Quy định chống phá rừng của liên minh châu Âu – cơ hội mới cho ngành cao su Việt Nam

CSVN – Năm 2024, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên dự báo sản lượng cao su thế giới đạt 14,542 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2023; tiêu thụ đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước. Ngoài ra, nhu cầu cao su còn hưởng lợi từ một loạt yếu tố như: ngành công nghiệp lốp xe Trung Quốc kỳ vọng tiếp tục bùng nổ, nhu cầu châu Âu và Hoa Kỳ dự báo tăng trưởng tích cực khi các Ngân hàng Trung ương tương ứng bắt đầu cắt giảm lãi suất và hoạt động kinh tế phục hồi đà tăng trưởng.

Việt Nam có hơn 200.000 ha cao su đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC (100% diện tích này thuộc VRG)

Những năm qua, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng và là tiền đề cho việc thiết lập những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể là Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) áp dụng với 7 nhóm mặt hàng nông sản, trong đó có cao su và gỗ, khẳng định sản phẩm khi nhập khẩu vào EU phải đảm bảo quá trình sản xuất hợp pháp và không gây phá rừng, bao gồm các yêu cầu về định vị địa lý và truy xuất nguồn gốc.

EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành cao su Việt Nam. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng sẽ theo EU về quy định không gây mất rừng. Bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su cũng phải nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng và liên tục, duy trì thị phần lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua.

Việt Nam hiện có 918.000 ha trồng cao su, trong đó, hơn 200.000 ha cao su đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC (100% diện tích này thuộc VRG). Một diện tích nhỏ khoảng 6.000 ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Cả PEFC và FSC đều có các bộ tiêu chuẩn tương thích đáp ứng với quy định EUDR.

Việc tuân thủ quy định EUDR không chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su vào thị trường EU, mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển theo định hướng chiến lược của VRG là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

TUỆ LINH