cảm thấy rất thoải mái, tự tin hơn. Đặc biệt là hai vợ chồng cùng chung đội, nên cảm xúc rất đặc biệt, kỷ niệm này rất đáng nhớ”.
Kết thúc hội thi, anh đạt danh hiệu Bàn tay vàng, chị chưa gặp may mắn khi “không rinh” được giải về, nhưng với chị “ông xã có thành tích cao hơn lần thi trước, hai vợ chồng có cơ hội cùng nhau tham gia ngày hội lớn là hạnh phúc rồi”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Cảm ơn những ân tình dành cho nghề báo
- Truyền thống gia đình là động lực phấn đấu
- Cao su Dầu Tiếng phấn đấu khai thác hơn 27.200 tấn mủ
- "Trái ngọt" có được từ sự cần cù trong lao động
- Xuất khẩu cao su vượt 1 tỷ USD sau 5 tháng
- Công đoàn Cao su VN thăm và tặng quà các đơn vị Campuchia, Lào
- Tiếp tục quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ
- “Sáng kiến dù nhỏ nhưng đó là sự đóng góp đáng trân trọng”
- Đội ngũ công nhân cao su ra đời
- Niềm tự hào của Kpa Toal