Vẻ đẹp của rừng cao su

CSVN – Sáng thức giấc đã là rừng cao su. Chiều hết giờ làm, ngó qua ô cửa cũng là rừng cao su. Cao su ở đây còn non và xanh quá. Những hàng cây thẳng tắp, giữa là lối đi, đôi khi đủ để một chiếc xe tải nhỏ vận hành.
Ảnh: Nguyễn Quốc Thịnh
Ảnh: Nguyễn Quốc Thịnh

Người ta bảo với tôi, ngủ ở rừng cao su thì sẽ hít phải khí độc. Bởi vậy, để yên tâm hơn, tôi thường đóng kín cửa lúc đi ngủ, nhưng vẫn để rèm để thấy cao su qua màn đêm dưới ánh đèn pha từ trên cao của tòa nhà. Mấy bữa mới vào đây, quả có chút khó chịu do thay đổi môi trường, lâu dần rồi cũng quen. Quen với màu xanh cao su, quen với sự hiện diện của những hàng cây, đứng đó tĩnh mịch trong những đêm khuya. Có những đêm ngủ muộn nhìn ra khoảng rừng cao su, thấy không gian yên ắng lạ thường.

Có những hôm dậy sớm đã thấy ánh đèn pin le lói trong rừng cao su, ấy là ánh đèn của những người đi cạo mủ. Thường thì họ đi cạo từ đêm khuya cho đến tảng sáng. Những người trồng cao su phải cần mẫn lắm để đi khai thác mủ xuyên đêm như vậy.

Tôi đến Tây Nguyên không phải để ngắm cao su nhưng như một lẽ tự nhiên, cao su trở thành thân thuộc và hấp dẫn tôi. Có những ngày nắng, đi trong rừng cao su thật thanh bình. Dưới những lối đất đỏ, ánh nắng xuyên qua kẽ lá cao su rọi xuống tạo thành những bức tranh thật đẹp. Những lúc đấy giơ điện thoại lên mà ngắm nghía chụp vài tấm hình post facebook chơi cũng thấy thú. Tôi đã có nhiều tấm hình về cao su ở những thời điểm khác nhau trong bộ sưu tập ảnh cảnh sắc Tây Nguyên. Những tấm hình tôi chụp gửi bạn bè ngoài Bắc, ai cũng trầm trồ về vẻ đẹp ấy của cánh rừng cao su.

Với tôi, rừng cao su đẹp nhất có lẽ là mùa cây cao su thay lá. Đó là khi những cây cao su chỉ còn trơ trọi cành. Rừng cao su chuyển mình cùng tiết trời, phơi mình trong nắng gió, sương đêm và dần dần dần đâm những cành non tái sinh. Những ngày ấy, ngắm nhìn rừng cao su, tôi ngỡ như mình lạc vào một xứ ôn đới của châu Âu, hay hàn đới vùng Đông Bắc Á chứ không phải xứ nhiệt đới nước mình.

Cao su cũng có thân phận của nó. Khởi đầu, chúng được người Pháp trồng thành những đồn điền, sau này, người dân mình tiếp quản và trồng mới. Chúng lớn lên nhờ bàn tay người trồng, đem lại cho người dân thứ nhựa trắng như sữa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng cao su và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần làm giàu cho các địa phương ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong thời kì đổi mới. Nhưng chúng cũng bị ngót dần cùng với những thay đổi của chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, với quá trình đô thị hóa của các địa phương.

Nhiều phường ở thành phố Buôn Ma Thuột này, ngày trước cũng là rừng cao su. Những năm gần đây, trong xu thế chuyển đổi sinh kế hay mở rộng xây dựng thành phố thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên thì những cánh rừng cao su dần bị thu hẹp lại. Từ chỗ cao su được coi là sản phẩm chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên, giờ lại không được người dân mặn mà đầu tư như trước nữa. Với tình hình như vậy, tôi tự hỏi, liệu chục năm nữa, những cánh rừng cao su như thế này sẽ biến mất chăng? Nhưng, có một logic nhân quả của thị trường là, còn cầu ắt sẽ còn cung. Cầu về nguyên liệu, con người phải tìm cách duy trì và bảo đảm cung.

Dù công nghệ tiến bộ thế nào, thì nhu cầu về mủ cao su tự nhiên, bởi những tính năng ưu việt của nó, chưa hề mất đi. Khi còn nhu cầu về mủ cao su tự nhiên thì cây cao su còn được trồng và chăm bón, vấn đề là quy hoạch và phát triển như thế nào cho hợp lý.

PHẠM THẠCH HOÀNG

(Viện KHXH vùng Tây Nguyên)