CSVN Xuân – Xung quanh thực trạng công nhân cao su nghỉ việc trước đây, chúng tôi có dịp được nghe những tâm sự rất chân tình của họ. Đằng sau đó, là những trăn trở giữa cuộc sống gánh nặng cơm áo gạo tiền và tình yêu nghề da diết.
Trăn trở khi quyết định nghỉ việc
“Gắn bó càng lâu tình cảm càng nhiều” – Câu nói này có lẽ đúng với những ai đã và đang gắn bó với ngành cao su. Để rồi, ngành cao su dù trải qua những giai đoạn khó khăn, thách thức, nghĩa tình ấy như chất keo gắn kết để mọi người đồng lòng, đoàn kết vượt qua. Những năm gần đây, khi giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập NLĐ giảm theo, đã có trường hợp công nhân xin nghỉ việc chuyển sang công việc mới với thu nhập cao hơn.
Thoạt tiên có lẽ khó có ai hiểu được nỗi lòng của họ, những người đang là lao động chính, là trụ cột kinh tế của cả gia đình. Đã có 11 năm làm công nhân cao su, anh Phạm Tín Dũng – công nhân Nông trường An Viễng, TCT CS Đồng Nai năm 2015 xin nghỉ việc. Khi đó, việc chăn nuôi heo của vợ chồng anh cũng lỗ vốn khi giá heo liên tục giảm. Nghỉ việc, anh vừa đi làm bên ngoài vừa gầy dựng lại trang trại chăn nuôi heo, gà.
Anh chia sẻ: “Thời điểm nghỉ việc, lương chỉ 5 triệu đồng mỗi tháng. Với mức lương ấy, cuộc sống 5 người trong gia đình tôi thật sự rất chật vật. Ai làm gì, ở đâu cũng vậy, trước tiên là mong có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Không biết phải xoay xở thế nào tôi mới nghỉ. Năm 2017, nông trường tuyển lao động, biết được mức thu nhập năm nay đã thay đổi hơn trước rất nhiều nên tôi quyết định xin vào làm lại. Lương bình quân hiện giờ là 9 triệu đồng, công nhân chúng tôi chỉ mong mức lương có thể đảm bảo cuộc sống lâu dài, nếu cao hơn thì rất phấn khởi, bởi các chi phí sinh hoạt đều tăng cao”.
Chúng tôi đến Nông trường Long Thành, TCT CS Đồng Nai vào giờ tập kết mủ của đội 2. Qua tìm hiểu chúng tôi biết anh Trần Văn Quang, vừa quay trở lại làm việc vào đầu tháng 4/2017. Gia đình có ba đời làm công nhân cao su, thuở nhỏ anh đã theo chân bố mẹ ra lô. Bố mẹ nghỉ hưu, anh tiếp tục nối nghiệp gia đình.
Năm 2010 anh chính thức làm công nhân cao su, với mức lương 10 triệu đồng/tháng anh đủ lo cho gia đình nhỏ của mình. Thương ba mẹ làm lúa vất vả và cũng để vợ chồng đi làm tiện đường, anh xin nghỉ ở nhà phụ bố mẹ. Được ít lâu, anh xin vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn gần nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Cố gắng lắm anh cũng trụ được 7 tháng với công việc mới, với đồng lương ít ỏi 4,2 triệu đồng/tháng.
Anh nói: “Tôi cũng đắn đo và tiếc nhiều lắm nhưng rồi vì hoàn cảnh. Làm công nhân khu công nghiệp có nhẹ nhàng hơn công nhân cao su thật nhưng tôi quen với công việc trên vườn cây rồi và có lẽ chưa dứt tình với cây cao su được. Vì vậy, khi biết TCT, nông trường thu tuyển lao động, trong đó có công nhân đã nghỉ việc vào làm trở lại. Tôi mừng lắm và nộp đơn xin vào làm lại. Tôi cũng suy nghĩ rất kỹ rồi, lần trở lại này dù cho sau này có khó khăn, thu nhập có thấp hơn so với hiện tại thì tôi cũng sẽ gắn bó”.
Quý tình trọng nghĩa
Chị Phạm Thị Hoàng Uyên – Đội trưởng đội 4, Nông trường Hội Nghĩa, Công ty CPCS Phước Hòa cho biết: “Làm ở đâu thì quen ở đó, đặc biệt với ngành cao su thì rất tình nghĩa, anh chị em quý cái tình, nhiều người đến với ngành cao su như một cái duyên vậy nên có khó khăn thế nào cũng đồng lòng vượt qua. Có nhiều anh chị nghỉ hưu rồi nhưng rất nhớ nghề, thường xuyên qua thăm hỏi động viên anh chị em công nhân”.
Tại các đơn vị, hai năm gần đây, ngoài số công nhân hưu theo chế độ thì số công nhân nghỉ ngang việc chuyển sang nơi khác rất ít, vì thu nhập của công nhân cao su đang dần ổn định khi giá bán cũng có dấu hiệu khởi sắc.
Chúng tôi nhớ mãi về một chị làm công nhân cao su, chồng đi làm xa nhà, đằng đẵng gần 10 năm như thế chồng mới xin được vào làm công nhân cùng nông trường chị. Một năm sau, chúng tôi nhận được điện thoại của chị, chị kể: “Khi chuyển sang chế độ cạo D4, nông trường có kế hoạch cắt giảm lao động. Nghe nói chồng chị nằm trong danh sách đó, vì mới vào làm một năm thôi. Chị lo lắm, từ khi vào làm công nhân chồng chị đã xác định có cực đến mấy cũng chịu được”. Biết chị lo lắng, chúng tôi động viên chị trình bày với lãnh đạo nông trường. Một tuần sau, chị vui mừng phản hồi chồng chị đã nằm ngoài danh sách cắt giảm vì cấp trên hiểu được nguyện vọng của anh chị.
Chắc hẳn những câu chuyện trên có khá nhiều trong toàn ngành, bởi nếu ai sợ vất vả thì sẽ không làm công nhân cao su, bởi nếu sợ “nắng không tới mặt, mưa không tới đầu” thì chỉ cần một vài tháng cũng sẽ rời bỏ. Chúng tôi tin rằng, những công nhân cao su đã chọn và gắn bó lâu dài với vườn cây là những người có tâm huyết với nghề và chính anh chị – những công nhân một nắng hai sương, tần tảo trên vườn cây là những người có đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển của ngành cao su.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Các đồn điền cao su mở rộng diện tích
- "Già làng" trong lòng dân
- Gặp người công nhân cao su dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- Nữ công nhân tận tụy, yêu nghề
- Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo
- "Nên nuôi dưỡng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến"
- Nữ công nhân tay nghề giỏi với nhiều thành tích nổi bật
- Nghĩa tình keo sơn 4 thế hệ
- Kinh tế gia đình giúp công nhân ổn định cuộc sống