CSVNO – Tháng 6 có một ngày mà chúng tôi gọi là ngày Tết của những người làm báo, đó là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Ngày này, chúng tôi được quyền nở nụ cười nhìn lại những gì mình đã làm được với nghề trong một năm qua. Và hơn hết, niềm vui càng hân hoan hơn khi câu hỏi: “Mình đã làm được gì để cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về lĩnh vực mà mình phụ trách ?” được trả lời một cách dứt khoát và tự tin.
Người ngoài nhìn vào hầu như thì thấy làm báo thật sung sướng, khi được đi đây đi đó, khám phá nhiều nơi mới lạ, thưởng thức những đặc sản vùng miền, được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, nhiều tầng lớp. Còn chúng tôi, những người làm báo thì có những cái nhìn từ nhiều phía hơn, bên cạnh những gì người ngoài nhìn thấy.
Điều quan trọng nhất, đó là chúng tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình với từng vùng đất, từng nông trường và tập thể người lao động nơi mà chúng tôi đến. Càng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, ý thức trách nhiệm đó càng cao hơn nữa. Và chúng tôi nhìn thấy sự vất vả, những giọt mồ hơi rơi trên những gương mặt cần mẫn, hăng say lao động của công nhân. Chúng tôi thấy sự trăn trở, âu lo của lãnh đạo các đơn vị khi thời tiết bất lợi, khi giá mủ giảm, rồi làm sao đảm bảo lương thưởng cho người lao động, rồi làm sao để hoàn thành và vượt chỉ tiêu cấp trên giao phó.
Công tác tại tờ tạp chí ngành có rất nhiều thuận lợi cho chúng tôi. Địa bàn mà phóng viên đến là những đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vì thế nhận được sự hỗ trợ rất nhiều trong quá trình tác nghiệp. Là một ngành nông nghiệp với số lượng CBCNVC – LĐ khá đông và đầy đủ các hoạt động VHVN – TDTT, an sinh xã hội, an ninh trật tự… tất cả như một xã hội thu nhỏ trong ngành cao su. Bởi vậy chúng tôi thường hay nói, tuy là tạp chí ngành nhưng đề tài để phóng viên khai thác thì nhiều vô kể.
Có những góc nhỏ đời thường, có những mô hình kinh tế hay, có những sáng kiến cải tiến, hoặc có những ý kiến, đề xuất của người lao động… chúng tôi vẫn chưa chuyển tải kịp thời được, mà thông qua một kênh khác đó là cộng tác viên. Địa bàn của các đơn vị rộng, trải dài từ Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc và sang tận Lào, Campuchia, vì vậy nhờ có sự hỗ trợ thông tin kịp thời của cộng tác viên, Tạp chí ngày càng có nhiều góc nhìn phong phú hơn.
Cùng với đó là sự đổi mới về hình thức tuyên truyền của Tạp chí, ngoài báo in còn có trang tin điện tử, bản tin truyền hình và trên facebook, nhờ đó, độc giả có quyền chọn lựa cho mình cách tiếp nhận thông tin phù hợp với mình.
Làm báo, điều mà mỗi phóng viên sợ nhất đó chính là cách viết nhàm chán, lặp đi lặp lại một mô típ cũ, là đề tài chung chung, chưa đi sâu vào vấn đề quan trọng nhất trong mỗi việc, mỗi thời điểm. Tiếp theo nữa là sợ người đọc quay lưng với mình, bởi làm báo là giúp cho người tiếp nhận thông tin một cách dễ hiểu nhất, khi anh không hiểu độc giả của mình cần gì thì tác phẩm của anh không nhận được sự quan tâm là điều đương nhiên.
Chính vì lẽ đó, mỗi phóng viên chúng tôi ai cũng tự ý thức được việc thay đổi cách truyền tải thông tin tùy thuộc vào thời điểm, vào đối tượng tiếp nhận và vào đề tài mà mình theo đuổi. Và mong muốn lớn nhất của người làm báo chính là làm thế nào để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất đến với bạn đọc.
Có những khi sự trăn trở đó không thể hiện ra bên ngoài nhưng đứng trước một sự kiện, một đề tài chúng tôi luôn hình dung trong đầu mình sẽ đi bằng con đường nào đến với đề tài để độc giả dễ hiểu. Chúng tôi luôn cố gắng học hỏi, luyện rèn mỗi ngày để những bài báo của mình thực sự là hữu ích, là có ý nghĩa.
Nhân ngày 21/6, chúng tôi nhìn lại những gì đã làm trong một năm qua. Điều mà chúng tôi luôn ghi nhớ đó là sự hồ hởi chờ đón Tạp chí vào ngày 1 và 15 hàng tháng tại các nông trường, tổ, đội. Là những tin nhắn hỏi thăm về bản tin truyền hình tuần này phát ngày nào. Đó chính là động lực để chúng tôi tích cực làm việc hăng say hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi cũng muốn cảm ơn những nhân vật đã giúp chúng tôi có những bài viết hay, có những thước phim đẹp. Cũng mới đây thôi, khi có dịp thực hiện phóng sự cho một đơn vị, công nhân làm việc tại vườn giống rất hăng say, tỉ mẫn và nhiệt tình vừa làm vừa trình bày tất cả các công đoạn. Để có hình ảnh vừa ý, có những cảnh quay phải thực hiện đến 3 – 4 lần, ấy vậy mà các anh các chị vẫn tươi cười. Làm việc giữa cái nắng oi bức đầu hè, mồ hôi thấm ướt trên vai áo, thế nhưng mọi người rất tươi và đùa: “Quay xong phim là cô chú trả tiền cát xê cho tụi tui nha, diễn viên này cát xê phải cao hơn hô ly út nha”.
Chúng tôi thấy trong đó ẩn chứa cái tình. Cảm động, hân hoan lắm. Bởi khi nhận được sự hợp tác của nhân vật là tác phẩm đã xem như đi được 50% chặng đường. Ngày 21/6 hàng năm được xem là cái Tết của người làm báo, chúng tôi nhân đây cũng trân trọng những tình cảm của anh chị em trong ngành đã giúp đỡ, tạo điều kiện để những người làm báo như chúng tôi có một cái nhìn toàn cảnh về ngành cao su, để chúng tôi biết ý thức được mình phải làm gì, làm như thế nào để xứng đáng với tình cảm ấy.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Trách nông dân, nông dân trách?
- Năm mới: Thách thức và vận hội
- Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi
- Thư ngỏ Vận động tài trợ, đóng góp cho “Quỹ hỗ trợ Làng Công nhân cao su”
- VRG nỗ lực phòng chống Covid-19 và quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2021
- Quy định chống phá rừng của liên minh châu Âu - cơ hội mới cho ngành cao su Việt Nam
- 10 sự kiện nổi bật năm 2020
- Mãi mãi tỏa sáng truyền thống “Phú Riềng đỏ”
- Tinh thần Phú Riềng Đỏ là động lực để vượt qua khó khăn
- Vượt qua thách thức, phát triển vững vàng