CSVN – Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2017, cũng là năm bản lề mà VRG giao chỉ tiêu khai thác 730 tấn mủ, Công ty CPCS Lai Châu đã vượt mốc hoàn thành sớm hơn 40 ngày. Có được kết quả này là nhờ CBCNV công ty đã vượt khó, chủ động, sáng tạo trong khai thác mủ cao su, tạo tiền đề tăng tốc cho các năm tiếp theo.
Vượt quãng đường dài đồi núi gập gềnh trong cái nắng vàng như đổ mật xuống những cánh rừng cao su ở vùng thấp huyện Sìn Hồ, chúng tôi bỗng gặp một màu xanh trải dài, ngút mắt của từng dải đồi cao su xanh tốt.
Trên đồi cao su của Nông trường (NT) Nậm Tăm – Công ty CPCS Lai Châu, dưới tán cao su, là những “chú ong” thợ đang cần mẫn, khéo léo đưa chiếc dao cạo khơi dòng “nhựa trắng” trên thân cây cao su. Mùa đông, những công nhân (CN) dậy từ 6 giờ sáng rồi lục đục lên từng khu rừng, khoảnh lô cao su để cạo mủ. Không chỉ chịu đựng thời tiết giá rét, CN còn phải vượt mọi địa hình, khắc phục khó khăn để đưa cao su về nơi tập kết.
Vừa nhanh tay đưa mủ cao su vào gùi đựng, anh Tao Văn Nọi, CN NT Nậm Tăm tâm sự: “Tôi làm CN cho NT gần 8 năm. Ngày trước vườn cây thời kỳ KTCB thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng mà tâm lý lo ngại sợ cây cao su không có mủ. Khi chính tay khơi dòng mủ cao su tôi vui mừng vì loại cây công nghiệp mới lại thích nghi trên vùng đất nơi đây. Nhờ đó, lương thu hoạch cạo mủ của tôi cũng tăng lên khoảng 6 triệu đồng, đời sống khá lên rất nhiều”.
Với 1.416 ha cao su được “hạ sơn” từ năm 2009 đến năm 2014 trên địa bàn xã: Nậm Tăm và Nậm Cha của huyện Sìn Hồ, đến nay, NT Nậm Tăm đưa vào khai thác 100 ha với sản lượng hết tháng 12 đạt khoảng 50/38 tấn mủ quy khô theo kế hoạch.
Để vượt mốc tiến độ này, NT chủ động nắm sản lượng vườn cây đến từng lô, phần; lựa chọn CN có tay nghề giỏi cũng như động viên tư tưởng họ gắn bó vườn cây lâu dài. Phổ biến CN thực hiện nghiêm các quy chế về giờ giấc trên vườn cây, thu mủ đúng giờ… Ngoài ra, NT có cơ chế thưởng hàng tháng với việc lựa chọn từ 4 – 5 người với mức thưởng 500.000 đồng/người/tháng nhằm khuyến khích CN làm việc trách nhiệm, tích cực hơn.
Ông Võ Trọng Giáp – Giám đốc NT Nậm Tăm chia sẻ: “NT bước vào vụ khai thác muộn khoảng 2,5 tháng do cây cao su bị bệnh phấn trắng, lá rụng; thời điểm khi khai thác lại vào mùa mưa. Lúc đầu, CN còn bỡ ngỡ, tay nghề chưa vững, việc thay đổi nhận thức, tập quán từ nông nghiệp sang làm CN còn chậm; đây là những nguyên nhân phần nào làm sản lượng mủ giảm. Tuy nhiên với sự động viên kịp thời của Ban Tổng Giám đốc và sự nỗ lực hết mình, hiện nay tay nghề, kỹ thuật cạo mủ của CN được nâng lên, nhờ vậy sản lượng tăng và tiền lương người dân cũng nâng lên đáng kể”.
Ở vùng biên giới huyện Phong Thổ, năm 2017, NT Phong Thổ cũng đưa vào khai thác 166,61 ha cao su trên địa bàn xã Hoang Thèn và Khổng Lào. Anh Lưu Văn Phương – Giám đốc NT Phong Thổ khẳng khái: “Nhiều năm mong mỏi, đợi chờ, cán bộ, CN và nhân dân vui mừng đón dòng “nhựa trắng” đầu tiên. Điều này không chỉ khẳng định sự phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mà còn ý nghĩa quan trọng đối với sự tin tưởng của người dân; khẳng định sức sống mãnh liệt của cây cao su trên vùng đất biên cương. Theo kế hoạch giao NT khai thác 108 tấn mủ quy khô nhưng hết tháng 12 đơn vị sẽ thu hoạch khoảng 132,23 tấn mủ quy khô. Nhờ đó, tiền lương CN tăng lên, thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên”.
Hiện nay, Công ty CPCS Lai Châu đang chăm sóc, khai thác 6.952 ha cao su (khai thác 1.432 ha) tại huyện Sìn Hồ và Phong Thổ. Năm 2017, công ty bước vào thực hiện nhiệm vụ khai thác mủ cao su trong bối cảnh giá mủ cao su diễn biến bất thường, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, mưa to, lốc xoáy gây khó khăn trong hoạt động khai thác mủ. Bên cạnh đó, VRG giao 730 tấn mủ quy khô, đây là thách thức không nhỏ khi công ty mới bước vào năm thứ 2 khai thác.
Ông Nguyễn Hồng Thắng – TGĐ Công ty CPCS Lai Châu cho biết: “Trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, thử thách, công ty và các NT đã nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành vượt kế hoạch về đích trước thời gian với 900 tấn mủ quy khô. Tuy nhiên, khi VRG giao chỉ tiêu, công ty rất lo lắng vì cây cao su là cây công nghiệp dài ngày, những năm đầu cho sản lượng mủ thấp, đến năm thứ 5, năm thứ 10 sản lượng mới cao trong khi lại khai thác đồng loạt tại 6 NT. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của CBCNV, hăng say sản xuất nên sản lượng đã vượt kế hoạch. Đầu năm 2018, công ty sẽ thực hiện chia sản phẩm cho người dân tham gia góp đất trồng cao su để bà con yên tâm gắn bó với cây cao su và công ty”.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm, công ty chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư, chủ động phòng và trị bệnh trên vườn cây và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cạo mủ. Công ty đã có sáng kiến sử dụng mái che mưa dạng nón thay dạng xoắn ốc truyền thống và sử dụng gùi thu mủ thay thế cho việc sử dụng bao tải phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình vùng núi.
Cùng đó, quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề của NLĐ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng trong khai thác. Công ty chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, đảm bảo mức thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/tháng đối với CN khai thác và các chế độ chính sách như: Bảo hiểm xã hội, ăn giữa ca, cấp phát bảo hộ lao động…
Những thành quả bước đầu từ việc vượt khó, chủ động, sáng tạo trong khai thác mủ của Công ty CPCS Lai Châu là tiền đề các năm tiếp theo công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch về đích trước thời gian. Từ đó tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc địa phương trong vùng trồng cao su.
Phương Ly
Related posts:
- Cao su Mường Nhé - Điện Biên góp phần ổn định an sinh xã hội tại địa phương
- Gởi niềm tin vào mùa cạo mới
- Nông trường 7 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Lộc Ninh
- Cao su Quảng Nam chuyển mình mạnh mẽ
- "Chủ động, linh hoạt, đồng lòng phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao"
- Vững vàng vượt khó, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022
- Cao su Sa Thầy chú trọng chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường
- Cao su Hòa Bình nỗ lực chăm lo người lao động
- Nghỉ hưu tuổi 47: Vui mừng, phấn khởi
- Bến Củi thay màu áo mới