“Mùa cao điểm” ở Cao su Sơn La

CSVN – Bắt đầu vào vụ mùa cuối năm, không khí lao động tại các đội sản xuất, nông trường và Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10 hết sức khẩn trương, nhộn nhịp.

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10
Khẩn trương từ vườn cây đến nhà máy

Ông Nguyễn Bá Quý, Phó TGĐ công ty, thông tin: Những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, mặc dù đã mở cạo từ giữa tháng 3, nhưng phải đến thời điểm tháng 6-7 việc khai thác mới ổn định. Năm nay, công ty đưa vào khai thác 4.562 ha cây cao su, sản lượng theo kế hoạch giao là 4.750 tấn mủ khô; đồng thời, tập trung chăm sóc 1.476 ha trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tiếp tục đưa vào khai thác trong những năm tới.

Thời điểm này, tại Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10, lượng mủ đông tập kết về khá lớn, toàn bộ dây chuyền vận hành tối đa công suất để bảo đảm chế biến hết sản lượng mủ khai thác của công ty và gia công. Tại khu vực dây chuyền cán ủ, công nhân liên tục chuyển mủ đông vào hệ thống máy rửa để làm sạch, loại bỏ tạp chất, chuyển sang máy làm tơi xốp, sấy khô, ép khối, đóng gói.

Nông trường Châu Thuận đang quản lý 1.200 ha. Năm nay, công ty giao kế hoạch cho nông trường khai thác 2.600 tấn mủ đông. Ngay từ đầu năm, nông trường đã tập trung chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, rà soát lực lượng lao động, những công nhân tay nghề yếu được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cây; hiện nay, toàn bộ diện tích được giao trực tiếp cho 168 công nhân khai thác.

Với 2,5 ha đất góp trồng cây cao su, chị Lò Thị Duân ở bản Tốm, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu là một trong những công nhân tích cực và có thu nhập cao ở Nông trường Châu Thuận. Năm nay, chị Duân nhận cạo mủ 5 phần cây, tương đương với 2.500 cây. Chị Duân chia sẻ: “Hằng ngày phải dậy sớm đi cạo mới có thể kịp tiến độ sản xuất của nông trường. Đầu năm 2023 do thời tiết khắc nghiệt, nên tiền lương và thu nhập thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, cuối năm hy vọng thu nhập sẽ cao hơn”.

Nhiều giải pháp bảo đảm việc làm, thu nhập

Để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty CPCS Sơn La đã bố trí cán bộ kỹ thuật phụ trách từng vùng, thường xuyên trực tiếp có mặt tại cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình cạo mủ và chấm điểm kỹ thuật. Tổ chức hướng dẫn, đào tạo lại cho những công nhân tay nghề còn yếu; ban hành quy chế, ký hợp đồng giao khoán phần cây. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, kỹ thuật khai thác, điều hành sản xuất và quản lý sản phẩm đối với cán bộ các nông trường, đơn vị sản xuất.

Bên cạnh đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm việc làm, thu nhập, giúp công nhân, người lao động yên tâm sản xuất. 6 tháng đầu năm, công ty đã chi trả hơn 12,3 tỷ tiền lương, mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/ tháng; nộp gần 5,8 tỷ đồng bảo hiểm xã hội; mua sắm trang bị bảo hộ cá nhân cho người lao động trị giá gần 680 triệu đồng; chi thăm hỏi công nhân khó khăn, ốm đau 31,6 triệu đồng…

Ông Nguyễn Bá Quý, Phó TGĐ công ty, cho biết thêm: “Vào thời gian cao điểm của vụ khai thác mủ, cùng với tiếp tục triển khai các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, công ty đã tổ chức phát động các đợt thi đua, kịp thời động viên công nhân tại các đơn vị sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, ổn định việc làm và nâng cao đời sống người lao động”.

NGỌC THUẤN