“Vàng trắng” biên cương

CSVN – Sau bao năm mong mỏi chờ đợi, CBCNVC-LĐ NT Phong Thổ (Công ty CPCS Lai Châu) nói riêng và bà con các dân tộc biên giới huyện Phong Thổ nói chung vui mừng đón dòng “vàng trắng” đầu tiên. Những giọt mủ trắng minh chứng cho sự phù hợp, phát triển cây cao su nơi đây; mở ra niềm tin, sự hy vọng cho người dân trước loại cây công nghiệp mới này.
Lãnh đạo Nông trường cao su Phong Thổ hướng dẫn công nhân khai thác mủ cao su
Lãnh đạo Nông trường cao su Phong Thổ hướng dẫn công nhân khai thác mủ cao su

Trở lại huyện Phong Thổ những ngày đầu tháng 4 mới thấy hết được không khí phấn khởi, hân hoan, vui mừng của cán bộ công nhân viên chức lao động đặc biệt người dân nơi đây mở miệng cạo mủ cao su. Mặc cho cái nắng oi bức của tiết trời mùa hè, trên các đồi núi, gần 100 trăm CBCN lao động đang hồ hởi, cặm cụi, khéo léo rạch lớp vỏ mỏng để giọt mủ trắng chảy ra.

Dòng vàng trắng đã tuôn chảy trên vùng đất biên cương minh chứng cho sự phát triển cao su nơi đây không hề “phản khoa học, thiếu thực tiễn”. Niềm vui còn được nhân đôi khi thời điểm này cao su được giá góp phần khích lệ tinh thần của người trồng cao su. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đồng thuận chủ trương trồng và phát triển cây cao su tại huyện Phong Thổ.

Được chứng kiến cây cao su từng ngày bén rễ, xanh tốt và cho nhựa trắng, chị Phìn Thị Út – bản Co Muông, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ vui mừng tâm sự: “Tôi tham gia làm công nhân từ khi Nông trường đi vào hoạt động đến nay gần 5 năm. Đến giờ được trực tiếp cầm dao cạo, tận mắt nhìn thấy mủ trắng chảy ra rất nhiều tôi thấy tin tưởng, phấn khởi vì thành quả của người dân, Nông trường được đền đáp xứng đáng. Mong rằng giá mủ sẽ càng ngày tăng cao để bà con có thêm thu nhập, giải quyết việc làm”.

Cùng chung suy nghĩ với chị Út, anh Đèo Văn Cường – bản Phai Cát 2, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ cũng gắn bó làm công nhân cho NT Phong Thổ khá lâu. Anh Cường cho biết: Từ khi có chủ trương đưa cao su vào trồng, gia đình băn khoăn, hoài nghi, suy nghĩ khá kỹ về hiệu quả khi đưa loại cây công nghiệp mới vào trồng tại đây. Sau khi tìm hiểu nhận thấy cây cao su mang lại nhiều lợi ích nên quyết định vừa tham gia làm công nhân, vừa góp 3 ha đất cho NT trồng cao su. Giờ đây cây cao su không chỉ sinh trưởng tốt, phù hợp và cho mủ khẳng định loại cây này đứng vững nơi đây.

Thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu, năm 2010, huyện Phong Thổ bắt đầu triển khai trồng mới nhằm khai thác tiềm năng đất đai đồi núi, đất rừng sản xuất kém hiệu quả, các vùng rừng nghèo kiệt quệ để phát triển kinh tế. Đây là địa phương được đánh giá có điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai thuận lợi với tầng đất dày, nắng nóng… phù hợp cho cây cao su sinh trưởng và phát triển. Với sự vào cuộc cấp ủy, chính quyền, người dân và sự nỗ lực của NT Phong Thổ sau 8 năm trồng, chăm sóc đến nay NT trồng được 939,09ha cao su. Trong năm 2017, NT đưa vào khai thác 166,61ha tại các xã: Khổng Lào, Hoang Thèn.

Công nhân Nông trường cao su Phong Thổ và người dân tham gia khai thác mủ cao su
Công nhân Nông trường cao su Phong Thổ và người dân tham gia khai thác mủ cao su

Anh Lưu Văn Phương – Giám đốc NT Phong Thổ, Công ty CPCS Lai Châu chia sẻ: “Việc mở miệng, khai thác cao su tại huyện Phong Thổ không chỉ mang lại ý nghĩa quan trọng đối với sự tin tưởng của người dân mà khẳng định sức sống mãnh liệt của cao su trên vùng đất này. Năm 2017, Công ty giao cho NT khai thác 132 tấn mủ khô, bình quân 0,79 tạ mủ khô/1ha; thời gian cạo trung bình 4 ngày sẽ cạo lại 1 cây liên tục trong 1 năm trừ mùa đông. Số lượng mủ cạo sẽ được đánh đông tự nhiên thuận tiện cho việc vận chuyển đến các nhà máy chế biến”.

Cũng theo anh Phương, ngoài tạo việc làm cho lao động là người địa phương mức lương 1,6 triệu đồng/tháng, sau này NT sẽ chia lợi tức cho hộ tham gia góp đất và tăng thêm tiền lương cho công nhân lên khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. NT phối hợp các địa phương có diện tích khai thác năm nay tuyên truyền đến người dân về phần hưởng lợi giá trị sản phẩm của mình. Người dân góp đất sẽ được nhận đủ số tiền với việc tính toán dựa theo năng suất bình quân của toàn Công ty; khi thanh lý vườn cây, các hộ cũng sẽ được hưởng lợi.

Hiện nay, NT Phong Thổ có 70 cán bộ, công nhân và mới hợp đồng thêm 30 công nhân để khai thác mủ cao su. Nông trường cũng phối hợp với Viện nghiên cứu cao su Việt Nam tập huấn cán bộ, công nhân nắm vững quy trình, kỹ thuật cạo, cách đánh đông, bảo quản mủ. Đồng thời, lựa chọn những vườn cây đạt tiêu chuẩn chu vi thân từ 60-70 cm (tính từ gốc cây trở lên) và được đánh dấu để công nhân tránh khai thác nhầm lẫn. Tuy nhiên, do địa hình dốc nên việc khai thác khó khăn, NT đưa ra ý tưởng dùng can nhựa để vận chuyển và động viên, có chế độ ưu đãi công nhân khai thác ở địa điểm khó.

Rời những đồi cao su ở Phong Thổ, chúng tôi chia vui cùng cán bộ, công nhân và người dân đang phấn khởi đón những dòng nhựa trắng. Rồi sau này, khi diện tích mở cạo ngày càng nhiều hơn sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân vùng biên giới xóa đói giảm nghèo

Phương Ly