CSVNO – Những cơn mưa cuối mùa của Tây Nguyên đang thưa dần, cũng là thời điểm người lao động các công ty cao su đang chạy đua với phong trào thi đua 3 tháng nước rút cuối năm, là giai đoạn quyết định thực hiện sản lượng của năm. Đây cũng là thời điểm mà một trọng trách khác đang đặt nặng trên vai CB.CNV các công ty cao su. Đó là chống cháy.
Thời tiết khắc nghiệt được dự báo đã làm công tác chống cháy vườn cây cao su thêm khẩn trương. Ban chỉ đạo PCC của các công ty bắt đầu được kiện toàn, xây dựng phương án và tiến hành rà soát các tồn tại cần khắc phục của những năm trước. Tinh thần sẵn sàng đối phó với giặc lửa được quán triệt đến toàn thể người lao động, với phương châm bằng mọi giá phải giữ được vườn cây, bảo vệ tuyệt đối an toàn tài sản của Nhà nước.
Công cụ hỗ trợ được trang bị tối đa, các giải pháp được đồng loạt triển khai, người lao động lo chăm sóc vườn cây, dãy cỏ bao lô chống cháy đúng quy trình kỹ thuật, nhiều bảng thông tin tuyên truyền về phòng chống cháy nổ được treo ở những điểm người dân thường xuyên qua lại. Bên cạnh đó nhiều chòi gác được “nâng cấp” hoặc làm mới, máy bơm nước và máy thổi lá được tân trang với công suất tối đa, xe chở mủ rồi sẽ “chuyển mình” thành xe chở nước sẵn sàng ứng phó với “giặc lửa”.
Chương trình phối hợp giữa đơn vị cao su và địa phương hoặc cơ quan quân sự trên địa bàn được kiện toàn và điều chỉnh theo thực tế, lực lượng bảo vệ được bổ sung và tăng dần theo thời điểm để đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác …
Rồi đây, cái giá rét của Tây Nguyên và oi bức nơi biên giới như thử thách lòng kiên nhẫn của lực lượng trực gác, những bữa cơm vội hay gói mì tôm trên lô sẽ liên tục diễn ra trong mùa chống cháy. Trắng đêm mắc võng trực gác ngoài lô cao su, không những lo lửa cháy vào lô mà còn đó nhiều nỗi lo như côn trùng, sức khỏe, gia đình thiếu bờ vai người đàn ông trong những ngày sắp Tết, mùa thu hoạch sản xuất phụ sẽ thiếu lao động chính trong thời gian dài …
Tất cả sẽ đơn giản hơn khi tình đồng đội, tình cảm gắn bó với cây cao su, trách nhiệm với vườn cây cao su được mọi người sẻ chia, đồng lòng thực hiện nghiêm mọi giải pháp phòng chống cháy để các sự cố cháy nổ không xảy ra, cho vườn cây được phát triển xanh tốt, dòng nhựa trắng luôn tuôn trào, không phụ công của những người từ khi mở đất.
Một lãnh đạo công ty trầm tư khi tâm sự: “Vườn cây bị bệnh thì còn tìm cách chữa được chứ đã cháy thì mất hết”. Mong sao, mùa khô 2016 – 2017 bớt khốc liệt hơn, người lao động cao su không phải mất nhiều công sức đối phó với “giặc lửa”, có nhiều thời gian hơn nữa chăm sóc cho gia đình và tìm những giải pháp tăng thu nhập, xây dựng tổ ấm hạnh phúc trong mỗi gia đình cao su.
Bùi Minh Phú
Related posts:
- Thủy điện Geruco Sông Côn hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra
- Nông trường Tân Thành (Cao su Đồng Phú) giao lưu thể thao mừng ngày 22/12
- Cao su Phú Riềng tổ chức giải bóng đá mini cấp lãnh đạo
- Có một tạp chí cao su
- Anh công nhân
- Mưa ngâu
- Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh: Phấn đấu thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng
- Hội Doanh nhân trẻ Cao su Chư Prông tổ chức giải quần vợt mở rộng
- Bán độ: “Bệnh nan y” của bóng đá Việt?
- Dấu chân nối tiếp