Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Vì sao chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược?

CSVN – Nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chưa mặn mà với quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?
Nhà đầu tư đăng ký mua CP tại phiên IPO của VRG
Nhà đầu tư đăng ký mua CP tại phiên IPO của VRG
Chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược

Mục tiêu CPH và thoái vốn khỏi DNNN được Quốc hội đề ra chỉ có thể thành công khi thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Bởi lẽ, chính nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp thúc đẩu cơ cấu lại DNNN. Các nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại những nguồn tài chính mới mà còn những giá trị gia tăng cho doanh nghiệp như công nghệ tiến tiến, kỹ năng quản trị, mạng lưới và thị trường mới…

Tuy nhiên, thực tế quá trình CPH các DNNN thời gian qua cho thấy chưa đủ sức hấp dẫn thu hút được nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, có 5 nguyên nhân đã được tổng hợp: khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài; định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin; quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.

Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng buộc phải chỉ ra nguyên nhân và tìm được các giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược vì đây là một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu, hiệu quả của CPH.

5 khuyến nghị nhằm tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược

Trong nghiên cứu về “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra 5 khuyến nghị về giải pháp chính sách nhằm tăng sức hấp dẫn và khuyến khích nhà đầu tư chiến lược tham gia vào CPH. Cụ thể:

Thứ nhất, cần có các quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả đối với nhà đầu tư chiến lược quốc tế.

Thứ hai, đổi mới cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Thứ ba, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH.

Thứ tư, nâng cao vai trò của nhà đầu chiến lược vào quản trị doanh nghiệp sau CPH.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả khu vực DNNN nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

NGỌC TÂM

Nhà đầu tư nước ngoài không được trở thành đối tác chiến lược của VRG

[cow_johnson general_float=”center”]

Ngày 2/2/2018, Tập đoàn CN Cao su Việt Nam (VRG) tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Phiên IPO thu hút 499 nhà đầu tư  đăng ký mua với khối lượng gần 101 triệu cổ phần, trong khi có tới 475,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Trong đó, các cá nhân trong nước đăng ký mua 34,2 triệu cổ phần, cá nhân nước ngoài đăng ký mua 507.200 cổ phần, tổ chức trong nước mua 39,4 triệu cổ phần và tổ chức nước ngoài mua 26,6 triệu cổ phần.

Kết thúc phiên đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá đúng khối lượng đã đăng ký. Với mức giá khởi điểm 13.000 đồng cho mỗi cổ phần, các nhà đầu tư đặt mua trúng giá cao nhất là 20.800 đồng/cổ phần. Số tiền nhà nước thu về trong đợt đấu giá này là 1.311 tỷ đồng, hoàn thành 21% kế hoạch.

Nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần của VRG thông qua IPO nhưng không được trở thành đối tác chiến lược, dù trước đây đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Thái Lan quan tâm tìm hiểu để trở thành đối tác chiến lược của VRG.

P.V

[/cow_johnson]