“Bàn tay vàng” Cao su Phú Riềng: Soạn giáo án riêng cho từng thí sinh

CSVN  – Tiếp nối thành tích Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su lần trước, năm nay Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng tiếp tục giành giải nhất đồng đội, với số điểm 494. Trong số 8 “bàn tay vàng” tại hội thi, Cao su Phú Riềng có 3 người.
Lãnh đạo, Ban huấn luyện và đội thợ giỏi Cao su Phú Riềng tại Hội thi.
Lãnh đạo, Ban huấn luyện và đội thợ giỏi Cao su Phú Riềng tại Hội thi.

Ở Hội thi năm 2012 và năm 2014, Cao su Phú Riềng đã giành giải nhì đồng đội. Năm 2016, công ty xuất sắc giành giải nhất đồng đội với số điểm tuyệt đối (500 điểm). Năm 2018, công ty tiếp tục giành giải nhất tập thể và giải nhất cá nhân, làm dày thêm bảng thành tích “Bàn tay vàng” qua các hội thi.

Ông Đỗ Hữu Trí – cán bộ Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp công ty, phụ trách đội thi, chia sẻ: “Ban huấn luyện đội thi gồm có 7 người, trong đó có 3 người thường trực hỗ trợ cho các TS tập luyện. Chúng tôi luôn tạo cho thí sinh (TS) tinh thần thoải mái trong suốt thời gian tập luyện. Bên cạnh các bài tập về thể lực, lý thuyết và thực hành, còn có những bài tập về tâm lý. Chúng tôi luôn tạo cho TS tinh thần tự tin, thể hiện hết khả năng của mình, không đặt áp lực cao về các giải thưởng”.

Thí sinh Mai Duy Tuấn (hàng sau thứ ba từ trái qua) thợ giỏi Cao su Phú Riềng đạt giải nhất Hội thị Bàn tay vàng năm 2018 của VRG
Thí sinh Mai Duy Tuấn (hàng sau thứ ba từ trái qua) thợ giỏi Cao su Phú Riềng đạt giải nhất Hội thị Bàn tay vàng năm 2018 của VRG

Một ngày tập luyện của đội Phú Riềng bắt đầu đúng 5h sáng. Từ 5h – 5h30 sẽ là các bài tập về thể lực, chạy tốc độ. 6h – 11h sẽ tập luyện phần thi thực hành ngoài lô cao su. Buổi chiều bắt đầu từ 13h30 đến 17h là phần tập luyện thi lý thuyết, dụng cụ. Bên cạnh đó, ban huấn luyện cũng có các bài giảng về tâm lý cho các TS tham gia dự thi. Chính vì vậy, trong suốt thời gian thi, đội Cao su Phú Riềng lúc nào cũng thoải mái, bình tĩnh, tự tin.

Điều đặc biệt ở công ty là Ban Huấn luyện soạn giáo án riêng cho mỗi TS. Ông Huỳnh Quang Nhật – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp, Trưởng Ban Huấn luyện đội thi Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Ban Huấn luyện là người nắm rõ nhất điểm mạnh, yếu của từng TS và xây dựng giáo án riêng cho mỗi người. Ví dụ như về tốc độ, Lê Thị Thương luôn nhanh hơn Mai Duy Tuấn từ 5 – 6 cây. Nhưng về tay cạo, Mai Duy Tuấn chắc tay hơn. Về kỹ thuật, mỗi TS sẽ có phương pháp tiếp cận, xử lý riêng, vì vậy giáo án đối với từng người, không theo khuôn mẫu.”.

Điểm bất lợi của TS hội thi năm nay so với năm 2016 là công ty không có vườn cây, giống cây phù hợp với trường thi để tập luyện. “Trong đợt tuyển chọn lần 2 còn 6 người, ban huấn luyện cho TS thay vườn cây liên tục, giống cây, vanh, chiều cao, độ dày vỏ… trên phương châm: luyện nhiều giống trên nhiều vườn cây. Đồng thời luôn rèn tinh thần đồng đội và đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật”, ông Nhật cho biết.

TRẦN HUỲNH