CSVN – Không chỉ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, Công ty CPCS Bảo Lâm (TCT CS Đồng Nai) còn hỗ trợ đất cho NLĐ phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập. Điển hình là vợ chồng anh Lê Hữu Đức và chị Phạm Thị Thanh – CN khai thác đội A với thu nhập từ kinh tế hộ gia đình vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Vợ chồng anh Lê Hữu Đức và chị Phạm Thị Thanh – CN khai thác đội A là gương điển hình ở đơn vị về tính cần mẫn, chịu thương chịu khó. Anh chị vào làm công nhân (CN) ở công ty năm 2008, gắn bó từ những ngày đầu khai hoang trồng mới. Bên cạnh được hỗ trợ nhà ở, anh chị còn được hỗ trợ đất để phát triển kinh tế gia đình.
Hiện tại, vợ chồng anh chị trồng hơn 1.000 gốc cà phê, mỗi năm thu hoạch 2,5 tấn với gần 100 triệu đồng, nuôi gần 50 con heo mọi, 1.000 con gà, vịt, bồ câu… Ngoài ra còn trồng các loại cây ăn trái và rau xanh tự cung cấp cho gia đình. Đến thăm gia đình anh Đức vào một buổi chiều muộn, khi anh chị vẫn tất tả ngoài vườn hái cà phê.
Gặp chúng tôi, anh Đức cười rất tươi: “Hai vợ chồng mình làm không kịp việc, tranh thủ rảnh giờ nào là lao ra vườn hái cà phê, trái chín hết rồi mà vợ chồng mình hái phơi không kịp, rụng đầy vườn”. Chúng tôi hỏi: “Anh chị sức đâu mà làm nhiều việc quá vậy?” – Anh cười giòn tan: “Vợ chồng mình còn trẻ, khỏe phải tranh thủ dành dụm, ráng làm để dành tiền sau này cho con ăn học đàng hoàng”.
Ông Lê Mậu Phúc – Phó Giám đốc Công ty CPCS Bảo Lâm, cho biết: “Vợ chồng anh Đức – chị Thanh nổi tiếng khắp đơn vị vì tính siêng làm, không ngại khó ngại khổ. Anh chị có một bé gái 14 tháng tuổi, từ khi bé 3 tháng tuổi, chị Thanh đã địu con trên lưng, sáng sớm đi cạo mủ cao su. Cứ như thế bé theo mẹ rong ruổi khắp cánh rừng cao su ở vùng cao nguyên đồi núi chập chùng”.
Chúng tôi bồng bé Lùn – con gái anh Đức chị Thanh, cô bé đen nhẻm, nhẹ tênh, chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng tanh. Có lẽ cô bé đã quen với những buổi sáng mờ sương giá rét theo mẹ len lỏi trong vườn cao su. Chị Thanh chia sẻ: “Hai vợ chồng mình không ngại khổ cực, hết việc ở vườn cao su là về nhà làm quần quật, làm hoài không hết việc, cứ xoay vòng nào heo, gà, vịt, bồ câu, chăm sóc và thu hoạch cà phê, vườn tược… Nhiều lúc thương bé Lùn lắm, nhưng riết rồi bé cũng quen, ba mẹ làm ngoài vườn thì tự ngồi chơi một mình”.
Hai vợ chồng anh Đức – chị Thanh còn luôn sẻ chia công việc với đồng nghiệp, những CN bận việc gia đình, anh chị luôn sẵn sàng cạo choàng, cạo thay không nề hà. Chính vì vậy, anh chị luôn được mọi người yêu mến.
Chúng tôi chia tay vợ chồng anh chị khi bóng đêm bao trùm khu nhà tập thể được xây dựng từ nguồn quỹ “Mái ấm Công đoàn” của CĐ CSVN, CĐCS Đồng Nai… hỗ trợ cho NLĐ ở vùng đất còn nhiều gian khó. Những vòng khói bếp cuộn tròn, tiếng nói cười râm ran, tiếng trẻ con chơi đùa rộn rã. Trong lòng cảm thấy thật ấm áp!
TUỆ LINH
Related posts:
- "Mùa cao điểm" ở Cao su Sơn La
- Công đoàn Cao su Việt Nam hỗ trợ công nhân mắc bệnh hiểm nghèo
- Các đơn vị miền núi phía Bắc: Hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định
- Cao su Bình Thuận về trước kế hoạch sản lượng 20 ngày
- Nông trường Tân Hưng (Cao su Đồng Phú) vượt sản lượng gần 26%/năm
- Công đoàn Cao su Dầu Tiếng khen thưởng công nhân vượt kế hoạch sản lượng quý III
- “Vàng trắng” biên cương
- Ông Trần Hoàng Giang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa
- Cao su Điện Biên phát động thi đua nước rút
- Tự hào truyền thống 46 năm Cao su Đồng Nai