CSVN – Ngành cao su có đặc thù là khai thác sản lượng nhiều nhất rơi vào những tháng cuối năm. Đây vừa là thuận lợi vừa là khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch của năm.
Nếu như những ngành nghề sản xuất khác sản lượng đạt được của doanh nghiệp tính theo tiến độ thời gian hàng tháng, hàng quý thì ngành cao su lại khác. Các doanh nghiệp khai thác cao su đến giữa năm mà kế hoạch thực hiện chỉ đạt chưa đến 30% là chuyện bình thường.
Tuy nhiên vào giữa quý III thì sản lượng bắt đầu tăng tốc cho đến đỉnh điểm là quý IV, thời điểm chốt của năm. Bởi vậy người công nhân thu được mủ nhiều hay không, doanh nghiệp có đạt kế hoạch sản lượng hay không đều phụ thuộc vào thời gian này.
Để khai thác được mủ nhiều nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là người công nhân và thời tiết, cũng là 2 yếu tố chủ quan và khách quan. Về chủ quan, ngoài tay nghề của người thợ cạo thì trong giai đoạn nước rút, sự cố gắng đảm bảo ngày giờ công cạo, không bỏ sót cây, tận thu hết mủ…là việc cần thiết nhất. Nếu người công nhân có ý thức, làm việc chăm chỉ thì sản lượng thu được sẽ cao.
Bởi vậy công tác tuyên truyền của lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể trong giai đoạn này quan trọng nhất. Với doanh nghiệp thì đưa ra các mức khen thưởng vượt sản lượng để động viên người lao động ra sức thi đua. Đặc biệt là tổ chức Công đoàn – đại diện cho người lao động, cuối năm lãnh đạo đều sắp xếp đến tận vườn cây thăm hỏi, động viên và khen thưởng. Đoàn thanh niên thì có phong trào tấn sản phẩm mủ vượt. Tất cả đều nhằm mục đích để có được sản lượng cao, từ đó tiền lương cao, đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận của đơn vị.
Yếu tố thứ hai – khách quan ảnh hưởng đến sản lượng là thời tiết. Thời tiết thuận lợi, mát mẻ, không nắng hạn mưa bão thì về sinh lý cây, mủ sẽ chảy nhiều, người công nhân còn có thể đảm bảo được ngày giờ cạo, không bị mất ngày cạo do mưa.
Có thể nói mưa bão là khắc tinh của người công nhân cao su, nhất là trong giai đoạn nước rút. Vừa qua 2 cơn bão số 10 và 12 liên tiếp đổ bộ vào các khu vực có cây cao su đứng chân đã làm thiệt hại đáng kể cho cây cao su, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến sản lượng cũng như tiến độ khai thác của các doanh nghiệp. Có những vườn cây bị đổ rạp đến 90%, người công nhân đứng vườn cây bị mất cả nguồn thu chứ chưa cần nói đến đạt sản lượng năm.
Có thể nói con người và thời tiết là 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định sản lượng mùa cuối năm. Trong khi thời tiết không thể can thiệp được thì những nỗ lực, cố gắng của người công nhân là trên hết.
Đinh Thành Tâm (Bình Phước)
Related posts:
- Công đoàn Cao su Bà Rịa chung sức cùng công ty vượt khó
- Nông trường Cao su Gia Huynh
- Bổ sung điều lệ Hội thao CNVC-LĐ năm 2014
- Tháng công nhân - Tháng tri ân người lao động
- Giao lưu bóng chuyền khối thi đua nông nghiệp Gia Lai
- Đơn vị cao su vô địch bóng chuyền khối nông nghiệp Gia Lai
- Vững tin chống dịch
- Mùa cạo mủ
- Sẵn sàng cho ngày hội thể thao Khu vực I – Sơn La
- Giới trẻ không thờ ơ Tết cổ truyền