CSVN – Mượn câu ngạn ngữ dân gian để nói về tình cảnh của mình, để thấy được tinh thần lạc quan, vui sống, hăng say lao động và vững tin vào tương lai dù trong tình cảnh khó khăn nhất, đó là hoàn cảnh của anh Võ Văn Huề – nhân viên bảo vệ Công ty CP Phát triển Cao su Bà Rịa – Kampong Thom.

Đất lạ hóa quê hương
Gặp anh tại nhà ăn công ty, trong lúc đang chia đều các phần thuốc cho liều uống buổi sáng. Khi bắt gặp cái nhìn ái ngại của chúng tôi, anh cười bộc bạch: “Huề quê Quảng Trị, 54 tuổi, tính tình vui vẻ, hồn nhiên yêu đời. Có hai con trai, một cháu đi làm ở điện lực Đồng Nai, một cháu đang học năm cuối Đại học Thủy Lợi ở Sài Gòn…”.
Như có dịp để trải lòng, anh kể về những ngày đầu xa quê đi khai hoang trồng mới tại dự án Bà Rịa – Kampong Thom; “Khi đi cũng không đắn đo, suy tính gì, chỉ nghĩ là đi để làm kinh tế, còn trẻ nên đi xa cũng là cách để thử sức mình”.
“Những ngày đầu căng lắm, cực kỳ khó khăn. Khí hậu thay đổi, thời tiết khắc nghiệt “nắng khô người, mưa thúi đất”, không có điện, không có nước, một mình vận hành 4 máy phát điện, nhiều lúc quay máy mệt lả, đói hoa cả mắt… Cũng tính đường lùi, xách ba lô về nước. Nhưng thấy cao su lên xanh, rồi khép tán, anh em sống chan hòa, ngày đi làm, tối học tiếng Campuchia, cứ thế ngày tháng trôi qua, ở lâu “đất lạ hóa quê hương”. Quen dần, gắn bó với công việc, hăng say lao động, quyết định chọn nơi này…”, anh chia sẻ.

Khi tôi nhắc anh uống thuốc, thoáng buồn, anh tâm sự: “Huề mới phát hiện bệnh năm 2018, khi Trung tâm Y tế ngành sang khám sức khỏe cho CB.CNV – LĐ của công ty, bác sĩ cho biết bị viêm gan siêu vi B. Lúc đầu cũng nghi nghi, sau đó mình về Bệnh viện Hòa Hảo ở Sài Gòn chụp MRI, lòi ra ung thư gan. Cũng hoảng loạn, bi quan lắm, nhưng sau vực dậy tinh thần, sống lạc quan để đối mặt với bệnh tật. Huề cũng đã đi điều trị đợt 1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chuẩn bị điều trị đợt 2”.
Rồi anh chỉ vào những viên thuốc đặc trị, đưa tôi xem lọ thuốc mà theo anh đó là loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế, có giá hơn 1 triệu đồng mà bác sĩ kê riêng để “chiến đấu” với ”con vi rút” đáng sợ này.
Mong ước có ngôi nhà riêng
Khi tôi hỏi anh có gặp khó khăn gì trong quá trình chữa trị, anh cười hào sảng: “Tình cảm của anh em ở đây tuyệt vời! Các anh lãnh đạo quan tâm, động viên và giúp đỡ rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần. Đây cũng chính là liều thuốc quý để Huề chiến thắng bệnh tật. Với tiền lương bình quân 400 USD mỗi tháng (chưa trừ các khoản phải đóng), mình cũng cố gắng trang trải tiền thuốc thang, lo cho hai con ăn học thành tài và hàng tháng về cho mẹ 5-6 trăm là hết sạch. Tiền thuốc thì có bảo hiểm nên cũng đỡ rất nhiều. Động lực để vượt qua khó khăn là con cái và gia đình, còn sức là còn “chiến đấu” và “chiến đấu” tốt, duy chỉ cấn cá một điều…”, giọng anh nghẹn lại… Cái điều anh khó nói thành lời đó chính là hoàn cảnh gia đình của anh hiện rất khó khăn. Trước đây anh cũng đã có gia đình, tuy nhiên do công việc thường xuyên phải xa nhà nên vợ đã ly hôn. Từ đó đến nay anh ở nhờ nhà em ruột (bị mù, đang độc thân) và mẹ già gần 90 tuổi, phải ngồi xe lăn, thiếu người chăm sóc.
Hiện anh vẫn chưa có nhà để ở. Anh được gia đình chia cho một thửa đất tại ấp 3, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Từ lâu, anh luôn mong ước có được ngôi nhà riêng cho bản thân và con để ở khi về già, nhưng với hoàn cảnh hiện tại rất khó để anh thực hiện được mơ ước đó.
Được biết, trước hoàn cảnh khó khăn của anh, Công đoàn cơ sở công ty đã vận động đoàn viên tại đơn vị hỗ trợ kinh phí, Công đoàn Công ty CP Cao su Bà Rịa hỗ trợ 5 triệu đồng từ chương trình “Mái ấm Công đoàn” nhằm phần nào giúp trang trải chi phí để điều trị bệnh lâu dài.
Qua bài viết này, chúng tôi rất mong các Mạnh Thường Quân, công ty, đơn vị, các tập thể, cá nhân quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ anh Huề vượt qua khó khăn, để mong ước của anh sớm trở thành hiện thực.
MINH KHÔI
Related posts:
Những đôi tay vùng cao làm cao su
Nỗ lực đạt danh hiệu "Bàn tay vàng"
Tuổi trẻ phải giữ vững lập trường
Anh Ngô Thành Nguyên: Góp phần xây dựng phong trào thi đua sôi nổi ở cao su Dầu Tiếng
Mãi mãi niềm tin yêu đong đầy
Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
Kỷ niệm không quên của người bảo vệ
Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
Người công nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà
Tự hào truyền thống, vững bước vươn xa