Đắm say câu lục bát tự tình

CSVN – Đa đoan. Tràn trề cảm xúc. Ai đắm chìm vào thế giới lục bát của Thanh Hiếu cũng đều thấy đắm say như cạn một hơi rượu cay.

Tập thơ “Lục bát tự tình” của tác giả Thanh Hiếu.

Do điều kiện công tác, nguồn năng lượng chính tạo ra những câu lục bát Thanh Hiếu (ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam), tạo ra sự đắm say này, chính là vẻ đẹp mê hồn của những miền đất trong Tổ quốc ta, những miền thiên nhiên kỳ vĩ.

Đấy là Vĩnh Linh, quê hương yêu thương của tác giả với những địa danh đi vào lịch sử của một thời đất nước cắt chia như Bến Hải, Hiền Lương, Cửa Tùng, Vĩnh Mốc, Bến Tắt… với “Câu hò huyền tích song Hiền – Vĩnh Linh ơi! Đất quê miền yêu thương”. Đấy là Kon-Tum địa đầu Tây Nguyên cũng vô vàn địa danh một thời chiến tranh khốc liệt “Mai này anh lên Ngọc Wang – Dục Nông, Tân Cảnh rồi sang Hòa Bình”. Đấy là biển Mỹ Khê Đà Nẵng với “Sơn Trà tượng Phật nam mô – Ảo diệu em khỏa một bờ miên man”, rồi đến đỉnh Bà Nà mờ sương “Bồng Lai ai đó trao mình – Bà Nà một cõi chùng chình tình ru”, chợt ngoặt thẳng vào Tây Nam Bộ, ngỡ ngàng một vẻ đẹp mê hồn của người thiếu nữ xứ Dừa: “Tóc dài em xõa tròn vai – Hương dừa tỏa ngát thương hoài Bến Tre”.

Thanh Hiếu đúng là đa đoan. Đang ngập tràn xao xuyến với Tây Nam Bộ lại thăng hoa bay lên đỉnh Chư Mom Ray nơi đất Sa Thầy ngã ba biên giới: “Môi hồng áo cóm điệu xòe – Chư Mom Ray đất trời se mưa tình”. Mới thế đã lại nhoài ra biển Vũng Tàu: “Vũng Tàu chiều ấy là em – Biển nũng nịu sóng vỗ mềm vai ta”, rồi như xui khiến ngoặt ra lênh đênh trên con đò sông Hương xứ Thần Kinh “Sông Hương chiều ấy đơn côi – Để anh mắc nợ người ơi… một dòng”. Đấy là “Hương Khê đằm thắm duyên đầu – Hát câu ví giặm… về đâu hỡi người” của đất Hà Tĩnh với Đèo Ngang khắc tạc trong câu sấm Trạng Trình khuyên chúa Nguyễn “Hoành sơn nhất đái – Vạn đại dung thân” khởi đầu hành trình mở cõi và bỗng rưng rưng một thuở Cần Vương với anh linh kiệt liệt Phan Đình Phùng.

Đấy là Bảo Ninh cửa sông Nhật Lệ thấp thoáng con đò mẹ Suốt thời chiến tranh: “Máu hòa sóng biển thắm đời – Mái chèo khua mãi đất trời Bảo Ninh” và bỗng dưng mọc lên đột ngột trong hành trình phiêu lãng là một Cồn Cỏ lênh đênh “Bao ngày biển bạc giận hờn – Thương anh lính trẻ bước sờn bóng đêm”, và rồi lại thả mình theo sông Lam: “Qua cầu Bến Thủy chiều nay – Vấp cơn mưa thắm của ngày… đò đưa”. Liệu ai có thể đa đoan hơn Thanh Hiếu đây? Đang “vấp” ở cầu Bến Thủy đã lại cảm thán Hòn Chồng – Hòn Vợ ở Nha Trang: “Môi thắm môi ta hãy say – Bấu vào miền nắng chiều này Nha Trang”.

Rồi thần thông biến ảo vào đất đỏ Ba dan hóa: “Cỏ hồng ai nhuộm Đắc Đoa – Chiều đông khỏa sắc phù hoa điệu đàng”. Hay thật, ấy thế mà chìm vào ngay Phá Tam Giang để bềnh bồng nỗi niềm xa cũ: “Thương em ngân ngấn mắt ràng – Tam Giang nước lợ em đang ngọt lành”. Nhưng cũng chỉ khoảnh khắc thôi, lại vọt lên Tây Nguyên với Chư Đăng Ya mùa dã quỳ vàng rười rượi thương buồn mênh mang: “Ta đến với Chư Đăng Ya – Vỡ òa tình khúc mùa hoa dã quỳ”. Và như xui khiến, trôi theo thảo nguyên xanh tới tận Bình Phước – miền viễn biên Đông Nam Bộ để nhớ về: “Mùa hè đỏ lửa ngút trời – Bình Long ngày ấy giờ đời như mơ”.

Đã bao người đến Đất Mũi Cà Mau để tần ngần bên cột mốc cuối cùng đất nước – Cột mốc 2.436 km và ngơ ngẩn hoàng hôn nhìn nắng, chuyển dần từ biển Đông sang biển Tây, thì Thanh Hiếu cũng vẫn là kiểu đa đoan riêng mình: “Câu sề vọng cổ bời bời – Thương hoài một cõi cuối trời có hay”. Cũng rất riêng, một phát hiện Bình Thuận: “Bình Thuận nhiều nắng ít mưa – Để anh phải nắng, nắng chừa em ra”. Với địa danh Chư Prông nổi tiếng trận tiêu diệt lính Mỹ sư đoàn kỵ binh bay thời đầu chống Mỹ, Thanh Hiếu lại nỗi niềm mang chứa: “Chư Prông, Chư Prông – Núi cao rừng thẳm nỗi lòng trong em”.

Ai về Kiên Giang miền biển viễn Tây sẽ thấy bình minh rất lạ khi nắng loang dần từ đất liền ra biển. Thanh Hiếu thấy Kiên Giang của mình: “Phải lòng tay lấm chấm phèn – Đờn ca tài tử không thèm thua ai”. Nghe sóng Trường Sa, Thanh Hiếu nghe cũng khác: “Đêm nay sóng kể đầy đong – Trường Sa đảo ngọc thổ công tiên rồng”. Và bâng khâng hoàng hôn Đà Lạt: “Miền Nam Đà Lạt hoàng hôn – Chiều tàn mù thả lắng hồn rong chơi”. Ngỡ ngàng là Sơn La – Tây Bắc: “Qua miền áo cóm Sơn La – Mận mơ nở trắng nõn nà Mộc Châu”. Cuối cùng là trái tim đất nước, là thủ đô Hà Nội trong se lạnh tháng Giêng mà ấm áp tình người: “Hà Nội cái rét tháng Giêng – Nên em trùm kín mùa riêng đất trời”. Thanh Hiếu đã vẽ cho riêng mình một bản đồ Việt Nam bằng những câu lục bát đa đoan.

Bên cạnh nguồn năng lượng ngoại sinh là những miền quê đất nước trong lục bát Thanh Hiếu còn tàng chứa nguồn năng lượng nội sinh của chính tâm hồn dễ rung động của mình. Bằng cách nhân cách hóa, Thanh Hiếu đã hòa quyện ngoại sinh và nội sinh trong một chữ “quàng” của tuyên ngôn thơ Thanh Hiếu: “Nắng thêu thùa chiều hây hây – Điệu đàng là chút heo may em quàng – Thơ ta muôn nẻo lang thang – Bắt quàng làm họ thu sang mấy vần”. Tôi rất đồng cảm với cách Thanh Hiếu xuống dòng lục bát của mình trong bài “Giọt mưa bên thềm”. Có gì như nhắc lại Nguyễn Vỹ trong “Sương rơi” thời tiền chiến, nhưng hơn hết đấy là tiếng lòng mình và mình thấy phải như thế, không thể nào khác được:

Từng giọt

Từng giọt

Mưa rơi

Như tình

Ai trói

Khóc

Cười

Hợp tan

Cũng là lục bát, cũng là xuống dòng, nhưng thấy nó là thế, không áp đặt sống sượng. Đó là thuận theo cảm xúc chứ không cố tình tạo hình thức. Có lẽ vậy nên câu thơ thấm vào ta hơn, ớn lạnh hơn “nhân tình thế thái”.

Thanh Hiếu không làm thơ. Anh và Nàng thơ mắc duyên tình không gỡ được ra, nên đành thốt lên những những trắc ẩn. Khi thì mượn ngoại sinh, khi thổn thức nội sinh.

Ta là lãng tử rong chơi

Thơ là tiên nữ sa đời khỏa sông

Ngọt bùi cay đắng long đong

Ta thơ ngụp lặn nào xong cuộc tình

Chữ câu vần điệu trầm mình

Ta vớt lên bóng, với hình nhân gian

Ta cười hoa nở miên man

Ta khóc lệ thắm tràng giang dại khờ.

NHÀ THƠ NGUYỄN THỤY KHA