CSVN – Đau đáu về cuộc sống, và dường như có cơ duyên với gỗ, từ khi còn là một thanh niên trẻ, anh Trần Đức Vinh ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã miệt mài sưu tập và chuyển tải nỗi lòng của mình vào những bức tượng bằng gỗ, một công việc mà anh đeo đuổi trong suốt 16 năm qua.
Thân gỗ cũng có linh hồn
Căn nhà nhỏ cấp 4 vừa là quán cà phê vừa là nơi trưng bày hơn 200 tác phẩm được tạc bằng gỗ lũa mang tên Hồn Gỗ. Những gốc cây, rễ cây trải qua sự bào mòn của thời gian và cả những gốc cây bị đốt cháy nằm lãng quên giữa đại ngàn, sông suối đã được anh Vinh đưa về từ những ngày bắt đầu tập tễnh bước vào niềm đam mê của mình. Trong khoảng không gian còn chật hẹp, chủ nhân của nó đã khéo léo sắp đặt từng cụm tượng với những chủ đề riêng.
Điều này không chỉ thể hiện sự tinh tế mà còn là nơi chuyển tải những thông điệp mà anh gửi gắm vào đấy. Anh tâm sự: “Rừng của Tây Nguyên này đã bị tàn phá khốc liệt bởi bàn tay con người. Nhưng mình thấy trong thân cây gỗ còn có một linh hồn. Chính vì vậy “thổi hồn” vào thân cây mục nát đó để cho con người chúng ta nhận thức hơn về một chút thiêng liêng của núi rừng Tây Nguyên”.
Với nhiều người, những khúc gỗ lũa bề ngoài mục nát kia chắc chẳng còn mấy giá trị, nhưng dưới con mắt của anh Vinh nó đều ẩn chứa một linh hồn. Để có những tác phẩm thể hiện được ý tưởng của mình từ những khúc gỗ lũa vô tri, anh Vinh cảm nhận bằng cái tâm của mình. Từ đó, “thổi hồn” vào đó qua bàn tay của những người thợ điêu khắc. Từng nét đục, chạm được anh Vinh tỉ mỉ truyền ý tưởng làm sao để mỗi tác phẩm trở thành mỗi thông điệp khác nhau.
Hồn Gỗ mang đến sự yên bình, tĩnh tâm
Cứ như thế, miệt mài trong suốt hơn 16 năm qua, bộ sưu tập của anh ngày một dày thêm. Chính chủ nhân của nó cũng không thể nhớ hết được mình có trong tay bao nhiêu tác phẩm được chế tác từ gỗ. Ý tưởng mở quán cà phê, vừa là nơi góp phần để đeo đuổi đam mê, vừa là nơi để truyền tải thông điệp đến với nhiều người hơn đã hình thành được vài năm qua.
Khách hàng đến với cà phê Hồn Gỗ với nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau nhưng đều có chung một cảm nhận về sự yên bình, nhẹ nhõm. Có mặt tại quán cà phê, ông Hồ Tịnh Tâm ở huyện Kông Chro chia sẻ: “Khi bước vào đây thì thấy tâm hồn mình thanh thản. Thế nên mỗi lần có công chuyện đi ngang qua tôi đều sắp xếp thời gian để ghé vào. Trước là thưởng thức nghệ thuật, sau là thả lỏng mình sống chậm lại”.
Qua những tác phẩm của mình, dưới sự xếp đặt tài hoa, Trần Đức Vinh đã phác họa thành công những không gian riêng biệt theo từng chủ đề. Ở đó, là hình tượng người mẹ được anh chăm chút, nâng niu hay sự đau đáu trước những vấn nạn của xã hội đã tác động đến đời sống của vạn vật. Thế nên, với mỗi không gian, người xem có thể cảm nhận được những nỗi niềm khác nhau để lắng đọng lại lòng mình, tìm đến với niềm thanh thản giữa cuộc sống.
Hà Đức Thành
Related posts:
- Đây sen quê Bác
- Cuộc thi sáng tác "Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su"
- Đắm say câu lục bát tự tình
- Báo chí chấm điểm lễ hội
- Cao su quê hương tôi
- Người thợ ảnh già vất vả mưu sinh
- Cần phải nhìn lại chuyện lễ hội
- Phụ nữ ngành cao su phấn đấu hoàn thành sứ mệnh trong thời đại mới
- Lạc quan trước mùa cạo mới
- Mỗi chuyến đi, một trải nghiệm