Không ngủ quên trên truyền thống

CSVN – Ngành cao su có một lịch sử vẻ vang với bề dày lịch sử. Tuy nhiên phải biến truyền thống hào hùng thành động lực vượt khó, ra sức lao động sản xuất, thi đua xây dựng ngành vững mạnh. Đó là chia sẻ của CBCNV-LĐ trong ngành nhân dịp kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành.
Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu

Ông Trương Văn Tươi (Tư Cao) – Nguyên TGĐ Tổng Công ty Cao su VN: “Trải qua nhiều thăng trầm, biến động, người CN vẫn miệt mài bám đất bám vườn, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia vì nghĩa tình gắn bó keo sơn với cây cao su. Khó khăn rồi sẽ qua, thế hệ hôm nay – những người viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành cao su phải đoàn kết, sáng tạo xây dựng VRG phát triển bền vững!”.

Bà Đặng Thị Ngọc Lan – Nguyên Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG: “Thế hệ ông cha ta đã đổ biết bao máu và nước mắt để xây dựng ngành cao su Việt Nam vẻ vang. Thế hệ trẻ phải chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống vàng son ấy. Mỗi người phải tâm huyết với nghề, tất cả vì người lao động, vì sự phát triển bền vững của ngành cao su. Đặc biệt, VRG phải xây dựng được nét văn hóa riêng cho ngành để mỗi người làm việc trong ngành cao su tự hào về ngành và về sự đóng góp của mình trong ngành”.

Bà Nguyễn Thị Tý – Nguyên CN NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh: “Tôi thấy ít có ngành nào có bề dày truyền thống, có tính liên tục và kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác như ngành cao su. Cá nhân tôi nhận thấy, lớp trẻ ngày nay hầu như ít quan tâm đến vấn đề truyền thống, có lẽ do cuộc sống đã phát triển hơn, họ có nhiều điều phải quan tâm. Để trang bị và nâng cao nhận thức về truyền thống cho thế hệ trẻ, các cấp ngành cần quan tâm hơn nữa trong công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thi ở cấp tổ, đội tìm hiểu về lịch sử ngành để CN tìm hiểu. Tuyên truyền liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì sẽ hiệu quả. Khi lớp trẻ hiểu về truyền thống, về lịch sử ngành thì sẽ tạo cho họ động lực để phấn đấu rèn luyện, cống hiến nhiều hơn cho ngành của chúng ta”.

Nguyễn Thị Phi Yến – Sinh năm 1984, Tổ trưởng sản xuất Tổ 1, Bí thư Chi đoàn Đội C2, NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh: “Là thế hệ trẻ, vào làm CN cao su được vài năm nay tôi thấy ngành cao su đang gặp khó khăn nhưng tôi tin rồi sẽ vượt qua được. Cái khó khăn nhất hiện nay không phải là vấn đề tiền lương mà là lòng tin của CN để tiếp tục gắn bó với nghề. Thiết nghĩ, với chiều dài lịch sử, bề dày truyền thống 87 năm là nền tảng vững chắc để giúp VRG sớm vượt qua những khó khăn hiện nay để tiếp tục phát triển ổn định và bền vững”.

Ông Hồ Sơn Đài – Đại tá, Phó GS-TS, nguyên Trưởng phòng khoa học quân sự Quân khu 7: “Ngành cao su là ngành có truyền thống vẻ vang nhưng chúng ta không nên ngủ quên trên truyền thống mà phải tìm mọi cách thức để biến những giá trị ấy thành sức mạnh tổng hợp nhằm phát huy nội lực của ngành, tìm lối đi đột phá đưa ngành vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đổi mới cách thức giáo dục và hình thức tổ chức sinh hoạt truyền thống, tránh lối áp đặt, để CN cao su đều hiểu được về những giá trị truyền thống của ngành, để lịch sử ngành cao su thấm đẫm trong tế bào của từng người, từ đó giữ vững bản lĩnh chính trị và vững tin vào sự phát triển của ngành. Tôi tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống, với những điều kiện thuận lợi sẵn có, ngành cao su sẽ vững bước trong tiến trình phát triển kinh tế công nghiệp cao su Việt Nam”.

Chị Phạm Thị Hương – CN Nông trường Tân Thành, Công ty CPCS Đồng Phú: “Hơn 10 năm làm CN cao su tôi càng thêm tin yêu nghề này và muốn gắn bó suốt đời. Nông trường chúng tôi là di tích thành lập Chi bộ Phú Riềng đỏ năm 1929. Năm nào cũng vậy, đến ngày 28/10, lãnh đạo công ty và CN chúng tôi đều đến tượng đài để dâng hương. Với những người CN như chúng tôi thì nghề làm CN cao su đã giúp chúng tôi có một đời sống ổn định hơn, nuôi các con học hành. Vì vậy, dù ngành đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không đi tìm việc khác mà vẫn ở lại để đồng hành với đơn vị và cố gắng làm việc thật tốt để góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, tăng thêm thu nhập cho mình”.

Ngọc Cẩm – Anh Thư – Quỳnh Mai (ghi)