CSVN – Dù đã nghỉ hưu, sau 33 năm công tác nhưng anh Đỗ Văn Thoại, hiện là công nhân (CN) tổ 7 – NT K’Dang, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang vẫn xin cạo thêm phần cây để tiếp tục gắn bó với nghề, lại có thêm thu nhập.
Trong một chuyến công tác về tổ 7 – NT K’Dang, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, chúng tôi được nhiều người nói đến “tay dao cạo” Đỗ Văn Thoại. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết anh là một trong những CN có mặt từ những ngày đầu thành lập Công ty Cao su Mang Yang năm 1984. Đến nay anh đã có thâm niên 33 năm công tác, trong đó gần 30 năm là một “tay dao” có tiếng của nông trường.
Một cán bộ nông trường cho chúng tôi hay, thời làm CN trước đây, anh Thoại không năm nào là không vượt sản lượng được giao nhờ rất siêng năng và chăm chỉ. Anh thường vượt từ 40 – 50%, đặc biệt có năm vượt đến 60% sản lượng được giao. Ngoài việc hoàn thành tốt phần việc của mình, anh còn nhận cạo choàng cho những CN nghỉ khi đau ốm, có công việc gia đình đột xuất… Nhờ vậy, nhiều năm anh được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Theo lời kể, anh từng trải qua nhiều công việc khác nhau từ một CN khai hoang, trồng mới đến CN chăm sóc, khai thác rồi đảm nhiệm các chức vụ cán bộ Công đoàn, tổ trưởng tổ khai thác. Một điều khá thú vị là anh từng làm tổ trưởng nhiều năm nhưng lại …xin đi làm CN cạo mủ cho đến ngày nghỉ hưu.
Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: “Nghỉ hưu rồi ở nhà giữ cháu cho vui với tuổi già nhưng thấy nhớ vườn cây lắm, quen với việc dậy sớm đi ra lô cùng với những tiếng gọi nhau í ới của đồng nghiệp, những ánh đèn lập lòe của CN trong buổi sớm tinh mơ. Mặt khác, thời điểm hiện nay, không chỉ tổ đang thiếu CN có tay nghề tốt mà cả nông trường cũng thiếu lao động nên tôi xin cạo thêm phần cây của người khác nghỉ, vừa đúng với mong muốn của mình, vừa có thêm thu nhập”.
Chia sẻ về quãng thời gian làm CN của mình, anh tâm sự: “Tôi làm CN trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự lớn mạnh của ngành cao su, cũng có lúc khó khăn, có lúc huy hoàng. Ấn tượng nhất là vào những năm 1997 – 1999, khi ấy một ngày lao động của tôi chỉ đủ một bát phở, tương đương 3.000 đồng/ ngày. Trong khi nhiều đồng nghiệp bỏ cuộc, đến nay toàn công ty cũng chỉ còn vài người, riêng với tôi vẫn một lòng theo nghiệp cạo mủ cao su”.
Anh tiếp câu chuyện bằng một kỷ niệm khác: “Có lần giám đốc nông trường xuống tổ thăm hỏi, động viên anh em lúc lương bổng thấp. Tôi có nói với anh giám đốc rằng: Tôi đi làm CN cho anh đến khi nào giá cao su lên thì mới nghỉ, thế là anh em cười ầm lên”.
Rồi anh so sánh về 2 thế hệ làm cao su giữa thế hệ của anh và con gái mình hiện nay: “Thời chúng tôi làm cao su, dụng cụ lao động hết sức thô sơ và khan hiếm nhưng mỗi ngày vẫn hoàn thành phần việc giao khoán là cuốc 20 hố với kích thước 60 x 60cm để trồng cao su, tôi nghĩ tuổi trẻ bây giờ chắc không thể làm nổi. Sau này, điều kiện dần được thay đổi, dụng cụ lao động đã tốt hơn, lại có thêm sự trợ giúp của máy móc nhưng vẫn làm thủ công là chính. Sau những năm 2000, với sự trợ giúp của công cụ lao động và máy móc, mỗi ngày tôi đào được 100 hố, trồng mới trên 300 stum bầu. Tôi cũng chỉ mong rằng thế hệ sau này dù khó khăn hay thuận lợi vẫn giữ nguyên lập trường, tư tưởng vững vàng, kiên định với sự chọn lựa nghề nghiệp của mình”.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Tự hào 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- Càng khó khăn càng phải nỗ lực gấp đôi
- Người công nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà
- Kỹ sư trẻ đam mê nghiên cứu khoa học
- Ngô Thị Nga - người nói ít làm nhiều
- Nguyễn Văn Quyên - Gương sáng trong học tập và làm theo Bác
- Điểu Sít không ngại khó
- "Mô hình trồng hàng kép cần phải thể chế hóa bằng quy trình kỹ thuật"
- Nghị lực vươn lên của một Bí thư chi bộ
- Mãi mãi niềm tin yêu đong đầy