CSVN – Chị Lương Thị Dung – công nhân khai thác Đội 2, NT Nhà Nai, Công ty CP Cao su Phước Hòa là gương điển hình tiên tiến có nhiều sáng kiến trong việc khai thác mủ, góp phần nâng cao sản lượng, hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Trưởng thành từ cán bộ chi đoàn, chị Dung là một trong những công nhân tiêu biểu, đi đầu trong hoạt động sản xuất.
Sản lượng mủ trên 13 tấn/năm
Chị Dung sinh năm 1987, có thâm niên cạo mủ hơn 15 năm và luôn hoàn thành sản lượng được giao. Từ năm 2015 đến nay, tổng sản lượng mủ cao su bình quân của chị luôn đạt trên 13 tấn mủ/năm, mức sản lượng cao gần gấp rưỡi những công nhân (CN) khác. Để có được những thành quả đó, chị Dung cười vui tâm sự: “Thực ra không có bí quyết gì cả, chỉ là sự chăm chỉ, cần cù lao động thôi. Tôi áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào vườn cây khai thác của mình để tiết kiệm thời gian và thuận lợi cho quá trình khai thác”.
Trước mỗi mùa cạo, chị dành nhiều thời gian để gia cố phần cây, làm máng che mưa và mái che chén mủ. Ngoài việc phải chăm sóc, bón phân định kỳ cho cây, để có được sản lượng cao, chị luôn nâng cao tay nghề, cạo đúng kỹ thuật, vuông tiền, vuông hậu, bảo đảm độ sâu của rãnh cạo. Quá trình chờ trút mủ, chị luôn túc trực ngoài lô, vừa phòng khi trời mưa kịp thời trút mủ, đảm bảo sản lượng mủ không bị thất thoát.
Nhận xét về chị Dung, ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch Công đoàn NT Nhà Nai, cho biết: “Chị Dung là CN chăm chỉ, chịu khó, nhiệt tình với mọi hoạt động của nông trường. Chị còn là CN có nhiều sáng kiến trong việc khai thác triệt để mủ cao su, nhận cạo vườn cây cao su do thiếu lao động hoặc do CN nghỉ ốm. Mặt khác, chị đề xuất lãnh đạo nông trường, xin nhận khai thác mủ trên vườn cây cạo hủy đang chờ cưa, cắt thanh lý; vận động gia đình, người thân và CN tham gia cạo mủ cao su để góp phần nâng cao tỷ lệ sản lượng mủ tận thu gối đầu cho nông trường”.
Tin rằng mình chọn đúng nghề
Học xong cấp 2, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Dung đành “xếp bút nghiên”, xin vào làm CN cạo mủ cao su của NT Nhà Nai. 15 năm gắn bó nghề với biết bao gian truân vất vả, nhưng chị thấy yêu và “say” nghề đã chọn. Ngày nào có CN nghỉ cạo hoặc phần cây không có người cạo, ngoài phần cây của mình, chị xung phong nhận cạo hết phần cây đó để kiếm thêm thu nhập. Tức là ngày đó chị phải cạo hết khoảng 700 – 800 cây, cả hai miệng cạo ngửa và miệng cạo úp.
Chia sẻ về nỗi vất vả của công nhân cao su, chị Dung bộc bạch: “Mỗi ngày, tôi được phân công cạo 400 cây cạo chế độ T-H để lấy mủ. Bước vào mùa mưa, muỗi rừng bủa vây, rồi có những ngày gặp rắn, rết… nguy hiểm. Khổ hơn là lúc có con nhỏ, dậy đi làm sớm, con đói sữa tìm mẹ mới thấy thương con nhiều. Nhưng vì công việc, trách nhiệm nên không quản ngại gian khó, sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Vất vả cũng đã qua đi, giờ công việc đã quen thuộc rồi. Công ty tạo mọi điều kiện, quan tâm, chăm lo đời sống cho CN tốt, tôi thấy yên lòng và càng yêu nghề hơn”.
Chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của ngành cao su, có thời điểm giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được tính bằng gạo, nhiều công nhân chuyển qua công việc khác; nhưng nhìn vườn cây cao su xanh ngút ngàn, bên cạnh đó là sự động viên của lãnh đạo nông trường, cả những khoản tiền thưởng xứng đáng, chị Dung tin rằng mình đã chọn đúng nghề.
TUỆ LINH
Related posts:
- "Sản lượng vượt năm nay sẽ cao hơn năm 2020"
- Một người luôn sống vì đời vì người
- Tận tâm, góp sức cùng đơn vị phát triển
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Cần giải pháp nâng cao hơn thu nhập người lao động
- Khó khăn khắc phục mình ơi!
- Sống nhờ nghề thì phải trân trọng nghề
- Khát khao vươn tới cuộc sống tươi đẹp
- Gương sáng trong phong trào "cải tiến - tiết kiệm"
- "Thế hệ trẻ sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang"