CSCVN – 10 năm giữ chức vụ Phó TGĐ VRG, 5 lần làm Trưởng Ban tổ chức Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su, ông Lê Minh Châu – Nguyên Phó TGĐ VRG chia sẻ với Tạp chí Cao su VN về những kỷ niệm đáng nhớ qua các lần hội thi thợ giỏi.
Hội thi mang tầm quốc gia
Năm 2005, tôi được bổ nhiệm giữ chức Phó TGĐ Tổng Công ty Cao su VN (tên gọi trước đây của Tập đoàn CN Cao su VN). Từ đó, đến khi nghỉ hưu vào năm 2015, tôi được giao nhiệm vụ Trưởng Ban tổ chức Hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ cao su (nay là Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su).
24 năm nay, Hội thi thợ giỏi toàn ngành đã được tổ chức đều đặn định kỳ 2 năm một lần, nội qui và qui chế hội thi ngày càng chặt chẽ hơn. Với số lượng đội tuyển và thí sinh ngày càng đông, với qui mô ngày càng lớn, Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ mủ cao su không chỉ trong phạm vi Tập đoàn mà đã được mở rộng ra các đơn vị có nhiệm vụ phát triển cây cao su.
Hội thi năm 2012 là một điểm son, đánh dấu Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ được nâng tầm cấp quốc gia, với 34 đoàn thợ giỏi, trong đó có 6 đơn vị ngoài Tập đoàn cùng có nhiệm vụ phát triển cây cao su trong cả nước. Đặc biệt, trong số 7 đơn vị lần đầu tiên tham dự hội thi thợ giỏi toàn ngành, có Công ty CPCS Việt – Lào với 6 thí sinh trẻ mang quốc tịch Lào.
Theo tôi, ngành cao su càng khó khăn thì càng phải tổ chức tốt, chu đáo Hội thi bàn tay vàng khai thác mủ cao su. Bởi hội thi không chỉ là ngày hội của các kiện tướng cao su, mà còn gắn kết các đơn vị, thể hiện sự chung sức đồng lòng vượt khó của ngành cao su.
Kinh nghiệm của bản thân tôi, để tổ chức thành công hội thi thợ giỏi, cần các yếu tố: Ban tổ chức phải phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo (lãnh đạo Tập đoàn), bám sát tinh thần, ý nghĩa, qui mô của hội thi. Vì mỗi năm sẽ khác nhau, do giá mủ mỗi giai đoạn mỗi khác, nhưng dù thế nào, vẫn phải đảm bảo đầy đủ các nội dung trọng tâm, đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của ngành cao su thông qua hội thi.
Ban tổ chức phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị đăng cai, đặc biệt là trường thi (theo dõi sát sao về phần cây, số lượng, độ đồng đều…). Vì trường thi thực hành quyết định kết quả của hội thi một cách khách quan nhất. Bộ đề thi lý thuyết phải được chuẩn bị chu đáo, bổ sung, cập nhật qua các kỳ hội thi để phù hợp thực tế. Nhất là từ năm 2014, hội thi có sự tham gia của các thí sinh Lào và Campuchia, nên có phần song ngữ. Bên cạnh đó, Ban tổ chức phải thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, phải dự kiến mọi tình huống có thể xảy ra, phải làm nổi bật hội thi thợ giỏi là ngày hội đua tài, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện tay nghề để có đội ngũ công nhân giỏi, góp phần nâng cao chất lượng khai thác, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và sản lượng vườn cây.
Sân chơi lành mạnh, bổ ích
Qua 5 kỳ hội thi: Năm 2006 ở Phú Riềng, năm 2008 ở Đồng Phú, năm 2010 ở Dầu Tiếng, năm 2012 ở Tây Ninh và năm 2014 ở Phước Hòa. Hội thi thợ giỏi từ lâu đã trở thành ngày hội lớn, là kỳ Festival đặc biệt của ngành cao su Việt Nam. Là ngày vui sum họp của những gương mặt kiện tướng, buổi giao lưu thi tài giữa những tấm gương điển hình xuất sắc của các đơn vị.
Qua 5 lần làm Trưởng Ban tổ chức hội thi, điều tôi quan tâm nhất là tâm lý, sức khỏe các thí sinh. Tôi nhớ có lần, sau khi hoàn thành xong phần thi thực hành, đã có thí sinh ngất xỉu tại vườn cây do không giữ vững tâm lý. Nhiều thí sinh bị say xe trên quãng đường di chuyển về hội thi, chuyện ăn uống, sinh hoạt ít nhiều bị xáo trộn, thêm nữa là tâm lý căng thẳng trước giờ thi. Nhiều thí sinh chia sẻ với tôi là họ không ngủ được khi ngày thi gần kề.
Khẩu hiệu của hội thi “Bình tĩnh, tự tin” nhưng nhiều thí sinh mang tâm trạng hồi hộp, căng thẳng. Bên cạnh đó, có nhiều cổ động viên nhiệt tình ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong lúc thí sinh dự thi trên vườn cây hoặc các phóng viên báo đài tác nghiệp cũng làm cho thí sinh thiếu tập trung, ảnh hưởng đến tâm lý dự thi. Chính vì vậy, mỗi lần tổ chức hội thi, chúng tôi đều chú trọng công tác tư tưởng cho thí sinh thông qua các trưởng đoàn.
Tôi hay nói đùa mỗi lần tổ chức hội thi “Thi đua thì phải có tính chất ăn thua, nhưng đừng quá ganh đua”. Điều tôi vui nhất là Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su thật sự là sân chơi lành mạnh, bổ ích và cũng là một trường thi nghiêm túc. Trong sân chơi hội thi thợ giỏi, 100% thí sinh là những công nhân cần mẫn trong lô cao su, không quản ngại sương sớm nắng trưa, là những người thợ yêu nghề và gắn bó đời mình với nông trường, với đơn vị.
Tôi nói trường thi nghiêm túc, vì ở đây không có chuyện thí sinh tráo đổi hay gian lận, mọi việc đều minh bạch, công bằng. Các đội tuyển sôi nổi tranh tài cùng nhau “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi” hoàn toàn là phong trào đặc thù, riêng có của ngành cao su. Mỗi năm, các công ty có vườn cây khai thác đều tự tổ chức “Luyện tay nghề”. Công nhân yếu khâu nào được cán bộ kỹ thuật kèm rèn luyện khâu ấy, ngay tại chính phần cây.
Qua đó, trình độ tay nghề kỹ thuật cạo mủ của công nhân được nâng cao rõ rệt. Hàng năm, các công ty tự tổ chức hội thi thợ giỏi, để khen thưởng và tuyên dương những kiện tướng xuất sắc. Điều này, đã tạo nên khí thế thi đua lao động sôi nổi trong từng đơn vị và có ảnh hưởng tích cực trong việc hoàn thành vượt mức sản lượng khai thác của từng công ty.
“Nhớ mãi giọt nước mắt xúc động”
Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là những giọt nước mắt xúc động của các thí sinh đoạt giải cao. Tôi nhớ tiếng súng hiệu lệnh khai mạc hội thi và tiếng súng kết thúc thả cờ vàng… Giờ thi đã hết, các thí sinh ướt sũng mồ hôi vì đã trải qua một chặng đua nước rút, mỗi người một tâm trạng, hồi hộp, xúc động xen lẫn tự hào.
Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su do VRG tổ chức đã vượt khỏi khuôn khổ của một kỳ hội thi tay nghề và trở thành ngày hội truyền thống của công nhân cao su. Ngoài ra, hội thi là ngày vui sum họp của những kiện tướng khai thác mủ, là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của đội ngũ công nhân khai thác. Qua đó phát hiện bồi dưỡng công nhân giỏi để nhân rộng điển hình, trở thành những hạt nhân trong lĩnh vực khai thác mủ tại cơ sở. Lá cờ truyền thống Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su sẽ tiếp tục nối kết các đơn vị, tiếp tục thắp sáng những ước mơ tốt đẹp vì mục đích phát triển ngành cao su bền vững.
Hình ảnh những kiện tướng cao su với đường dao sắc ngọt, gương mặt rạng rỡ đón dòng nhựa trắng ngần luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Tháng 12 lại về, năm nay tôi lại nhớ trường thi, nhớ giọng nói ấm áp thân quen của các chiến hữu. Mỗi mùa thi, chúng tôi lại gặp gỡ thăm hỏi, vui vẻ ôn lại những hồi ức đẹp trong những Hội thi đầu tiên ở miền Đông và Tây Nguyên.
TUỆ LINH (GHI)
Related posts:
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất
- Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Tấm gương học và làm theo Bác
- Tấm gương nữ Đảng viên trẻ học và làm theo Bác
- Mưa và mùa cạo mủ
- “Cần góp sức của tập thể và gia đình để chị em làm tốt công tác”
- Tự hào 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- Trần Ngọc Thuấn: Năng động và quyết đoán
- Sau cơn mưa trời lại sáng!
- Sáng kiến tiết kiệm bạc tỷ của một giám đốc nông trường
- "Chiến sĩ áo trắng" trong lòng người lao động