Cây cao su thật diệu kỳ!

CSVN – Cây cao su thật diệu kỳ! Chu kỳ kinh doanh của cây từ 25-30 năm, cũng vừa bằng thời gian công tác của một người từ khi tốt nghiệp đại học đến khi nghỉ hưu. Một đời cây gắn bó với một đời thợ!

Ảnh : CTV

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm, có những việc cứ in đậm trong tâm trí tôi cứ như là mới vừa xảy ra… Đến giờ, tôi vẫn còn giữ lại những quyển sổ ghi chép trong thời gian đầu công tác, trong đó có những quyển sổ đóng từ những trang giấy tập học sinh, nắn nót những trang đầu là các bài học nhập môn về quy hoạch cao su: yêu cầu sinh lý sinh thái cây cao su, định mức chi tiêu tính toán nhu cầu lao động, điện nước, xây dựng kiến trúc, giá thành, giá bán mủ cao su…

Quê tôi ở Tây Ninh nên từ nhỏ đã không lạ gì cây cao su. Ngay trước cửa nhà tôi không biết từ lúc nào đã tồn tại một cây cao su đơn độc, thân đầy sẹo do ông tôi và các bác trong xóm chích lấy mủ để vá xe. Dưới bóng mát cây cao su, tôi và lũ bạn chơi trò bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò…

Vào mùa cao su rụng hạt, nghe tiếng lách tách là chúng tôi tranh nhau nhặt những hạt cao su bóng mượt, chà một đầu hạt xuống đất cứng cho vỏ mòn đi rồi cắm vào các que tre vót nhọn để giả làm kẹo mút chơi đồ hàng. Những mảnh vỏ màu trắng ngà được mang phơi khô dùng nhóm lửa…

Bắt đầu công tác ở Phòng Quy hoạch và Quản lý đất trồng cao su từ tháng 10/1981, làm quen với quy trình lập Dự án phát triển cao su, đầu tiên là Dự án phát triển cao su miền Đông Nam bộ. Theo yêu cầu của chú trưởng phòng Nguyễn Phi Cơ, làm cán bộ quy hoạch cao su phải đi nhiều và biết nhiều (tất nhiên là biết không sâu).

Nhiều lần đi công tác dã ngoại điều tra cơ bản   để lập Dự án đầu tư cho Công ty Cao su Dầu Tiếng,  tôi thực sự bỡ ngỡ trước sức sống mãnh liệt của cây cao su, từng hàng cao su xanh ngắt trên những khu đất trắng bạc màu vốn là rừng le và cỏ tranh…

Công tác quy hoạch tuy vất vả nhưng được “du   lịch không mất tiền”. Ngoài thời gian phải lội bộ băng rừng để thu thập số liệu điều tra cơ bản về tình hình   tự nhiên – kinh tế – xã hội của địa phương, chúng tôi được tham quan chỗ này chỗ nọ, đôi khi còn được cán bộ địa phương trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch.

Những chuyến du lịch kết hợp đó lắng đọng trong lòng mỗi người về những vùng đất, những địa danh, những con người với sắc thái riêng… đủ để cảm nhận đất nước hình chữ S thật tươi đẹp. Sinh hoạt quanh bếp lửa nhà sàn giữa cái rét khó chịu của núi rừng Tây Nguyên, đi khảo sát điều tra hiện trạng vào mùa gió Lào thổi rát mặt hay trải qua những cơn bão dữ dội của miền Trung, nhỏ bé giữa trời đất bao la, tình thân giữa những đồng nghiệp trở nên thân thiết hơn gắn bó hơn…

Năm 1986, chúng tôi cùng Ban lãnh đạo Tổng cục Cao su do chú Trần Ngọc Thành làm trưởng đoàn và lãnh đạo các Công ty cao su: Đồng Nai, Lộc Ninh, Phước Hòa, Đồng Phú, Tây Ninh ra Hà Nội báo cáo thông qua Luận chứng kinh tế kỹ thuật đầu tư Công ty trước các cơ quan Trung ương do văn phòng Hội đồng Bộ trưởng chủ trì. Tôi được phân công báo cáo nội dung Luận chứng kinh tế kỹ thuật Công ty Cao su Tây Ninh. Ngoài những góp ý về suất đầu tư, tiến độ xây dựng nhà máy chế biến….

Ảnh: Phạm Thuận

Báo cáo xong cả đoàn được đích thân các chú ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đưa đi tham quan công trình thủy điện Hòa Bình và bãi biển Đồ Sơn…

Làm việc dưới ngôi nhà chung công ty, đa số nữ công nhân lao động của đơn vị đều có tinh thần cầu tiến, tự tin, yêu nghề. Tính chất công việc của đơn vị đòi hỏi phải đi nhiều và chủ động linh hoạt trong các mối quan hệ (công tác tư vấn), vững vàng về trình độ kỹ thuật và có bản lĩnh chỉ huy xử lý công việc trên công trường (lĩnh vực thi công xây dựng); nhưng từ trước tới nay, việc tổ chức phân công, đề bạt cán bộ của công ty hoàn toàn không do cơ cấu mà chủ yếu dựa vào năng lực cán bộ…

Bản thân tôi làm việc trong một bộ phận nữ chiếm đa số. Những người phụ nữ tôi yêu quý trong suốt thời gian công tác ở đơn vị thực sự đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi từ khi còn độc thân cho đến khi lập gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành… Đó là những người chị đã tận tình dìu dắt tôi từ những ngày đầu tiên bước chân vào cơ quan, cùng rong ruổi trên những nẻo đường quy hoạch.

Thời bao cấp đời sống vật chất ai cũng khó khăn nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú; chia sẻ nhau từng mớ củi, bao than, đậu, mè… mua rẻ trên đường công tác; những khoảnh khắc quên hết mệt nhọc cùng nhau xem một bộ phim chiếu rạp hoặc đọc một quyển sách hay trên đường công tác dã ngoại…

Đó là những đồng nghiệp luôn hết lòng vì công việc xem công ty như là “nhà”, sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ hỗ trợ nhau trong mọi việc… Và chắc hẳn tôi đã đơn độc không thể đi hết hành trình nếu không có tình yêu nghề, tình bè bạn; không nói bằng lời nhưng một khi cảm nhận được hơi thở và bước chân bạn đồng hành thì khó khăn trở ngại nào rồi cũng vượt qua, nỗi buồn vơi đi và tình yêu đối với nghề, với cây cao su, với cuộc sống mãi tràn đầy. Những dịp đi công tác, niềm vui sau khi hoàn thành công việc, những hình ảnh cùng nhau vui chơi đây đó, tâm sự chuyện gia đình, chuyện tương lai… đều lưu lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên.

Những lần về quê ăn Tết, có dịp đi lại những vùng trước kia không có trong quy hoạch cao su như: những vùng đất thấp bị glây hóa của huyện Bến Cầu, Châu Thành, những vùng đất gần nguồn nước vốn được quy hoạch thành vùng chuyên canh cây mía, cây mì thuộc huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Hòa Thành… những năm gần đây người dân mạnh dạn chuyển sang trồng cao su, nhà cửa xóm làng đã khởi sắc hơn. Đi qua những cánh rừng cao su đang trút lá lòng tôi lại rộn ràng xao xuyến, nhớ lại những câu thơ của nhà thơ Lê Giang mà tôi tình cờ đọc được trong một tờ báo nào đó từ những ngày đầu bước chân vào công tác tại Tổng Cục cao su:

“Cao su rụng lá trơ chìa,

Còn ba bữa nữa anh dìa dới em”.

Cây cao su thật diệu kỳ! Chu kỳ kinh doanh của cây từ 25-30 năm, cũng vừa bằng thời gian công tác của một người từ khi tốt nghiệp đại học đến khi nghỉ hưu. Một đời cây gắn bó với một đời thợ! Cây cao su cho mủ nhiều nhất vào cuối năm, sau đó tạm ngưng, bổ sung dinh dưỡng để tích nhựa, bắt đầu bước vào một mùa cạo mới… Cùng thời gian đó, người trồng ra nó vừa có thu nhập cao vừa được nghỉ ngơi đúng vào thời điểm Tết Âm lịch. Chịu thương chịu khó như người nông dân một nắng hai sương, thân cây chắt chiu từng giọt mủ, đến cuối đời còn mang lại bao nhiêu là lợi ích cho con người…

LÊ THỊ NGÔN

(Cán bộ hưu trí – Công ty CP Xây dựng &Tư vấn Đầu tư)