Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp cao su: Việc cần làm

CSVN – Đầu năm 2016, doanh nghiệp (DN) ngành cao su thiên nhiên đón nhận tin vui: Thủ tướng Chính phủ đồng ý miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản (KTCB) từ năm 2015 đến năm 2020.
Chính phủ đã cho phép DN cao su được miễn tiền thuê đất cao su tái canh. Ảnh: Tùng Châu.
Chính phủ đã cho phép DN cao su được miễn tiền thuê đất cao su tái canh. Ảnh: Tùng Châu.

Đây như là một liều thuốc trợ lực để DN ngành cao su có sức kháng cự trước rất nhiều khó khăn bủa vây như hiện nay. Tiền thuê đất trồng cao su là một trong rất nhiều loại thuế, phí mà DN cao su đang phải nặng gánh chi trả. Đáng chú ý, những năm gần đây, tiền thuê đất đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam bộ – nơi diễn ra mạnh nhất quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Chi phí này khiến suất đầu tư, giá thành đội lên, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các CTCS. Sức chịu đựng của các CTCS bị bào mòn, còn sức ép lại tăng lên khi giá cao su vài năm gần đây giảm sâu. Tình thế đó buộc Ban lãnh đạo VRG phải ban hành chủ trương cắt giảm suất đầu tư, đẩy mạnh tiết kiệm. DN có thể rà soát, tự quyết cắt giảm nhiều khoản mục, nhưng với thuế, thì phải trông chờ vào Nhà nước.

Bởi vậy, việc Chính phủ đồng ý miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian KTCB, là rất kịp thời và cần thiết cho các CTCS. Đa phần các CTCS đều được hưởng lợi từ quyết định này, bởi từ năm 2015 trở đi, ngành cao su hạn chế trồng mới, chủ yếu là tái canh diện tích cao su đã thanh lý, với khoảng 20.000-30.000 ha/năm.

Nhiều năm qua, các DN cao su hoạt động hiệu quả, đóng góp rất lớn về mặt kinh tế cũng như an sinh xã hội và quốc phòng an ninh cho đất nước. Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho DN ngành cao su phát triển. Nhưng trong thực tiễn vẫn còn đó không ít bất cập, vướng mắc trong cơ chế, nhất là những vấn đề liên quan đến thuế, phí. Hiệp hội Cao su VN, VRG và các DN cao su đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ, “cởi trói” những quy định, ràng buộc không hợp lý. Đó không phải là đòi hỏi mang tính đặc quyền đặc lợi, mà là những đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp tình hợp lý, vì lợi ích chung.

Mong rằng sau khi miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh, thì Chính phủ và các bộ ngành liên quan tiếp tục quan tâm và có giải pháp giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, đề xuất khác của DN cao su, như thuế xuất khẩu cao su, thuế thu nhập DN, thuế giá trị g ia tăng… Để ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường, các DN ngành cao su VN đang tự cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập cho CNLĐ, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, tích cực tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường…

Nhưng sự nỗ lực đó chưa đủ, mà DN cần Nhà nước kề vai sát cánh, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của DN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hoạch định chính sách phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để DN vượt qua thách thức, vững tin hội nhập.

Phú Vinh