CSVN – Nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, đoàn công tác của VRG do ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc Tết gia đình bà Lò Mai Trinh – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Trong buổi gặp gỡ, bà đã chia sẻ những kỷ niệm thời kỳ đầu cao su định hình tại mảnh đất anh hùng – Điện Biên.
Lãnh đạo địa phương đồng tình và ủng hộ
Sau 8 năm chờ đợi, năm 2016, 40ha cao su của Công ty CPCS Điện Biên đã đưa vào mở miệng cạo. Đây không chỉ là niềm vui của VRG mà còn là hân hoan của các đồng chí lãnh đạo chính quyền có tâm huyết với cây cao su từ những ngày đầu tiên. Dòng vàng trắng đầu tiên đã chảy trên mảnh đất anh hùng của Tổ quốc. Nghe lãnh đạo Công ty CPCS Điện Biên báo cáo về những thành quả bước đầu của Công ty, bà Lò Mai Trinh – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, rất vui mừng.
Bà Trinh là một trong những người có công góp sức, tâm huyết để cao su thành hình thành dáng nơi đây. Bà chia sẻ: “Những ngày đầu khi nghe VRG có chương trình phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc, lãnh đạo địa phương rất băn khoăn và cân nhắc rất nhiều. Bởi Điện Biên vốn là tỉnh còn nghèo, trình độ dân trí thấp, bài toán trồng cây gì – nuôi con gì để người dân thoát nghèo được tính toán kỹ lưỡng và cũng đã thử nghiệm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Những cây trồng như cà phê, mía, nuôi dê, nuôi bò… cũng được triển khai tại địa phương”.
“Khi biết được mục tiêu trồng cao su tại Điện Biên của VRG nhằm tri ân công lao đóng góp của các đồng bào, đồng chí có công với cách mạng, chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ. Vì nếu đặt mục tiêu lợi ích kinh tế lên đầu tiên khi đầu tư tại đây chắc nhiều doanh nghiệp không chọn Điện Biên. Dự án phát triển cao su tại tỉnh nhà được bàn bạc và đưa ra cho ý kiến trong các cuộc họp Ban chấp hành Tỉnh ủy, cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng vẫn đi đến thống nhất ủng hộ”, bà Trinh cho biết thêm.
Địa phương thay màu áo mới
Dù đã về hưu nhưng bà Trinh vẫn thường xuyên theo dõi sự phát triển của cao su trên mảnh đất Điện Biên nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung. “Nhớ những ngày đầu triển khai dự án, phải nói thật sự khó khăn gian khổ, địa hình vườn cây trải dài hơn 100km, các anh em Công ty và cán bộ lãnh đạo nông nghiệp của tỉnh, huyện thậm chí phải ở vùng dự án để cùng vận động người dân. Khó khăn qua đi, những kết quả hôm nay dù chỉ là bước đầu nhưng khẳng định chủ trương phát triển cao su của VRG là đúng đắn, khẳng định cây cao su đã đứng vững trên địa hình này và cây cao su rất phù hợp với đặc tính canh tác của bà con đồng bào tại đây”, bà Trinh khẳng định
Cây cho mủ rồi, lương của NLĐ cũng từ đó tăng dần lên. Ngoài ổn định đời sống, các công ty VRG còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, rồi đây đời sống bà con sẽ được nâng lên, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng được đảm bảo, trật tự xã hội ổn định. “Vì vậy, tôi hy vọng rằng công ty sẽ phát triển hơn nữa, nghiên cứu mở rộng diện tích ở những vùng đất phù hợp. Công ty phát triển thì bà con hân hoan, tôi cũng tin tưởng rằng rồi đây địa phương sẽ thay màu áo mới nhờ cây cao su”, bà cho biết.
Bài, ảnh: Quỳnh Mai
Related posts:
- Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Vì sao chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược?
- Nông thôn mới trên vùng biên giới Chư Mom Ray
- Hào hứng ngày hội công nhân Cao su Việt Lào
- TCT Cao su Đồng Nai hỗ trợ toàn diện cho cao su tiểu điền phát triển
- Cao su Việt Lào dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
- Tổ chức Đại hội điểm Đảng bộ cơ sở trực thuộc VRG
- Cao su Lai Châu: Đối thoại với người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn huyện Sìn Hồ
- Nông trường An Lập giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Dầu Tiếng
- Cao su Đồng Nai - Kratie về trước kế hoạch sản lượng 32 ngày
- Cao su Bảo Lâm quan tâm quyền lợi người lao động