CSVN – Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, Viện Nghiên cứu Cao su VN đã đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật. Nhiều tâm huyết và nổi bật trong hoạt động này là Tiến sĩ Trần Thanh – Trưởng Phòng Nghiên cứu Di truyền – Giống.
Tâm huyết với cây cao su
Nhắc đến Tiến sĩ Trần Thanh, người lao động VRG vốn quen thuộc với hình ảnh của một tiến sĩ trẻ, giỏi, nhiệt huyết, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực công tác và thường xuyên xuất hiện ở các Hội nghị cao su quốc tế với vai trò là một nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu CSVN. Mọi người yêu quý gọi Trần Thanh với biệt danh “Tiến sĩ mê cao su giống”.
Vào công tác tại Viện đầu năm 2002, suốt 18 năm công tác trong ngành cao su, anh luôn tâm niệm rằng mình phải làm việc tròn trách nhiệm, luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình trong học tập và trong công tác nghiên cứu. Hai năm sau khi về Viện làm việc, anh được lãnh đạo Viện tin tưởng giao chủ nhiệm đề tài cấp Viện là “Nghiên cứu ứng dụng một số chất điều hòa sinh trưởng kích thích phát triển rễ và chồi stump cao su”, kế đến là đề tài “Nghiên cứu đa dạng di truyền quỹ gen cây cao su bằng kỹ thuật RAPD – PCR”.
Sau thành công của hai đề tài này, Trần Thanh được cử đi học thạc sĩ tại Malaysia vào tháng 7/2007. Mới một năm học tập, Đại học Putra Malaysia đã đề nghị anh chuyển thẳng lên học tiến sĩ. Tháng 8/2011, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học và trở về nước.
Trong quá trình công tác, anh là chủ nhiệm hoặc tham gia nhiều đề tài cấp Bộ NN& PTNT về Nghiên cứu nhân giống vô tính cây cao su bằng phương pháp nuôi cấy mô; Lưu giữ nguồn gen cây cao su; Nghiên cứu chọn tạo giống cao su có năng suất 3 – 3,5 tấn/ ha/năm; Nghiên cứu chọn giống cao su thích hợp cho các tỉnh Trung bộ và miền núi phía Bắc… Đặc biệt, Trần Thanh là đồng tác giả của hai giống cao su RRIV 209 và RRIV 230 được Bộ công nhận năm 2017.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015 – 2019, anh chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài các cấp đem lại hiệu quả cao, cụ thể như: Nghiên cứu tạo tuyển giống cao su năng suất mủ – gỗ cao thích hợp cho các vùng trồng chính tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021; Bảo tồn nguồn gen cây cao su giai đoạn 2016 – 2020; Xây dựng mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ và khảo nghiệm quy mô lớn các giống cao su thích hợp tại Cao su Dầu Tiếng năm 2019 – 2020; Khảo nghiệm các dòng vô tính cao su mới và ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả vườn cây kinh doanh tại Cao su Đồng Phú giai đoạn 2018 – 2020; Hoàn thiện quy trình sản xuất bầu luyện rễ (root trainer) năm 2019; Nghiên cứu chức năng của một số gene “terpene synthase” biểu hiện mạnh ở vỏ thân cây cao su năm 2019 – 2020…
Nổi bật là nghiên cứu thành công phương pháp “Chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ bằng chỉ thị màu”, phương pháp này đã được đăng ký giải pháp hữu ích năm 2016 và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KHCN chấp thuận năm 2019. Đây là phương pháp hoàn toàn mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới với độ tin cậy cao và có thể ứng dụng cho việc chẩn đoán nhanh hàm lượng đường sucrose trong mủ ngay tại vườn cây cao su, hỗ trợ thiết thực cho công tác tuyển chọn giống và chẩn nghiệm khả năng đáp ứng kích thích mủ của vườn cây cao su thông qua hàm lượng đường sucrose trong mủ.
Góp phần xây dựng hình ảnh cao su Việt Nam trên thế giới
Không chỉ tích cực, chủ động, say mê và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, luôn đoàn kết, gần gũi giúp đỡ đồng nghiệp, Trần Thanh còn góp phần xây dựng hình đẹp của ngành cao su VN với nhiều đồng nghiệp trên thế giới. Nhiều năm qua, anh phụ trách công tác trao đổi giống cao su quốc tế với các quốc gia thành viên Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB). Đồng thời là cán bộ liên lạc của nhóm Chuyên gia giống cao su của IRRDB. Lãnh đạo IRRDB đã tin và giao Trần Thanh chủ trì và biên soạn “Sổ tay nhận dạng giống cao su cho 49 dòng vô tính cao su thuộc chương trình trao đổi giống cao su quốc tế của IRRDB”. Sổ tay được IRRDB và các quốc gia thành viên đánh giá rất cao và cho phép lưu hành trong nội bộ các thành viên IRRDB từ năm 2019.
Bên cạnh đó, từ năm 2015 – 2019, Trần Thanh là tác giả chính của 1 chương sách chuyên khảo quốc tế; tác giả chính của 8 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế; tác giả chính và đồng tác giả của 16 bài báo khoa học trình bày tại các Hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành. Trong nước, anh là đồng tác giả của 3 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành; tác giả chính và đồng tác giả của 4 bài báo khoa học trình bày tại các Hội nghị khoa học. Anh còn tham gia ban biên tập của một số tạp chí khoa học quốc tế, như: American Journal of Agricultural Science, International Journal of Agricultural Sciences, Microbial Cell Factories và SpringerPlus với vai trò là phản biện cho các bài báo khoa học được xem xét đăng tải.
Ngoài ra, anh còn tham gia Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ, luận văn đại học và hướng dẫn chính cho nhiều sinh viên đại học, sau đại học thực hiện luận văn tốt nghiệp của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, ĐH Tây Nguyên, ĐH Mở TP.HCM và Đại học Nông lâm Huế.
Th.s Phan Thành Dũng – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu CSVN, nhận xét: “Anh Trần Thanh là một tiến sĩ trẻ tài năng, nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trên cương vị UV BCH Đảng bộ, Trưởng Phòng Nghiên cứu Di truyền – Giống, anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong cuộc sống, Trần Thanh luôn hòa nhã, giúp đỡ đồng nghiệp. Xứng đáng là tấm gương cho CB.CNV học tập và noi theo”.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Tiến sĩ Trần Thanh cho biết: “Tại đơn vị, tôi và các đồng nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo trong công tác chuyên môn. Đặc biệt là ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật sinh học hiện đại trong công tác tạo tuyển giống cao su để có thể tạo tuyển được những giống cao su mới, tiềm năng năng suất “mủ – gỗ”, “gỗ – mủ” cao và ổn định, chống chịu được một số bệnh hại chính, thích hợp với chế độ cạo nhịp độ thấp, thích ứng với từng vùng/tiểu vùng trồng cao su khác nhau cũng như phù hợp với các mục tiêu cụ thể của VRG nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và diễn biến khó lường như hiện nay, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất, gia tăng lợi thế cạnh tranh của cây cao su với các loại cây trồng khác, qua đó đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững Tập đoàn nói chung và Viện nói riêng”.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Cao su Tân Biên: 36% diện tích đất cao su sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng
- Công tác phối hợp giữa VRG và địa phương ngày càng tốt hơn
- Sản phẩm công nghiệp cao su: Đóng góp đáng kể vào sự phát triển của VRG
- Tận tụy, sáng tạo trong lao động sản xuất
- Nghĩa vụ và trách nhiệm
- VRG đẩy mạnh sản xuất mủ Mixture
- Người cán bộ Đoàn trẻ, tài năng
- "Bữa cơm Công đoàn": Ấm áp nghĩa tình, thắm tình đoàn kết
- Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG
- Hội Doanh nhân trẻ VRG tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số và xu hướng nhân sự